Biết ông sở hữu nhiều báu vật trong tay, rất nhiều tay săn đồ cổ tìm đến mua. Họ trả giá rất cao, vài chục, vài trăm triệu đồng cho một món đồ. Ông thẳng thừng từ chối mời họ ra về. Dân làng, nhiều người bảo: “Ông gàn chê tiền. Bán mấy món đồ, tiền tỉ dư sức xây nhà 5 tầng ở cho sướng, tội gì phải ở nhà ngói ọp ẹp”.

Ông thẳng thắn: “Những đồ gốm sứ, đồng tiền cổ là mồ hôi và máu của tổ tiên. Ai lại bán mồ hôi và máu của tổ tiên bao giờ!”.

Lọ mọ phát hiện “bí mật” cội nguồn qua hàng nghìn mảnh gốm vỡ

Nhà ông Nguyễn Việt Hồng (sinh năm 1936) nằm ngay sát con sông Hồng đỏ nặng phù sa. Khúc sông Hồng chảy qua nhà ông nằm uốn lượn, bao bọc lấy làng Xươn (nay là làng Kim Lan, Gia Lâm, Hà Nội).

Ít ai biết được, trong ngôi nhà mái ngói 5 gian cũ kỹ ấy lại chứa đựng một bảo tàng gốm cổ quý giá. Vừa nâng niu, lau chùi những món đồ gốm hàng trăm năm, ông Hồng từ tốn kể duyên nghiệp “săn” gốm dưới lòng sông Hồng.

Vốn sinh ra tại làng có nghề gốm, từ nhỏ ông đã yêu thích chúng. Những năm 1980, hai bên tả hữu sông Hông là bãi đất trống bên lở, bên bồi. Sau mỗi cơn mưa, khi nước rút, người dân ở ven sông lại nhặt được những đồ gốm cũ kĩ từ thời xa xưa hay những xâu tiền đồng cổ dạt vào ven bờ. Không ai hiểu được giá trị lịch sử của nó. Người thì vứt trả cho sông, người thì đem bán đồng nát.

{keywords}

Tìm lại cội nguồn từ những mảnh gốm vỡ.


Vào một ngày đi dọc con sông, tình cờ ông Hồng thấy những mảnh vỡ gốm sứ lộ ra từ phía bờ. Vốn đam mê lịch sử từ nhỏ, lại là một người từng làm gốm, ông tò mò nhặt những mảnh gốm ấy về.

Bãi càng lở, những mảnh gốm sứ càng lộ ra. Cũng từ đó, ngày ngày, ông đi dọc bãi sông Hồng cóp nhặt những di vật lịch sử. Những năm đầu đi lang thang dọc sông Hồng, tha về nhà những mảnh bát, đĩa gốm sứ vỡ, dân làng ai nấy dè bỉu ông rằng: “Thần kinh có vấn đề”, “gàn dở mang của nợ về nhà”. Những lúc ấy, ông chỉ lặng lẽ phân loại cho được các loại mảnh vỡ bằng gốm đó. Đối với ông, chúng rất khác những mảnh gốm thường. Những mảnh gốm cổ đó có kĩ thuật nung, đường nét rất lạ.

Với sự am tường lịch sử, nghề làm gốm, cộng với vốn chữ Hán học từ nhỏ, ông phát hiện ra vô số những mảnh vỡ có giá trị về mặt khảo cổ. Từ những cái bát, đĩa, gạch, ngói… cho đến cả những lọ hoa, chậu cảnh đều tồn tại qua 10 thế kỷ.

Từ bờ bãi ven sông Hồng, suốt hàng chục năm, ông đã tìm thấy cả một trầm tích văn hóa rực rỡ qua hàng ngàn hiện vật cổ xưa. Đó là những tấm ngói mũi hài, gạch trang trí hình chim phượng, bát đĩa hoa cúc màu nâu sắt, men trắng, tiền đồng. Trong đó có những đồng tiền Khai Nguyên đời Đường, tiền Thái Bình đời Đinh Tiên Hoàng, tiền Thiên Phúc thời Lê Đại Hành… Đặc biệt, ông còn sở hữu đồng xu cổ cực kỳ giá trị đó là đồng tiền thời Tây Hán 118 trước Công nguyên.

Qua những hiện vật gốm, sứ cái còn, cái vỡ này, “bí mật” cội nguồn làng đã được mở ra. Đó là, Kim Lan là một ngôi làng cổ 2.000 năm tuổi và từ thời xa xưa ở làng Xươn này đã có lò gốm.

Theo ông, từ thời Lý, Trần, làng này đã phát triển rực rỡ và từng là một trong những trung tâm cung cấp vật liệu xây dựng kinh thành Thăng Long cùng sản xuất các vật liệu sinh hoạt bằng gốm sứ cho cả hoàng gia lẫn dân thường.

Từ thế kỷ VIII, gốm Kim Lan đã được xếp vào hàng những sản vật quý cùng với lụa là, gấm vóc, châu ngọc. Không chỉ có những sản phẩm gốm có giá trị, đa hình, đa sắc, ở Kim Lan còn có thể tìm thấy gốm mộc, gốm thô. Gốm ở đây có một vẻ đẹp tao nhã và vô cùng giản dị. Gốm Kim Lan đẹp cả cốt, dáng, nét và men.

Năm 2000, ông quyết định gửi đơn lên Sở Văn hóa, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đặt vấn đề yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm sưu tầm, nghiên cứu sâu hơn từ những phát kiến khảo cổ ở Kim Lan.

