Những ngày này, thôn 5, xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) rạo rực đón những người con tha hương trở về. Đó là những trụ cột trong gia đình sang Lào làm thầu xây dựng. Cái Tết ở làng không còn lạnh lẽo, thiếu thốn bởi những “tỉ phú” tha hương làm ăn phát đạt nơi xứ người.

Tết về, làng mới có đàn ông

Con đường bê tông dẫn vào thôn 5 đang được thay bằng lớp nhựa mới, còn chừng trăm mét nữa là hoàn tất. Người, xe, máy móc rộn ràng, đi ngã nào cũng nghe tiếng hỏi thăm những anh trai làng từ Lào trở về. Bà con nói làng này đàn ông được dăm ba ngày Tết, là họ lũ lượt kéo nhau đi. Hầu như nhà nào có đàn ông con trai thì nhà đó đi hết cả, làng quanh năm chỉ có người già, phụ nữ và trẻ con. Bà Lê Thị Kiên có mỗi cậu con trai, từ năm 2005 anh đã sang Lào, được vài năm thì về cưới vợ, sinh con rồi lại đi tiếp, bà ở nhà quạnh quẽ làm vườn, chăm cháu.

Trai tráng trở về, nhà nhà ở thôn 5 tất bật sửa sang, nhà lợp mái, nhà quét sơn, nhà xây cổng cho kịp Tết đến.  Anh Đinh Hoài Nam (35 tuổi) năm nay về ăn Tết sớm nhất làng từ mồng 10 tháng Chạp, nghỉ ngơi vài ngày là anh đi mua vật liệu về tráng lại khoảng sân trước nhà. “Bao năm đi xây nhà cho người ta, giờ về nhìn lại sân nhà mình cứ lởm chởm đất đá lại chạnh lòng. Tranh thủ mấy ngày nay nhàn rỗi mình sửa sang lại, ăn Tết xong qua Lào còn mỗi má ở nhà chẳng biết cậy ai”, anh nói.

{keywords}

Từ khi có người sang Lào làm thầu, thôn 5 mọc lên nhà lầu san sát, xe hơi ngày một nhiều. Ảnh: Thanh Trần



Mẹ anh Nam đứng bên, buồn buồn: “Có mỗi hai đứa con trai mà tụi nó đi suốt, tui ở nhà một mình buồn hiu, có miếng gì ngon cũng chẳng buồn ăn, chỉ mong ngày Tết để tụi nó về sum họp”.  Không riêng gì nhà anh Nam, những căn nhà mới mọc lên trên “thủ phủ” chủ thầu này đều phải đi mướn thợ từ những vùng khác. Trong làng không kiếm đâu ra một thợ phụ hồ, xây dựng. Làng tới mùa gặt, có việc lớn đều cậy vào phụ nữ, người già.

 Mấy hôm nay, những mái nhà mọi hôm im ắng giờ mở toang cửa, chậu cúc, chậu mai đặt trước hiên, bàn, ghế, tủ…được những trụ cột gia đình khuân hết ra sân chùi rửa. Bữa cơm tất niên rộn ràng tiếng nói cười, trò chuyện đầm ấm khi có đông đủ cháu con trở về.

Đổi lại đủ đầy

“Anh em trong làng qua bên đó nương tựa nhau, người trước dìu người sau, khi đã cứng cáp thì ra riêng nhận thầu. Chỉ mất mấy năm đầu lạ nước lạ cái, còn khi quen rồi thì ai cũng làm ăn phát đạt, dư dả mang về. Hầu như hộ nào có người sang Lào đều xây được nhà lầu, mua xe hơi, cuộc sống bước sang trang mới”.    

ÔngTrương Văn Phẩm,

Bí thư thôn 5

Hơn chục năm trước, thôn 5, Hòa Khương là một thôn nghèo quanh năm chỉ biết trông vào hạt thóc, đói khổ bám riết từng nhà. Rồi trong làng có vài người sang Lào làm thợ xây, nhờ chăm chỉ, thật thà nên được người Lào giao xây nhà, trụ sở lớn, dần dần thành chủ thầu nhận luôn công trình mướn thợ về làm. Thời ấy, Lào được coi là “mảnh đất hứa”, thanh niên trai tráng lần lượt kéo nhau qua.

Ông Nguyễn Bảy, một trong những người đầu tiên sang Lào làm thầu xây dựng, kể: “Tui sang Lào từ năm 1997, ban đầu qua thiếu thốn, vất vả trăm bề, trở ngại nhất là ngôn ngữ nên vừa đi xây vừa học tiếng. Ở miết rồi cũng thạo tiếng Lào, nói chuyện, bàn bạc được với người ta nên vài năm sau là tui táo bạo đứng ra thầu công trình, gọi thêm người ở làng sang làm cùng”.

Ông Bảy nói những nơi ông ở như Oudomxay,Luangnamtha... là những tỉnh đang phát triển nên nhu cầu xây dựng rất cao, có điều người Lào không giỏi ngành này nên bao nhiêu công trình từ nhà cửa cho đến trụ sở đều được giao cho người Việt. Người Việt tính toán giỏi, chăm làm, tinh tế nên qua một thời gian phần lớn đều làm chủ thầu, cứ nhận công trình về lại gọi người Lào phụ xây.

Tết năm nay, cả nhà ông háo hức sắp được ở trong ngôi biệt thự lộng lẫy mọc lên giữa làng đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng. Chỉ tay vào căn nhà ba gian xập xệ kế bên, ông kể: “Đó là căn nhà gia đình tôi ở bao lâu nay. Ngày chưa qua Lào tôi cũng chăm chỉ làm ăn nhưng thiếu thốn miết, khổ quá phải bỏ xứ mà đi. Tuy xa xôi nhưng đổi lại cuộc sống của cả nhà tôi ấm cúng, đủ đầy, có nhà lầu, xe hơi, lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn”.

Anh Mai Văn Tân qua Lào làm thầu đến nay gần 10 năm, từ hôm về Tết đến giờ cứ quanh quẩn ở nhà hết phụ vợ dọn dẹp lại bón cho đứa con gái đầu lòng hơn một tuổi ăn cháo. Anh tâm sự: “Mỗi lần về nhìn con mỗi khác, lớn nhanh hơn cả những gì vợ kể tôi nghe qua điện thoại. Tôi cũng muốn ở nhà chăm sóc con đỡ đần cho vợ nhưng ở nhà thì lấy đâu ra tiền để trang trải mọi thứ. Mỗi năm sang bên ấy chăm chỉ làm ăn cũng dư được vài trăm triệu mang về”.

Ở làng bây giờ nhà lầu mọc lên san sát như khu đô thị mới, ô tô biển Lào chạy rầm rập. Những cái Tết phải chắt ngược bóp xuôi mà vẫn thiếu thốn, lạnh lẽo chỉ còn trong kí ức.

(Theo Tiền Phong)