- “Các địa phương cần chọn một vài trọng điểm để làm, không thể cứ đảo lộn lên rồi gọi là tái cơ cấu, làm theo phong trào để rồi không kiểm soát được” - Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhắc nhở tại hội nghị sơ kết 2 năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

16 tỉnh, thành chưa có đề án

Trong 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ NN-PTNT đã tích cực triển khai theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Kết quả bước đầu, tái cơ cấu đã góp phần duy trì tăng trưởng sản xuất, kinh doanh của toàn ngành.

Cụ thể, năm 2014, sản xuất nông nghiệp tăng trưởng với tốc độ cao hơn. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,9%, tốc độ tăng GDP ngành đạt 3,49%, cao hơn nhiều so với năm 2013 (tương ứng là 3,0% và 2,64%).

Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt gần 31 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2013. 6 tháng đầu năm 2015, mặc dù có nhiều khó khăn do thiên tai và biến động bất lợn của thị trường gây ra, tốc độ tăng trưởng GDP vẫn đạt 2,36%, giá trị sản xuất toàn ngành ước tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2014.

{keywords}

Nhiều tỉnh thành vẫn lúng túng, thờ ơ trước đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 57% năm 2010 lên 67,8% năm 2014.

Tuy nhiên, tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp ngày 13/8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhận định, kết quả trên mới chỉ là bước đầu. Ngành nông nghiệp vẫn chưa tạo ra được sự chuyển biến rõ rệt, tăng trưởng chưa vững chắc, thu hút đầu tư kém, thu nhập của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn,...

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân là do sự chuyển biến nhận thức còn chưa theo kịp thực tiễn, thậm chí lúng túng. Nhiều nơi chưa thực sự quan tâm chỉ đạo. Đến nay, còn 16 tỉnh, thành chưa phê duyệt đề án/kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương mình, hoặc đã phê duyệt nhưng chưa triển khai thực hiện.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng nhận xét, một số địa phương vẫn rất thờ ơ với chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo Phó thủ tướng, cần có sự đo lường thường xuyên việc triển khai ở các tỉnh, 6 tháng một lần, để xem đã làm được gì. Các địa phương cần chọn một vài trọng điểm để làm, không thể cứ để đảo lộn lên rồi gọi là tái cơ cấu, làm theo phong trào để rồi không kiểm soát được.

“16 địa phương chưa có kế hoạch tái cơ cấu cần phải làm ngay, không thể chậm chễ”, ông yêu cầu.

Cần đổi mới tư duy sản xuất

Tại hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, hội nhập không cho phép chúng ta chậm rãi, cần nhanh chóng nắm bắt lấy cơ hội. Thậm chí, nếu không nâng cao sức cạnh tranh, chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà.

{keywords}

Trong khi đó, người dân vẫn còn sản xuất theo tư duy mình cần gì thì trồng, nuôi con đó chứ không xác định làm hàng hóa

Ông lưu ý, cần phải khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, bắt tay với nông dân, thuê đất của nông dân. Bởi, nếu doanh nghiệp tiến hành đền bù lấy đất mới thì chi phí rất cao, trong khi đất công của ta không còn nhiều.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, cần làm tốt hơn khâu tuyên truyền, nhất là tuyên truyền về tái cơ cấu. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, cũng cần xử nghiêm trường hợp đưa những thứ độc hại vào sản xuất, để không còn tình trạng “rau này nhà cháu ăn bác yên tâm ăn đi, rau kia nhà cháu để bán ra chợ” như hiện nay để sản phẩm làm ra có chất lượng tốt hơn.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nhìn nhận, cần làm cho người dân thay đổi tư duy sản xuất, rằng làm ra hàng hóa không chỉ để ăn mà còn để bán.

“ĐBSCL đã làm tương đối tốt điều này, nhưng ở các tỉnh phía Bắc thì chưa. Như Nam Định, về quê thấy bà con trồng lúa không quan tâm đến thị trường cần loại như thế nào. Họ chỉ quan tâm đến nhà họ ăn gì rồi trồng và gửi lên cho con cháu trên Hà Nội, nếu thừa mới bán. Họ không có tư duy làm hàng hóa”, Bộ trưởng nói.

Theo ông Phát, với kiểu tư duy đó nên sản xuất ra sản phẩm hàng hóa rất khó cạnh tranh. “Điều này rất quan trọng khi chúng ta hội nhập, ký kết các hợp định song phương hay tham gia các tổ chức thương mại quốc tế. Thậm chí, ngay cả khi không xuất khẩu, chỉ tiêu thụ trong nước cũng phải xác định là làm hàng hóa. Có như vậy sản phẩm làm ra mới bán được và giá trị sản phẩm mới tăng lên”.

Bảo Hân