Bằng lái của phi công Anupam Verma ghi anh có kinh nghiệm 360 giờ bay. Tuy nhiên, phi công này tiết lộ, trên thực tế, anh mới chỉ ngồi vào ghế phụ trong buồng lái 35 phút và hoàn toàn không thể lái một chiếc máy bay.

Là con trai của một nông dân nghèo, Verma, 25 tuổi cho hay, anh được chính phủ trợ cấp 2,8 triệu rúp (tương đương hơn 44.000 USD) để tham gia một khóa học lái máy bay thương mại. Verma dễ dàng được cấp bằng lái dù mới chỉ ngồi vào ghế phụ trên một chiếc phi cơ đúng 35 phút. Tuy nhiên, trên bằng vẫn ghi, anh có kinh nghiệm 360 giờ bay.

Theo Bloomberg, cựu phi công này chỉ là một trong hàng chục phi công Ấn Độ được cấp bằng lái một cách chóng vánh, dễ dãi dù không có kinh nghiệm bay mà chỉ được đào tạo lý thuyết trên mặt đất.

"Nếu tôi đang bay trên trời và xảy ra trường hợp khẩn cấp ư? Tôi không biết làm thế nào để hạ cánh khẩn cấp cả. Thậm chí, tôi cũng không biết phải hạ cánh xuống đâu. Chúng tôi sẽ không chỉ hại chết các hành khác mà chúng tôi còn có thể hủy diệt những ngôi làng, khiến nhiều người mất mạng hơn khi không thể kiểm soát máy bay", cựu phi công Ấn Độ thừa nhận.

{keywords}

Ảnh minh họa

Verma cho hay, khi anh tự nhận ra thực tế nghiệt ngã rằng, anh không đủ kinh nghiệm bay, không được truyền đạt kiến thức đủ để phụ lái một chiếc phi cơ, sợ mình sẽ làm hại đến nhiều người vô tội, anh đệ đơn kiện trường dạy bay để đòi lại tiền học phí.

Phi công này cho hay, hiện anh đã vượt qua kỳ thi đầu vào của viện đào tạo bay Indira Gandhi Rashtriya Uran Akademi ở bang Uttar Pradesh và sẽ học thật sự để tốt nghiệp vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, không phải học viên phi công hoặc phi công nào cũng hành động như Verma.

Mối quan ngại về chất lượng của phi công được đào tạo trong thập kỷ qua ở Ấn Độ đang ngày càng gia tăng và ở mức đáng báo động.

Nguyên nhân của tình trạng này là do tốc độ phát triển thần tốc của ngành hàng không Ấn Độ, các hãng hàng không được đầu tư mạnh mẽ, ngân sách dồi dào, liên tục có nhu cầu đào tạo và tuyển dụng phi công. Trợ cấp khổng lồ từ chính phủ Ấn Độ cũng khiến hàng trăm thanh niên nghèo Ấn Độ đổ xô đi học lái máy bay.

"Việc ghi danh tràn lan ở các câu lạc bộ dạy bay", ông Mohan Ranganathan, một cựu phi công thương mại và hiện là nhà tư vấn an toàn hàng không có trụ sở tại Chennai tiết lộ.

Cũng theo ông Mohan, số giờ bay thực hành của nhiều học viên phi công trong quá trình đào tạo là số liệu giả mạo. Thậm chí, bằng lái của một phi công có thể ghi là có kinh nghiệm bay hàng trăm giờ song thực tế, anh ta chỉ được "thực hành với chiếc phi cơ không thể cất cánh do không có động cơ".

Một phi công giấu tên đã nghỉ hưu ở Ấn Độ, người có kinh nghiệm bay nội địa hơn 40 năm cho hay, các hãng hàng không có thể sớm biết bằng lái của phi công là thật hay giả nhưng không thể sa thải người vì phi công được Tổng cục Hàng không Dân dụng cấp bằng. Để đảm bảo an toàn bay, các hãng hàng không Ấn Độ phải đào tạo lại những phi công có "bằng rởm" thông qua những khóa đào đắt đỏ.

Một phi công có "bằng rởm" giấu tên cho hay, anh này chỉ thực sự bay ít hơn 120 giờ trong tổng số 200 giờ bay được ghi trong các chứng chỉ của mình. Phi công này đã nộp đơn xin vào hãng hàng không IndiGo, hãng bay lớn nhất Ấn Độ.

Một phi công khác cũng thừa nhận, số giờ bay được ghi trong các chứng chỉ của anh ta đã được nâng lên. Phi công này đã nộp đơn dự tuyển vào hãng hàng không Air India.

(Theo Dân Việt)