Dù chỉ học hết lớp 3, nhưng với “máu” sáng chế, ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1966, ngụ ấp Cao Su, xã Long Giang, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) đã chế tạo được hàng loạt máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có chiếc máy phóng lúa tiện lợi, hiệu quả được nông dân trong vùng tìm mua với giá cao.

Giới thiệu với chúng tôi về người nông dân này, ông Phạm Văn Long - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bến Cầu, tự hào nói: “Từ sau giải phóng đến nay, ông Dũng là nông dân đầu tiên của huyện vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba”.

Chế máy trong tiếng xì xèo

Tiếp phóng viên tại “xưởng chế tạo” và cũng là nhà ở của gia đình mình, ông Dũng kể về cơ duyên “dính” với máy móc. Hơn 10 năm trước, thấy bà con mỗi lần hư hỏng dụng cụ lao động, phải ra tận thị xã Tây Ninh cách nhà gần 20km để sửa chữa, ông thấy rất bất tiện. Nghĩ vậy, ông liền mua máy hàn về nhà tự học để ai có nhu cầu sửa dụng cụ lao động thì sửa chữa. “Nhà có 1ha ruộng ông bà cho, để có cái ăn và thoát cảnh đói nghèo, vợ chồng tôi thâm canh 3 vụ lúa/năm. Mỗi lần thu hoạch, tìm công gặt lúa rất khó, vì lớp trẻ đa phần đi làm công nhân, đó cũng chính là lý do tôi muốn tự mình chế tạo máy móc”- ông Dũng tâm sự.

{keywords}

Ông Dũng cũng cho biết, năm 2005, dân trong vùng thu hoạch lúa bằng máy phóng thủ công, sử dụng sức người là chính, chi phí thuê máy khá cao, lúa thường bị rơi vãi, hao hụt nhiều. Chưa kể, khi di chuyển máy, phải huy động nhiều người vì máy rất nặng, đặc biệt độ an toàn không cao. Thấy được nỗi cơ cực của bản thân và bà con trong vùng, nhiều đêm ông Dũng mất ngủ chỉ với suy nghĩ: “Làm thế nào chế máy thu hoạch lúa tốn ít công lao động, giảm chi phí, giảm hao hụt lúa?”.

Sau nhiều lần suy nghĩ, ông Dũng bắt đầu tìm mua máy khoan, máy nổ, máy tiện, rồi tự mày mò học cách sử dụng để… chế tạo máy phóng lúa, gặt đập liên hợp. Thấy ông Dũng mua sắt thép, động cơ máy nổ đã qua sử dụng về nhà chế máy, hàng xóm đã không tiếc lời chế nhạo, có người còn nói chế không xong, nhớ bán phế liệu cho họ. Nghe đàm tiếu nhiều, có lúc muốn bỏ cuộc, nhưng nhờ sự động viên của vợ, ông Dũng quyết tâm thực hiện. Có những đêm, ông thức trắng để “ôm” máy, nhằm tìm ra những khiếm khuyết để hoàn thiện.

Tin đồn về người nông dân chưa học hết tiểu học tự thiết kế, lắp ráp, chế máy gặt, đập lúa bằng những thiết bị hư cũ rồi cũng đến tai Hội Nông dân huyện Bến Cầu. Nhớ lại thời điểm đó, ông Phạm Văn Long- Chủ tịch Hội, nói: “Địa phương lúc đó có gần 30.000ha lúa, 10.000ha mía, 20.000ha cao su và khoảng 15.000ha mì. Làm thế nào giải bài toán nhân công vào mùa thu hoạch là cả một vấn đề lớn. Biết ông Dũng đang chế tạo máy, tôi cùng cán bộ hội tới động viên ông, đồng thời hỗ trợ bằng cách viết đề án khoa học cho ông”. Thật may, tại Hội thi sáng tạo KHKT năm 2011 của tỉnh, máy phóng lúa, gặt đập liên hợp của ông Dũng đã đoạt giải Nhì.

Việc đoạt giải Nhì (không có giải Nhất), theo ông Dũng là do ghế ngồi trên máy phóng lúa không có tấm dựa lưng, nên giám khảo trừ điểm với lý do: Lỡ người ngồi điều khiển máy bị đột qụy bất ngờ sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Sau thành công tại hội thi, tiếng lành đồn xa, đã có 2 nông dân ở tỉnh Long An đặt 2 máy với giá 190 triệu đồng/máy.

