Thứ hạng về năng lực cạnh tranh, thước đo chất lượng điều hành kinh tế của 63 tỉnh thành là một thước đo nhạy cảm đang được lãnh đạo các các địa phương trông đợi.

Thời điểm trông đợi

Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2015 sẽ chính thức được công bố trong sáng nay, 31/3 tại Hà Nội.

Thông tin từ ban tổ chức chia sẻ buổi lễ công bố kết quả xếp hạng dự kiến bắt đầu 10h hôm nay, có ít nhất 12 Chủ tịch tỉnh, 40 Phó Chủ tịch tỉnh và 5 đại sứ đăng ký tham dự và phát biểu. Trong khi, 5 năm trước đó, đã có lãnh đạo tỉnh tỏ ra khó chịu, phản ứng đơn vị thực hiện và kết quả PCI.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhớ lại, nhiều nơi đặt vấn đề, VCCI lấy quyền gì mà đòi chấm năng lực cạnh tranh của các tỉnh, hay nói chính xác là năng lực trình độ điều hành của lãnh đạo tỉnh?

Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận những điểm số tăng, giảm, đánh giá của 10.000 DN Việt Nam và 1.600 DN FDI đối với chất lượng điều hành kinh tế từng địa phương sẽ tác động trực tiếp tới tỉnh thành và lãnh đạo đơn vị đó.

{keywords}

Đến nay, PCI không chỉ là một cuộc nghiên cứu điều tra khảo sát mang tính tham khảo, mà còn là một trong những thước đo được Chính phủ căn cứ, đánh giá về việc các tỉnh thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh.

Một mối quan tâm lớn nhất đặt ra trong thời điểm này là, liệu có sự đổi ngôi nào lớn trong thứ hạng của các tỉnh, thành? Đặc biệt là các tỉnh ngôi sao, liên tiếp dẫn dầu TOP 5, 10 trong 5 năm qua như Đà Nẵng, TP HCM, Quảng Ninh... Hay như các tỉnh nhiều năm lẹt đẹt thứ cuối như Điện Biên, Bắc Kạn, Tuyên Quang...?

Theo tiết lộ từ nhóm nghiên cứu, các tỉnh ‘ngôi sao’ năm nay đã nỗ lực cải cách mạnh mẽ bứt phá trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng. Hầu hết các tỉnh, thành đã tổ chức tốt Trung tâm hành chính tập trung, tin gọn được bộ máy hành chính thì đều chiếm được thứ hạng cao trong lòng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong TOP 5 năm nay, tức nhóm được đánh giá có năng lực cạnh tranh "rất tốt" không có sự góp mặt của các đầu tàu kinh tế, của trung tâm chính trị kinh tế lớn của cả nước như thủ đô Hà Nội hay TP HCM.

Nhiều tỉnh thành lớn, có nguồn thu lớn, đông doanh nghiệp, thường xuyên điều tiết nguồn thu về Ngân sách Trung ương cũng không có tên trong TOP 10.

Năm 2014, TOP 5 là Đã Nẵng, Đồng Tháp, Lào Cai, Tp HCM, Quảng Ninh đứng đầu bảng, 5 tỉnh đứng cuối bảng là Bắc Kạn, Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên.

Trước nữa, năm 2013, TOP 5 là Đà Nẵng, Huế, Kiên Giang, Quảng Ninh, Đồng Tháp và 5 tỉnh đứng cuối bảng là Lạng Sơn, Yên Bái, Cao Bằng, Hoà Bình, Tuyên Quang.

Nhanh hơn, nhưng "bôi trơn nhiều hơn"?

Bên cạnh câu chuyện thứ hạng của 63 tỉnh thành, báo cáo PCI khắc họa một bức tranh toàn diện tổng thể nhất về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, phía sau bức tranh này là những cảnh báo tới các bộ máy điều hành kinh tế từng địa phương.

Năm nay, phản hồi của DN về 10 chỉ số thành phần, liên quan đến lĩnh vực điều hành kinh tế tác động đến khu vực tư nhân cho thấy, chỉ có 4 chỉ số có cải thiện tích cực, 6 chỉ số còn lại chững hoặc suy giảm.

Nhóm nghiên cứu chia sẻ, 4 lĩnh vực được đánh giá tốt là gia nhập thị trường, tính minh bạch; dịch vụ hỗ trợ và chi phí thời gian.

Ấn tượng nhất là tốc độ gia nhập thị trường đã đạt kỷ lục nhất trong 11 năm nghiên cứu, khi thời gian đăng ký và cấp giấy phép hoạt động cho DN, bao gồm cả khâu chuẩn bị hồ sơ chỉ còn tốn 8 ngày, thay vì 10-12 ngày như trước. Thời gian về sửa đổi hồ sơ đăng ký kinh doanh cũng chỉ còn mất 5 ngày, thay vì 7 ngày. Đây là thước đo thời gian thực, không phải thời gian quy định trong chính sách.

Ngược lại, 2 lĩnh vực có vẻ tệ nhất cần phải cải thiện là tính cạnh tranh bình đẳng và chi phí không chính thức, tức bôi trơn.

Một thông tin được tiết lộ trước giờ G cho biết, tỷ lệ trả chi phí bôi trơn vẫn không giảm khi năm nay đã lên mức 66% DN được điều tra. Các năm trước là 64,5% năm 2014 và 50% năm 2013. Và có tới 11% DN đã phải chi tới 10% tổng doanh thu cho câu chuyện bôi trơn này.

Tuy nhiên, điều tra PCI năm 2015 vẫn có những dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh khi tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô đầu tư vốn vẫn tăng nhẹ và DN vẫn lạc quan về triển vọng kinh doanh.

Ngoài ra, báo cáo PCI năm nay có 3 chương đặc biệt bao gồm một chương nghiên cứu về thực trạng hoạt động của DN nhỏ và vừa Việt Nam; một chương điều tra về cảm nhận của doanh nghiệp FDI đối với môi trường kinh doanh Việt Nam và hiệu ứng lan toả của FDI trong nền kinh tế; một chương tiếp tục nghiên cứu sâu về cảm nhận của DN đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Phạm Huyền