- Các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 65 tấn dược liệu do Công ty CP Dược Sơn Lâm (địa chỉ thị trấn Văn Điển, TP. Hà Nội) nhập khẩu và phát hiện nhiều thiếu sót về giấy tờ chứng nhận chất lượng, nguồn gốc. Sau khi bị kiểm tra, công ty chủ động làm đơn xin tái xuất trở lại Trung Quốc.

Cuối tháng 9/2015, Cục phòng chống buôn lậu – C74, Bộ Công an đã phối hợp với ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn bất ngờ kiểm tra 65 tấn dược liệu, vị thuốc đông y của Công ty CP Dược Sơn Lâm đang làm thủ tục thông quan qua cửa khẩu Chi Ma.

Tại thời điểm kiểm tra, một nửa số hàng hóa không có giấy C/Q theo quy định của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế), nhãn mác không đúng quy định. Đặc biệt, thực tế trọng lượng lô hàng vênh với đăng kí trong tờ khai hải quan.

{keywords}

Cơ quan chức năng kiểm tra 65 tấn dược liệu nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn).

Cơ quan chức năng đã mời Sở Y tế Lạng Sơn đến kiểm tra, đánh giá chất lượng lô hàng. Bà Trần Thị Thành – Trưởng phòng Quản lý Dược, Sở Y tế Lạng Sơn cho biết: “Chúng tôi chỉ xuống nhận diện thuốc có giống như ghi ngoài nhãn mác hay không chứ không kiểm tra chất lượng thuốc. Tuy nhiên, qua kiểm tra bằng mắt thường thì nhãn mác của lô hàng không đảm bảo đúng quy định”.

Bà Hoàng Thị Thiều Hoa – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma cho biết, nếu Bộ Công an và cơ quan chức năng không kiểm tra bất ngờ kiểm tra, phát hiện ra sai phạm thì lô hàng của Công ty CP Dược Sơn Lâm chắc chắc sẽ không được thông quan vì không có giấy C/Q như văn bản của cơ quan liên ngành.

Chính vì thế, nếu Công ty CP Dược Sơn Lâm không chủ động làm đơn xin tái xuất thì lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma vẫn sẽ bắt buộc tái xuất lô hàng.

Được biết đây là lô hàng thứ 2 của Công ty CP Dược Sơn Lâm sau khi có công văn 189 của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền gửi hải quan các tỉnh yêu cầu dược liệu, vị thuốc khi nhập khẩu vào Việt Nam phải có giấy chứng nhận xuất xứ (giấy C/O) và giấy chứng nhận chất lượng (giấy C/Q) từ nước xuất khẩu cấp.

Theo bà Hoàng Thị Thiều Hoa, ngành hải quan chỉ quản lý chất lượng hàng hóa theo nghiệp vụ rủi ro. Lô hàng có đầy đủ giấy tờ thì cho thông quan, chỉ kiểm tra xác xuất trong lô hàng nên có thể xảy ra tình trạng hàng giả, kém chất lượng vẫn có thể thông quan vào Việt Nam.

Bà Hoa cũng cho rằng, việc kiểm tra chất lượng dược liệu thuộc về cơ quan y tế. Còn bà Trần Thị Hồng Phương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền thừa nhận không thể quản lý chất lượng dược liệu, vị thuốc trên thị trường hiện nay.

Qua kiểm tra của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền thì dược liệu, vị thuốc đông y có tới 60 – 70% là bị làm giả, kém chất lượng. Lãnh đạo Cục đã có nhiều động thái nhằm quản lý chất lượng nhưng không đạt hiệu quả nên phải ra công văn 189, 192, 193 gửi hải quan, sở y tế, bệnh viện và doanh nghiệp yêu cầu mọi lô hàng nhập, lưu thông ngoài thị trường phải có giấy C/O, C/Q và được Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền xác nhận vào giấy C/O.

Mặc dù vậy, trong số 15 công ty thường xuyên nhập khẩu dược liệu thì chỉ có duy nhất Công ty CP Dược Sơn Lâm được Cục ký xác nhận C/O lưu thông ngoài thị trường. Bà Phương cho rằng, việc nâng cao chất lượng dược liệu phụ thuộc phần lớn vào đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp.

Mạnh Toàn