Những sáng chế... không trùm mền

Lý do người dân tìm đến mua máy phóng lúa của ông Dũng, bởi nó có nhiều ưu điểm vượt trội: Độ bền cao, ít phải sửa chữa, chỉ tốn 15 lít dầu/ha, phóng lúa được 3,5 – 4ha/ngày; hoạt động được trong điều kiện còn sương sớm, lúa ngã hoặc đất sình lầy. Đặc biệt, tỷ lệ hao tốn chỉ khoảng 3 giạ lúa/ha, hạt lúa sạch đẹp hơn và tránh thất thoát trên 700.000 đồng/ha. Một ưu điểm quan trọng nữa là máy của ông Dũng rẻ hơn máy Trung Quốc sản xuất khoảng 40 triệu đồng và rẻ hơn tới 300 triệu đồng so với máy phóng lúa của một số nước.

Ngoài những ưu điểm trên, máy phóng lúa của ông Dũng được thiết kế gồm 3 “sàng gằn” để phân loại lúa và thu lại lúa lửng (loại lúa đạt 30-40%). Việc vừa cắt, vừa phóng lúa đã khắc phục tình trạng thiếu nhân công cắt lúa, thu hoạch nhanh, không phải dùng quạt để rê lại lúa, nhằm loại bỏ hạt lép.

Việc sáng chế của người nông dân lớp 3 chưa dừng lại ở chiếc máy phóng lúa. Khi làm ruộng, ông Dũng thấy nhiều người đeo bình xịt thuốc trừ sâu khiến thuốc bay bám đầy người, thậm chí có thợ xịt phải cấp cứu do ngộ độc thuốc trừ sâu. Thấy vậy, ông Dũng đã nghiên cứu, chế tạo xe phun thuốc để người nông dân không bị ảnh hưởng đến sức khoẻ, đồng thời rút ngắn thời gian xịt, giảm nhân công, tăng năng suất lao động trong ngày. Mất khoảng một tháng chế tạo, cuối cùng xe phun thuốc trong nông nghiệp ra đời. Giữa năm 2013, ông Dũng đưa xe dự hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật và lại giành giải Nhì.

Theo ông Dũng, máy phun thuốc của ông không thông qua một nguyên lý kỹ thuật có sẵn nào. Nguyên phụ kiện chế máy vẫn là sắt thép, phụ tùng xe máy đã qua sử dụng. Khi chuyển động trên đường nhựa, dùng 4 bánh xe máy, lúc lội ruộng phun thuốc, 2 bánh sau thay bằng cặp bánh sắt để chống lầy. Nếu chạy dưới ruộng, xe chở được bình 100 lít thuốc, còn chạy trên đất khô chở được 200 lít. Do được thiết kế cần phun dài 9m với 23 béc phun phía sau xe, nên mỗi giờ máy có thể phun được tới 1ha, thuốc bám đều vào thân lúa hoặc cây mía, tiết kiệm nhiều thuốc. Bà Nguyễn Thúy Đạt - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bến Cầu, nhận xét: “Với diện tích 8ha/8 giờ/ngày, chi phí thuê người xịt thuốc kiểu thủ công là 2 triệu đồng (250.000 đồng/ha, gồm công và thuốc). Còn dùng máy xịt loại 3 béc, chi phí 1,64 triệu đồng, nhưng vẫn chưa hiệu quả, chưa tiết kiệm. Ngược lại, máy phun thuốc của ông Dũng chỉ mất 465.000 đồng, bình quân 58.125 đồng đồng/ha”. Mới đây, nhiều người Campuchia sang đặt ông Dũng làm 20 xe phun thuốc, với giá 25 triệu đồng/xe.

Sau khi chế tạo thành công 2 loại máy trên, hiện ông Dũng đã chế xong máy tuốt đậu phộng và đang nghiên cứu chế máy cuốc lỗ trồng mì để giải bài toán nhân công, giảm chi phí, rút ngắn thời gian thu hoạch cũng như lúc trồng. “Bước đầu máy tuốt đậu chạy thử nghiệm cho kết quả tốt. Để tăng năng suất thu hoạch, thùng tuốt đậu có thể gắn các loại máy: Mô-tơ 2,5 ngựa, máy xăng 4 ngựa, máy dầu D4, D6. “Với máy tuốt đậu này cùng với 3 lao động, mỗi ngày tuốt được 1ha, giảm trên 30 lao động/ha. Tới đây, tôi sẽ đem dự thi và chỉ bán với giá 10 triệu đồng/máy, để ai cũng có cơ hội tiếp cận” - ông Dũng hào hứng nói.

Biết tiếng ông Dũng, mới đây, nhiều người Campuchia sang đặt ông Dũng làm 20 xe phun thuốc, với giá 25 triệu đồng/xe. 

(Theo Dân Việt)