Dưới tiêu đề: “Nokia ra đi: thời đại vàng của đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc đã kết thúc?”, báo The Christian Science Monitor (Mỹ) ngày 9-3 đăng bài phân tích chi tiết sự dịch chuyển vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Nếu đây là cơ hội mới thì doanh nghiệp trong nước đã chuẩn bị như thế nào để nắm bắt?

Theo bài báo, tòa nhà cao 7 tầng bằng nhôm kính, là nhà máy sản xuất điện thoại di động của tập đoàn Nokia tại khu công nghệ cao Yizhuang (Diệc Trang) ở đông nam Bắc Kinh sẽ đóng cửa vào cuối tháng này; nhà máy anh em với nó ở Quảng Đông phía nam Trung Quốc cũng chung số phận khi tập đoàn Microsoft – ông chủ mới của Nokia – quyết định chuyển toàn bộ đầu tư sang Việt Nam.

Sự ra đi của Nokia là dấu hiệu mới nhất cho thấy, đối với các công ty quốc tế, Trung Quốc đã mất sức hấp dẫn. Một báo cáo mới đây của Phòng thương mại châu Âu tại Bắc Kinh (EuroCham) kết luận: “Thời đại vàng để kinh doanh ở Trung Quốc đang đi gần tới điểm kết thúc”.

{keywords}

Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh Reuters

Trung Quốc vẫn là một thị trường khổng lồ mà các công ty toàn cầu không thể bỏ qua; nền kinh tế này vẫn tăng trưởng với tốc độ khoảng 7% mỗi năm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do – chẳng hạn như chất lượng không khí tồi tệ, luật lệ gò bó, chi phí kinh doanh cao và trở ngại trong tiếp cận thị trường; Trung Quốc đã trở thành một nơi rất khó làm ăn. Và điều đó làm nản lòng nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Một cuộc khảo sát của Phòng thương mại Hoa Kỳ ở Bắc Kinh (AmCham) tháng 9 năm ngoái ghi nhận năm 2014 “là năm nhiều thách thức nhất trong lịch sử gần đây” của các doanh nghiệp hội viên.

Một trong những mối lo lắng phổ biến nhất của các doanh nghiệp này là luật pháp Trung Quốc không rõ ràng và được áp dụng tùy tiện. 57% số doanh nghiệp Mỹ được hỏi cho rằng các chiến dịch gần đây của chính phủ Trung Quốc về chống độc quyền, chống tham nhũng và chuyển giá là nhắm tới các công ty nước ngoài. Cùng thời gian này, doanh nghiệp nước ngoài bị gạt ra khỏi những cơ hội đầu tư béo bở vào lĩnh vực dịch vụ ở Trung Quốc.

Gần một nửa số doanh nghiệp được phỏng vấn cho rằng Trung Quốc không còn chào đón đầu tư nước ngoài như trước kia nữa và đây là năm thứ ba liên tiếp, cuộc khảo sát ghi nhận sự gia tăng số lượng các công ty di chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc hoặc có kế hoạch di chuyển, dù con số chỉ chiếm khoảng 15% số công ty Mỹ đang hoạt động ở nước này.

Quyết định của Microsoft chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam có thể do chi phí nhân công. Theo Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) lương công nhân Việt Nam năm 2012 chỉ bằng một phần ba so với công nhân Trung Quốc. Tuy nhiên, chi phí sản xuất không phải là yếu tố duy nhất. Theo phát ngôn viên của Microsoft, bà Steffi Cao, việc di chuyển còn do các mẫu điện thoại Lumia của Nokia không tiêu thụ tốt ở Trung Quốc và công ty nhắm tới thị trường Đông Nam Á có triển vọng sáng sủa hơn, là “một sự điều chỉnh năng lực sản xuất dựa trên mức độ nhu cầu hiện hành”, bà Steffi nói.

Cách đây chưa lâu, tỉnh Quảng Đông ở miền Nam Trung Quốc được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”, xuất khẩu hàng hóa đi toàn cầu. Nhưng nay, 80% số doanh nghiệp Mỹ tại Quảng Đông tập trung sản xuất hàng hóa cho thị trường Trung Quốc, chỉ 20% nhắm tới xuất khẩu. Tập đoàn General Electric chẳng hạn, từng di chuyển toàn bộ các dây chuyền sản xuất máy nước nóng sang Trung Quốc trong thập niên 1990 thì nay chỉ sản xuất ở đó những mẫu máy rẻ tiền, bán cho khách hàng Trung Quốc, còn sản phẩm cao cấp dành cho thị trường Mỹ thì được sản xuất tại bang Kentucky, Mỹ.

Thị trường hàng tiêu dùng của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng và chính phủ nước này có chủ trương đẩy mạnh tiêu dùng nội địa và dịch vụ thay vì tập trung vào xuất khẩu và đầu tư; tuy nhiên theo nhiều nhà phân tích, tính cạnh tranh của thị trường đã rất cao và doanh nghiệp nước ngoài ngày càng khó bán sản phẩm ở Trung Quốc, một phần vì giá cả, phần khác vì hàng nhái. Một ví dụ: Công ty GoPro, Mỹ chuyên sản xuất camera cỡ nhỏ dùng làm camera hành trình trong xe hơi, mới thâm nhập thị trường Trung Quốc chưa lâu, đã phải cay đắng nhìn đối thủ cạnh tranh là hãng điện thoại Xiaomi của Trung Quốc tung ra sản phẩm Yi Action Camera bắt chước y hệt sản phẩm của GoPro nhưng giá chỉ bằng phân nửa so với giá máy thấp nhất của GoPro.

Luật sư Dan Harris, tư vấn cho các công ty nhỏ và vừa của Mỹ làm ăn ở Trung Quốc, nhận xét rằng phần lớn các doanh nghiệp mà ông giúp thành lập đã đóng cửa vì doanh số tại thị trường Trung Quốc quá thấp chứ không phải vì họ chuyển đi nước khác. Các doanh nghiệp này đã đổ hết vốn liếng vào Trung Quốc nên không còn khả năng di chuyển, và cũng không đủ lớn để tận dụng lợi thế về giảm chi phí sản xuất khi chuyển sang Việt Nam như các tập đoàn Intel, Samsung và Microsoft, theo nhận xét của ông Harris. Tuy nhiên, “Nếu như các tập đoàn lớn ra đi thì các công ty nhỏ, cung cấp linh kiện và thiết bị phụ trợ, cũng muốn đi theo. Cuối cùng thì các khách hàng của tôi cũng sẽ ra đi”, ông Harris nói.

(Theo TBKTSG Online)