{keywords}

Một góc trưng bày đồ gốm của ông Hồng


Được sự giúp đỡ của cố TS Nishimura Masanari (mất ngày 9/ 6/ 2013) - nhà khảo cổ học người Nhật Bản, ông cùng bốn cao niên trong làng thành lập nhóm “Tìm lại cội nguồn của làng”. Với hàng nghìn cổ vật tìm được, sau khi phân loại cho thấy bãi Hàm Rồng là một kho báu vô giá, ẩn chứa hệ thống những di vật cổ là bằng chứng về một làng nghề sản xuất sành, gốm, sứ, đất nung cổ, liên tục kéo dài nhiều thế kỷ, đặc biệt phát triển phong phú nhất vào thế kỷ XIII - XIV.

Liên tục từ năm 2001 đến 2003, sau báo cáo đề xuất của nhóm “Tìm lại cội nguồn của làng”, đã có 3 đợt khai quật được Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thực hiện trên bãi sông. Các đợt khai quật đã thu được bộ sưu tập hiện vật có số lượng lớn, gồm nhiều vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc, tiền đồng và đặc biệt đồ gốm sứ, có niên đại kéo dài từ thời Đường (thế kỷ VII - X) đến tận thời Lê (thế kỷ XVII - XVIII).

Với nguồn vốn tài trợ cho khảo cổ học cộng đồng từ Nhật Bản, do cố TS Nishimura dày công vận động, tháng 3/2012, Nhà trưng bày gốm sứ và lịch sử xã Kim Lan được khánh thành trong niềm vui, niềm tự hào vô bờ của ông Nguyễn Việt Hồng, các thành viên nhóm “Tìm lại cội nguồn của làng” và nhân dân trong xã. Bảo tàng có hơn 300 cổ vật đang được trưng bày, chưa tính đến hàng nghìn cổ vật đang chờ phân loại.

“Không bao giờ bán mồ hôi và máu của tổ tiên”

Với những đóng góp không ngừng nghỉ quảng bá cho làng gốm Kim Lan, cho khảo cổ học Việt Nam, ông và cố TS Nishimura Masanari cùng nhóm “Tìm lại cội nguồn của làng” đã được đề cử giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Đây cũng chính là sự ghi nhận xứng đáng cho tình yêu của “lão gàn” đã dành cả cuộc đời sống và cống hiến cho gốm quê hương.

Hiện tại, ông có đến hàng nghìn đồ vật, mảnh vỡ được gia đình nhặt về. Ông và gia đình sưu tầm được chúng như một cơ duyên. Chỉ vào chiếc đĩa thời Lý, ông bảo: “Ba năm tôi nhặt được 3 mảnh gốm ở vị trí khác nhau, lạ kỳ khi ghép vào nó thành một chiếc đĩa hoàn chỉnh”. Năm 2000, con trai ông đi làm đồng về qua, tình cờ nhặt được nửa dưới của bức tượng Phật. Mãi đến hai năm sau, cháu nội ônh đi tắm sông lại nhặt được phần đầu của bức tượng. Về ghép lại thành một bức tượng. Ông cho đó là những cái duyên khó lý giải.

Ngoài những món đồ đem tặng cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Viện Khảo cổ học Việt Nam, ông Hồng vẫn còn giữ lại một số di vật quý như: lư hương thân rồng đầu ngựa, tháp nhiều tầng bốn mặt gắn tượng Phật và những mẫu gạch quý hiếm.

Biết ông sở hữu nhiều báu vật trong tay, rất nhiều tay săn đồ cổ tìm đến nhà ông. Họ trả giá rất cao vài chục, vài trăm triệu đồng/món đồ, nhưng ông thẳng thừng từ chối, mời họ ra về. Dân làng, nhiều người bảo: “Ông gàn chê tiền. Bán mấy món đồ, tiền tỉ dư sức xây nhà 5 tầng ở cho sướng, tội gì phải ở nhà ngói ọp ẹp!”. Ông thẳng thắn: “Những đồ gốm sứ, đồng tiền cổ là mồ hôi và máu của tổ tiên. Ai lại bán mồ hôi và máu của tổ tiên bao giờ”.

{keywords}

Căn nhà của ông Hồng


Người bạn Nhật tri kỷ của ông từng thốt lên: “Một hình ảnh nhỏ bé, bình thường nhất để chứng minh điều này chính là ông bạn Nguyễn Việt Hồng. Ở trên bãi cổ vật có nhiều thứ trị giá đến hàng ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn đôla mà ông vẫn không mảy may động lòng tham bán đi, quyết tâm giúp đỡ không công cho khảo cổ. Ông phải là người đặc biệt lắm, có tinh thần dân tộc mãnh liệt lắm mới trong sáng như vậy”.

Giở cuốn lưu bút ghi lại những vị khách đến thăm, ông hồ hởi khoe: “Hơn chục năm nay, tôi đã đón hơn 200 đoàn khách nghiên cứu khảo cổ, văn hóa, lịch sử, nhà báo trong và ngoài nước tới thăm. Đây là niềm vui, là phần thưởng vô giá đối với ông lão 80 tuổi quê mùa như tôi”.

Ông nâng niu những mảnh gốm, sứ cổ như những báu vật của mình. Đối với ông, mỗi một mảnh gốm, một đồng tiền cổ đều chứa đựng trong nó cả một chặng đường dài lịch sử. Nếu mất đi, những kí ức huy hoàng của ông cha bị rơi vào quên lãng./.

(Theo Pháp luật Việt Nam)