Trong hành trình vòng quanh thế giới, cây bút du lịch Chris Brinlee Jr đã mất balô với đồ đạc trị giá 8.000 USD trên đường đi xe máy từ Tây Nguyên tới Quảng Bình.

Anh viết: “Trong lúc đi xe máy xuyên Việt, ngày 27/3, tôi mất balô, trong đó có máy ảnh, laptop, hai ổ cứng chứa toàn bộ ảnh và video suốt 7 tháng lang thang. Không phải tôi bị trộm. Không phải tôi cả tin giao đồ cho người lạ, và cũng không phải bị mất ở nhà nghỉ.

Buổi sáng sau hôm đi tour ở Tây Nguyên, tôi lên đường một mình. Điểm đến tiếp theo là Phong Nha, nơi tôi sẽ được khám phá hang động lớn thứ ba thế giới (hang Én - BBT). Đường cao tốc chuyển dần thành đường nhỏ, sau đó thành đường đất đầy đá sỏi gập ghềnh, ổ gà còn nhiều hơn mặt đường.

Tôi dừng lại ở ngã ba để xem bản đồ, thấy một người địa phương chạy xe máy ngang qua. Ông ấy chỉ vào sau xe tôi. Tôi quay lại và nhận ra balô đã biến mất, dây buộc vẫn còn đang lủng lẳng. Tôi phóng chiếc Win 110 phân khối ngược lại. Chắc hành lý rơi chưa lâu. Tôi nhớ đã đi qua một ổ gà lớn cách đó vài cây số, và tôi đã lần ngược lại tới chỗ đó. Chẳng có gì. Tôi mở rộng phạm vi tìm kiếm, rà soát cả khu hàng tiếng liền. Cuối cùng tôi bỏ cuộc và đi tiếp, trong lòng thầm cầu nguyện.

{keywords}

Đồ đạc trong balô. Ảnh: Chris Brinlee Jr.

Tôi đã đi dọc Việt Nam hai tuần qua, balô luôn được buộc y như thế. Tại sao lần này lại rơi? Xe Win có kích cỡ khá nhỏ, phần lớn tải trọng hàng hóa dồn lên bánh sau. Sáng hôm đó, trước khi lên đường, tôi đã bỏ thói quen do muốn phân bố tải trọng đồng đều hơn. Tôi đã buộc hành lý lùi lại phía sau một chút. Đáng lẽ tôi nên làm như trước đó.

Đây là những điều tôi học được từ việc này.

Lười biếng = sơ suất

Tôi có thể làm theo hàng chục cách để tránh bị rơi balô: buộc thêm dây thứ hai, đeo balô trên lưng, gài đai buộc vào người. Nhưng không. Tôi đã lười biếng và tự mãn. Không kiên nhẫn sẽ dẫn tới sơ suất, và tôi đã phải trả giá đắt cho điều đó.

Giữ đồ đạc quan trọng trong người

Hộ chiếu, ví, điện thoại, tiền... nên được coi là vật bất ly thân. May là tôi tuân thủ nguyên tắc đó và vẫn giữ được chúng dù mất balô. Tôi đã phải cố sức xoay xở trong hai tuần cuối cùng của chuyến đi. Tôi vẫn đi tiếp và làm việc được, dù chỉ có thể chụp ảnh và quay phim qua một chiếc GoPro.

Luôn kiểm tra hai lần

Bạn đi taxi, tài xế gần như không biết tiếng Anh. Bạn dùng điện thoại để tìm đường. Khi xe gần tới nơi, bạn đặt điện thoại xuống và bắt đầu nhìn quanh tìm nơi mình cần đến. Lúc xe dừng, bạn nhanh chóng trả tiền và bước ra. Năm phút sau, bạn lấy điện thoại ra để “check in”, nhưng không thấy trong túi quần hay balô. Xe đã đi mất cùng chiếc điện thoại.

Đó là chuyện thường gặp khi đi du lịch. Cách tốt nhất để tránh điều này là nhớ kiểm tra lại ghế ngồi mỗi khi đứng dậy, dù rời khỏi taxi, nhà hàng hay quán bar.

{keywords}

Chris Brinlee Jr cùng chiếc xe Win trong chuyến du ngoạn Việt Nam.

Mua bảo hiểm

Nếu bạn mất hành lý, dù là máy ảnh, điện thoại hay máy tính, việc có bảo hiểm đồ đạc sẽ giúp bạn không tốn quá nhiều chi phí. Nếu bạn đem theo những đồ có giá trị cao (như máy ảnh DSLR và các ống kính), hãy thêm phần bảo hiểm cho chúng vì các bảo hiểm thông thường chỉ chi trả một phần nhỏ nếu bạn làm mất.

Một là chưa đủ

Tôi đem theo hai ổ cứng dự phòng và trữ toàn bộ ảnh, video vào riêng từng ổ mỗi tuần. Lúc đi cùng bạn, tôi cầm một ổ, bạn tôi cầm một ổ phòng khi một trong hai người làm mất. Khi đi một mình, tôi để cả hai ổ trong cùng một balô. Tôi đã không tính đến chuyện mất hành lý. Và cả hai ổ cứng đều ở trong balô tôi làm rơi. Lẽ ra tôi phải tách hai ổ ra như trước kia. May là tôi đã đăng tải một số tệp quan trọng nhất lên hệ thống Cloud.

Hãy giữ bình tĩnh

Cách tốt nhất để tránh rơi vào trường hợp khổ sở như tôi là đừng làm mất hành lý. Nhưng nếu không may gặp phải tình huống này, hãy giữ bình tĩnh. Chỉ có giữ một cái đầu lạnh mới giúp bạn đủ kiên nhẫn tìm kiếm đồ đạc (và hy vọng tìm được).

{keywords}

Gia đình người Việt đã nhặt được và gửi lại đồ cho anh. Ảnh: Chris Brinlee Jr.

Luôn để lại thông tin cá nhân

Nếu bạn làm mất đồ, có khả năng ai đó tốt bụng sẽ tìm thấy chúng. Hãy giúp họ dễ dàng liên lạc với bạn bằng cách dán thông tin lên từng món đồ. Nếu đi du lịch nước ngoài, bạn nên ghi tên, tài khoản mạng xã hội, địa chỉ email...

Đừng từ bỏ hy vọng

Đừng bỏ cuộc sau nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm. Có thể đang có ai đó ngoài kia đang cố công tìm bạn để trả lại đồ. Hãy nhớ để mắt tới mục các tin nhắn khác trên Facebook hay hộp thư rác trên email. Một gia đình dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã tìm thấy đồ của tôi và tìm mọi cách liên lạc. Giờ tất cả những gì tôi đã mất đang trên đường trở lại với tôi.

(Theo Zing)