Khởi nghiệp được xem là “chìa khóa” bền vững giúp vùng khó khăn, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thoát nghèo bền vững.

Tạo nhiều điều kiện thuận lợi

Cụm từ “khởi nghiệp” trở nên phổ biến với thanh niên cả nước. Từ năm 2017, tinh thần “khởi nghiệp” cũng lan tỏa đến nhiều bản làng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mang đến khát vọng vươn lên, thay đổi cuộc sống của nhiều thanh niên.

Ở huyện Si Ma Cai, mô hình trồng cây sa nhân tím của anh Giàng Seo Quang, ở thôn Sín Pao Chải (xã Thào Chư Phìn) đã đem lại nguồn thu nhập ổn định. Năm 2017, vườn sa nhân tím của anh Quang (khoảng 4.000 m2) đã cho thu hoạch trên 180 triệu đồng.

Để hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp như anh Giàng Seo Quang, từ năm 2016 Ủy ban Dân tộc đã thành lập Tổ công tác 569 để kết nối, nghiên cứu, hỗ trợ, xây dựng chính sách khởi nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Tổ công tác thường xuyên tham mưu cho lãnh đạo UBDT tổ chức các diễn đàn kết nối về hỗ trợ khởi nghiệp và tuyên dương, khích lệ các tấm gương khởi nghiệp để truyền cảm hứng cho các cộng đồng DTTS.

Đặc biệt, từ sự hỗ trợ của Tổ Công tác 569, hàng chục startup đã được hỗ trợ, kết nối với các chuyên gia phát triển cộng đồng, các nhà tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp.

Như cuộc thi Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp lần 3 năm 2017 tại TP.HCM không chỉ mang đến cơ hội cho các start up trẻ giới thiệu, khẳng định bản thân mà con lan tỏa tinh thần khởi nghiệp giữa các bạn trẻ người dân tộc thiểu số đến từ nhiều vùng miền khác nhau trong cả nước. Tại đây, những sản phẩm đặc trưng vùng miền của đồng bào Mông, Dao ở miền núi phía Bắc cho đến Ê-đê, Chăm ở miền Trung, Tây Nguyên, Khmer ở Tây Nam bộ… đã gây hứng thú cho không ít nhà đầu tư.

Năm 2017, Ủy ban Dân tộc cũng huy động được Ngân hàng Thế giới và các đối tác ký kết 14 văn kiện hợp tác, hỗ trợ thiết thực cho người dân và cộng đồng dân tộc thiểu số khởi nghiệp.

{keywords}
 

Không ngừng lan tỏa tinh thần khởi nghiệp

Năm 2018, Ủy ban Dân tộc không ngừng triển khai các chương trình để tạo tiền đề lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình có thể kể đến cuộc thi tìm kiếm "Ý tưởng chuỗi giá trị" do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tổ chức.

Cuộc thi nhằm kêu gọi, hỗ trợ phát triển và thực hiện các ý tưởng đổi mới, sáng tạo theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho sản phẩm của người dân tộc thiểu số Việt Nam, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy thế mạnh văn hóa, tri thức truyền thống. Đây là cuộc thi quy mô quốc gia dành riêng cho bà con dân tộc thiểu số nhằm hỗ trợ cho đồng bào bắt kịp với xu thế quốc gia khởi nghiệp, góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững và phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Trước đó, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật “Khát vọng khởi nghiệp - Bừng sáng bản làng”. Chương trình nhằm hỗ trợ và khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số chung nhịp cùng Quốc gia Khởi nghiệp, thực hiện mục tiêu phát triển “Không ai bị bỏ lại phía sau”; đồng thời tôn vinh 23 cá nhân, tập thể đồng bào dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc tích cực trong phong trào khởi nghiệp và góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp vùng dân tộc thiểu số trong thời gian tới đi vào thực chất và hiệu quả hơn. Chương trình còn góp phần làm lan tỏa khát vọng vươn lên thoát đói nghèo, lạc hậu, làm giàu chính đáng.

Hiện có 153 quy định, quyết định từ Trung ương đến địa phương có chính sách tương đối cụ thể hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên câu chuyện khởi nghiệp của thanh niên vùng dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó đặc biệt là việc tiếp cận chính sách, tiếp cận nguồn… vì vậy để thanh niên vùng cao lập thân, lập nghiệp thành công, rất cần sự quan tâm, tháo gỡ từ nhiều phía.

Diệu An - Phương Cúc - Ngọc Cương