TP.HCM đang sở hữu nhiều cơ hội để hoàn thành kế hoạch lớn ấp ủ bao lâu nay, đó là xây dựng khu Đông sáng tạo nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế mới cho thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung.

Giấc mơ khu Đông

“Khu Đông sáng tạo được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, được phát triển dựa trên quận 2, quận 9 và Thủ Đức, nhưng đây không phải là khái niệm mới mẻ mà là hướng tiếp cận của TP.HCM đưa ra từ lâu” - TS. Trần Du lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2018 (HEF 2018) được tổ chức vào ngày 23/11 vừa qua. “Hôm nay chúng ta bàn việc xây dựng đô thị sáng tạo phía Đông, nhưng ý tưởng này có cách đây gần 20 năm rồi, chứ không phải bây giờ”, TS. Lịch nói.

Nằm trong kế hoạch phát triển chung của TP.HCM, Khu Đông từ lâu đã bao gồm các khu vực phát triển quan trọng, chẳng hạn như khu công nghệ cao, đại học quốc gia, công viên văn hóa và nhiều khu đô thị chức năng khác đã và đang được hoàn thiện.

“Tuy nhiên, điều đáng tiếc là mặc dù khu Đông hiện tại là nơi đã có khu công nghệ cao, trường đại học hay các vườn ươm sáng tạo, nhưng kết quả từ đó đến nay vẫn chưa được như mong muốn” - TS. Lịch nhận xét.

{keywords}
 

Đây cũng là lý do vì sao mà năm nay, lần đầu tiên TP.HCM tổ chức HEF, lấy ý kiến từ các diễn giả, chuyên gia về nhiều vấn đề vướng mắc, từ quy hoạch, cơ chế, nguồn vốn và nhân lực, sự hợp tác giữa các bên. Tất cả cùng trao đổi ý kiến tại một diễn đàn chung, thống nhất, để giúp lãnh đạo thành phố điều chỉnh chính sách xây dựng để hoàn thành giấc mơ khu Đông sáng tạo được ấp ủ bấy lâu nay.

Thực tế, sự chia sẻ từ diễn đàn cho thấy nhiều bài học quan trọng. Chẳng hạn, ông Kyosuke Nagata, Nhật Bản, Hiệu trưởng trường Đại học Tsukuba Nhật Bản, cho biết trường đại học, viện nghiên cứu là hạt nhân của đô thị sáng tạo. Tsukuba còn vượt trội cả Tokyo với đặc điểm riêng: cứ 10 cư dân ở đây thì có 1 người là tiến sĩ. Chính phủ Nhật phát triển Tsukuba với mục tiêu tạo ra môi trường thuận lợi cho các nhà nghiên cứu và giáo dục.

Đầu tư nghiên cứu cũng là bí quyết giúp Singapore vượt trội, nhờ việc trích mỗi năm khoảng 1% GDP cho đề án xây dựng đô thị thông minh, hướng đến các giải pháp phục vụ cho đời sống xã hội của người dân.

Ở trường hợp khác là thành phố cổ nhất của Phần Lan, Turku, cũng là nơi “đáng sống”. Ông Pekka Sundman, Giám đốc Tập đoàn phát triển thành phố Turku, cho biết đây là thành phố châu Âu hấp dẫn với các trường đại học, nền văn hóa đã và đang mạnh dạn đổi mới bản thân. “Turku là một nơi tốt để sống và cùng nhau thành công”, ông Pekka nhấn mạnh.

Nỗ lực xây dựng

Mục tiêu của khu đô thị sáng tạo ở phía Đông là tương đối rõ ràng: là nơi có môi trường sống và làm việc tốt nhất, giúp cho nhà sáng tạo có điều kiện sáng tạo tốt nhất, hay nhà sản xuất có điều kiện sản xuất tốt nhất. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Khu đô thị sáng tạo cần có cả hai phần, bao gồm “phần cứng” là kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, “phần mềm” là các chính sách khuyến khích các hoạt động kinh tế tri thức có tính đổi mới sáng tạo.

{keywords}
 

Có thể nói, TP.HCM đang đứng nhiều cơ hội để đổi mới, tạo đà phát triển trong thời gian tiếp theo. Trước đó, Nghị quyết 54 của Quốc hội đã cho phép thành phố thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, chủ động hơn trong nhiều lĩnh vực, từ thu hút nhân tài đến thẩm quyền mở rộng trong các công trình quan trọng.

Đầu năm 2017, TP.HCM đã công bố đề án phát triển đô thị thông minh trong giai đoạn 2017 – 2025. Đến cuối năm 2017, kế hoạch về đô thị sáng tạo được tiếp tục tung ra.

Việc triển khai cụ thể hơn sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tiếp theo. Lãnh đạo thành phố cho biết, ngoài việc tổ chức Diễn đàn kinh tế năm nay, hiện thành phố đang ráo riết lên ý tưởng về quy hoạch khu đô thị sáng tạo, kêu gọi các chuyên gia khắp nơi về lấy ý kiến.

Cũng tại HEF 2018 vừa qua, nhiều chuyên gia khẳng định TP.HCM cần phải nỗ lực hơn nữa để sớm hoàn thành đề án nhiều tham vọng này nếu không muốn bị các đối thủ khác bỏ xa. Theo xếp hạng năm 2017 của EasyPark, ở khu vực Đông Nam Á chi có Singapore và Kuala Lumpur (Malaysia) là 2 thành phố đạt chuẩn thành phố thông minh, riêng TP.HCM có số điểm vẫn thua kém rất nhiều.

Theo TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, các siêu đô thị ở các quốc gia cũng có những cuộc cạnh tranh với nhau. “Khu phía đông là lựa chọn phù hợp trong bối cảnh thành phố có nhiều giới hạn, nhưng bản thân thành phố không làm được nếu cái áo cơ chế chính sách quá chật để thu hút các nguồn lực bên ngoài. Nhìn rõ ràng, câu chuyện không chỉ cho TP.HCM, mà là tạo sức bật và khả năng cạnh tranh của Việt Nam”, TS. Du nhận định.

TP.HCM sẽ còn rất nhiều bài toán cần phải giải phía trước, từ nguồn vốn, công nghệ, thu hút nhân tài cho đến xây dựng hạ tầng phù hợp, cơ chế hợp tác của nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học và xã hội nói chung. Theo TS. Du, chính quyền TP.HCM nên nắm vai trò là “nhạc trưởng”, dẫn dắt các thành phần gồm doanh nghiệp (biết rõ thị trường), giới nghiên cứu để giữ mấu chốt khoa học và nhóm các nhà tài trợ quốc tế.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM, điểm mạnh của đề án ngoài vị trí chiến lược của TP.HCM, điều kiện đất đai thuận lợi và sẵn sàng, thì tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo thành phố cũng là một điểm cộng tích cực.

Dũng Nguyễn