Được biết tới là một trong những triều đại tồn tại không gián đoạn dài nhất trong lịch sử châu Á, triều đại Silla (57 TCN - 935 SCN) đã để lại cho Hàn Quốc rất nhiều di sản vô giá. Cùng tìm hiểu về văn hóa Silla xưa, vùng đất Gyeongsang Bắc qua hành trình: Daegu, Gyeongju và Andong.

Làng hanok truyền thống hàng trăm năm tuổi tại Daegu

Đến với ngôi làng cổ Otgol 400 năm tuổi, du khách sẽ được trải nghiệm lưu trú như người Hàn Quốc xưa. Vốn là là nơi sinh sống của dòng họ Choi danh giá của Daegu, làng Otgol được gìn giữ vẹn nguyên với khoảng 20 ngôi nhà hanok truyền thống Hàn Quốc, bao quanh bởi những ngọn núi và không gian xanh mướt cỏ cây.

Phía sâu nhất làng là ngôi nhà cổ nhất Daegu của học giả Choi Heung Won có tên gọi Baekburam, đã 400 năm tuổi và được công nhận là Di sản Văn hóa Quốc gia số 261. Đây đã và đang là nơi sinh sống của con cháu nhiều đời của học giả Choi Heung Won.

{keywords}
Toàn cảnh làng cổ Otgol tại Daegu

Lưu trú tại nhà Hanok truyền thống là trải nghiệm không thể bỏ qua đối khi tới Daegu. Trong làng Otgol có 3 ngôi nhà hanok có dịch vụ lưu trú. Sàn nhà tại làng Otgol có hệ thống sưởi ấm gọi là ondol. Vì vậy, kể cả khi ngủ dưới sàn nhà theo kiểu truyền thống Hàn Quốc, du khách vẫn cảm thấy ấm áp và thoải mái. Không chỉ vậy, các nhà Hanok hiện nay còn được lắp đặt thêm điều hòa, tủ lạnh và nhiều dịch vụ tiện nghi khác để phục vụ du khách.

Cố đô Gyeongju - nơi lưu giữ những di sản thế giới

Du khách không thể bỏ qua “vùng đất văn hóa và lịch sử” Gyeongju, chỉ mất 1 giờ lái xe từ Daegu. Với nhiều di sản văn hóa, cố đô Gyeongju đưa du khách “ngược dòng thời gian” để tìm về với triều đại Silla (từ năm 57 TCN đến 935 SCN) - thời đại in dấu sự phát triển vượt bậc về văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, Phật giáo ở Hàn Quốc.

Dưới triều đại Silla, Phật giáo phát triển rực rỡ, chùa Bulguksa và động Seokguram được xem là tinh hoa của văn hóa Silla còn lưu giữ lại được đến ngày nay. Chùa Bulguksa là một công trình kiến trúc tuyệt đẹp, nổi tiếng với các di tích văn hóa quan trọng như: tháp Seokgatap và tháp Dabotap. Động Seokguram có bức tượng phật được đặt trong động hình vòm, thể hiện sự phát triển về Phật giáo, đồng thời cho thấy trình độ xây dựng kiến trúc, kỹ thuật điêu khắc điêu luyện ở triều đại Silla. Cả 2 di tích này đều được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

{keywords}
 Đài quan sát thiên văn Cheomseongdae là một trong những biểu tượng của Gyeongju

Ngoài ra, ở Gyeongju còn có đài quan sát thiên văn Cheomseongdae - bảo vật quốc gia số 31 của Hàn Quốc được xây dựng trong thời kỳ cai trị của nữ hoàng Seondeok (thế kỷ VII), là một trong những biểu tượng của cố đô Gyeongju. Cheomseongdae có chiều cao khoảng 9m, được xây dựng bằng phương pháp xếp đá với cấu trúc tròn ở đỉnh tượng trưng cho bầu trời và vuông ở chân đài tượng trương cho mặt đất. Đây cũng được cho là đài quan sát thiên văn cổ nhất ở châu Á cũng như trên thế giới. 365 tảng đá tạo nên Cheomseongdae tượng trưng cho 365 ngày trong năm, các tảng đá cũng được xếp thành 27 lớp tượng trưng cho người cai trị thứ 27 của triều đại Silla - nữ hoàng Seondeok.

{keywords}
 Vẻ đẹp tráng lệ, nên thơ của cầu Woljeonggyo về đêm

Cây cầu gỗ hoàng gia tráng lệ Woljeonggyo cũng là một điểm đến nổi tiếng tại Gyeongju. Được xây dựng vào thế kỷ VIII, với những hàng trụ cột dài thẳng tắp, cầu Woljeonggyo có vẻ đẹp ấn tượng, nổi bật giữa khung cảnh tuyệt đẹp của núi Namsan và sông Namcheon. Nơi đây còn rực rỡ hơn khi về đêm, lúc toàn bộ cây cầu được thắp sáng và phản chiếu dưới mặt nước. Nhờ sự lung linh đó, nơi đây trở thành địa điểm check-in hút khách tại Gyeongju.

Không chỉ vậy, trong hành trình khám phá ngược dòng lịch sử về Gyeongju du khách không thể bỏ qua cung điện Donggung và ao Wolji. Đây cung điện biệt lập của Thái tử Vương quốc Silla, vốn được sử dụng là nơi tổ chức tiệc cho các sự kiện quan trọng của hoàng gia. Ao sen Wolji thu trọn vẻ diễm lệ của cung điện trong làn nước lung linh dưới ánh đèn vàng, tạo nên một “bữa tiệc của thị giác” cho du khách.

{keywords}
 Cung điện Donggung và ao Wolji rực rỡ về đêmkhi hoàng hôn buông xuống

Hòa mình vào lễ hội cổ xưa “Woryeong dạ hành” tại Andong

Điểm cuối của chuyến du lịch tìm hiểu về quá khứ là Andong. Vào mùa hè hàng năm, tại đây diễn ra một lễ hội đặc biệt mang tên “Lễ hội khám phá Tài nguyên Văn hóa Andong vào ban đêm” (Woryeong dạ hành), được tổ chức trong vòng 4 ngày vào đợt nghỉ hè giữa tháng 7 và tháng 8. Đây là cơ hội cho du khách tham gia, khám phá một trong số những di sản văn hóa nổi tiếng tại Andong.

Ngoài ra, du khách còn có thể tìm hiểu về chiếc mặt nạ người Hàn Quốc sử dụng từ nghìn năm trước tại làng văn hóa mặt nạ Hahoe - Di sản Văn hóa Thế giới được UNESCO công nhận. Đây là nơi sinh ra điệu múa mặt nạ Hahoe Byeolsingut Talnori, mang ý nghĩa và giá trị tuyệt vời về văn hóa truyền thống, gửi gắm thông điệp về sự bình yên, an vui. Điệu múa Hahoe Byeolsingut Talnori đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể số 69. Với giá trị văn hóa to lớn, mặt nạ Hahoe của Andong cũng được công nhận là Quốc bảo của Hàn Quốc.  

{keywords}
 Làng dân gian HanhoeHahoe

Hành trình Daegu - Gyeongju - Andong với những điểm đến mang đậm dấu ấn lịch sử và giá trị truyền thống Hàn Quốc sẽ giúp cho du khách có cảm nhận, góc nhìn mới về xứ sở kim chi - nơi có bề dày lịch sử và văn hóa độc đáo.

Bùi Huy