- Trong các mặt hàng buôn lậu thì thuốc lá có sức hấp dẫn nhất do gọn nhẹ, dễ vận chuyển, vì buôn lậu thuốc lá là mặt hàng siêu lợi nhuận (với mức chênh lệch 4,5 lần) chỉ sau ma túy. Thế nên, từ đầu năm 2016 tới nay, trình trạng buôn lậu thuốc lá lại diễn biến gia tăng và ngày càng phức tạp.

Theo ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1 tỷ bao thuốc lá nhập lậu được vận chuyển qua biên giới. Việc này đã làm thất thu ngân sách Nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng, làm cho hơn 1 triệu lao động mất việc làm.

Đặc biệt, các sản phẩm thuốc lá nhập lậu không hề được kiểm tra về mặt chất lượng. Kết quả phân tích của Viện kinh tế kỹ thuật thuốc lá và Viện Khoa học hình sự phát hiện thuốc lá nhập lậu có hàm lượng nicotine rất cao, cao hơn nhiều so với mức cho phép.

{keywords}
Bất chấp mọi cách thức, thủ đoạn để buôn lậu thuốc lá

"Đáng chú ý hơn, trong thuốc lá nhập lậu còn có chứa nhiều độc tố bị cấm sử dụng trong thực phẩm", ông Cường nói.

Ông Cường cũng cho biết, vừa qua Hiệp hội thuốc lá Việt Nam đã nâng mức hỗ trợ từ 1.100 đồng lên 3.500 đồng cho việc bắt giữ và tiêu hủy một bao thuốc. Thời gian tới, Hiệp hội sẽ đề nghị nâng mức hỗ trợ lên 4.500 đồng cho việc bắt giữ và tiêu hủy một bao thuốc lá lậu.

Cụ thể, năm 2015, tổng kinh phí hỗ chợ cho các lực lượng chức năng bắt giữ và tiêu huỷ thuốc lá lậu là 34 tỷ đồng. 10 tháng đầu năm 2016, kinh phí hỗ trợ là 16 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Cường, chế tài xử lý hiện này còn nhiều bất cập chồng chéo, nhất là quy định mới đây trong Bộ Luật Hình sự 2015 đã tạo nhiều kẽ hở cho buôn lậu ngày càng phát triển.

Cụ thể, các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm được BLHS 2015 điều chỉnh tại Điều 190 và 191 đã bỏ quy định về số lượng mặt hàng phạm pháp theo các tiêu chí: lớn, rất lớn, và đặc biệt lớn khi xác định tội danh và khung hình phạt như vốn đã quy định trước đây tại BLHS 1999. Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC quy định đối với thuốc lá điếu nhập lậu, số lượng từ 1.500 bao đến dưới 4.500 bao được coi là số lượng lớn và có thể bị xử lý hình sự. Thế nhưng, tại BLHS 2015, hàng cấm bao gồm thuốc lá điếu nhập lậu muốn xử lý hình sự thì giá trị hàng phạm pháp tổi thiểu phải bằng 100 triệu đồng.

Mức 100 triệu đồng này là quá cao so với quy định cũ, nên tính răn đe sẽ giảm đi rất nhiều. Do mức tối thiểu để bị xử lý hình sự tăng tới 4,4 lần so với luật hiện hành nếu tính giá bán buôn trung bình là 15.000/bao.

{keywords}
Buôn lậu thuốc lá đem lại lợi nhuận siêu khủng

Việc tăng mức tối thiểu để xử lý hình sự như vậy là chưa có căn cứ thỏa đáng để thực hiện một sự nới lỏng lớn về pháp luật như hiện nay. Bên cạnh đó, việc định giá để xác định giá trị hàng phạm pháp sẽ phức tạp, phải qua hội đồng định giá có sự tham gia của đại diện đến từ nhiều cơ quan khác nhau, ông Cường cho hay.

Không chỉ có thuốc lá, các mặt hàng khác như rượu, mỹ phẩm, đồ gia dụng, hàng may mặc cũng được các đối tượng buôn lậu bất chấp, dùng mọi thủ đoạn để đưa được hàng về nội địa.

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đoạ 389 Quốc gia cho biết, có 3 con đường chính để đưa hàng lậu vào Việt Nam.

Thứ nhất là đường Bộ ở biên giới phía Bắc thì chủ yếu là ma tuý, các mặt hàng gia đụng. Biên giới phía Tây Nam các đối tượng lại vận chuyển thuốc lá và đường.

Thứ 2 là đường thuỷ, các đối tượng vẫn chủ yếu hoạt động với việc buôn lậu xăng đầu trái phép qua biên giới.

Thứ 3 là qua đường hàng không, nhất là sân bay Tân Sơn Nhất thì tình trạng buôn lậu chủ yếu diễn ra với các mặt hàng là sản phẩm động thực vật quý hiểm, ma tuý và vũ khí.

Theo đó, 10 tháng đầu năm 2016, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 172.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2015; truy thu 13.000 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.

Ông Nguyễn Trọng Tín, Cục phó Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đang xây dựng Kế hoạch kiểm tra cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến sau Tết Nguyên đán 2017, đặc biệt là thời điểm trước, trong và sau Tết dương lịch, Tết Nguyên đán, trong đó chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước triển khai một số giải pháp trọng tâm.

Riêng ông Nguyễn Xuân Bắc ,Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tội phạm ma túy (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) nhận định: “Chống buôn lậu phải có bàn tay sạch, gắn trách nhiệm người đứng đầu, đơn vị nào để xảy ra điểm nóng về buôn lậu thì người đứng đầu đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Ông Đồng Đại Lộc nhấn mạnh, những tháng cuối năm, lực lượng Công an cũng tổ chức đợt cao điểm đấu tranh với từng loại tội phạm, trong đó có tội phạm buôn lậu. Để đợt cao điểm đấu tranh đạt hiệu quả, lực lượng Công an tổ chức điều tra cơ bản, xây dựng chuyên án đấu tranh theo từng tuyến địa bàn, mặt hàng trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ các vụ án mà lực lượng công an đang thụ án, nhất là mở rộng xác định thêm các đối tượng liên quan.

Bảo Phương