- Việc cán bộ hải quan ép doanh nghiệp chung chi tiền hối lộ có thể chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, phó Chánh thanh tra Bộ Tài chính chia sẻ với Góc nhìn thẳng.

Ngày 9/1 mới đây, một cán ở Đội kiểm soát, Cục Hải quan Tp HCM đã bị lực lượng chức năng bắt giữ khi có hàng chục phong bì với giá trị gần 1 tỷ đồng, được coi đây là tiền mà doanh nghiệp bị ép chung chi, hối lộ. Đây có phải là một hiện tượng cá biệt hay không và làm thế nào để việc phòng chống tham nhũng có thể thực hiện hiệu quả trong ngành hải quan nói riêng và ngành tài chính nói chung.

Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử VietNamNet có cuộc trao đổi với ông Trần Huy Trường, Phó Chánh thanh tra Bộ Tài chính về câu chuyện này.

Mời bạn đọc theo dõi cuộc đối thoại tại clip dưới đây:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng. Nhìn lại 10 năm qua và riêng năm 2015, ông có đánh giá như thế nào về xu hướng xảy ra hiện tượng tiêu cực và đặc biệt là những vấn đề hối lộ, tham nhũng trong những ngành nhaỵ cảm như thuế, hải quan?

Ông Trần Huy Trường: Suốt những năm qua, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã rất quan tâm công tác phòng chống tham nhũng trong ngành, ban hành rất nhiều chỉ thị, quyết định cũng như các kế hoạch hành động về phòng chống tham nhũng trong toàn ngành.

Công tác cán bộ, công tác xây dựng các quy trình, quy chế hết sức được quan tâm.

Đặc biệt ví dụ như từ năm 2008, Bộ Tài chính cũng đã ban hành quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp trong ngành tài chính. Việc này cũng được tổ chức triển khai đến các Tổng cục, các đơn vị thuế, hải quan, kho bạc trong ngành cũng đã có triển khai quyết liệt, cũng đạt được hiệu quả rất tốt thời gian qua.

Tuy nhiên, đúng là cũng có nhũng chỗ, có sự việc thế này thế kia. Sự việc hải quan mà phóng viên vừa nêu ở Tp HCM xảy ra vừa qua, thực sự là sự việc đáng tiếc của ngành nhưng là con sâu bỏ rầu nồi canh thôi. Không phải có tính phổ biến, có tính xu hướng trong thời gian vừa qua. ,

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, Bộ Tài chính cũng vốn là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Đặc biệt là thuế, hải quan khá nhạy cảm khi có nhiều giao dịch tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp. Công tác kiểm tra nội bộ trong ngành tài chính đã được thực hiện ra sao để hạn chế hiện tượng tiêu cực đã xảy ra?

Ông Trần Huy Trường: Những năm qua, trong toàn ngành, cũng đã tổ chức gần 40.000 cuộc thanh tra, kiểm tra nội bộ, gần 1.800 các đầu mối, đơn vị công tác quản lý cán bộ, đặc biệt công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ nhằm kịp thời phát hiện, uốn nắn trong nội bộ của mình.

Ngay từ khi mới thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định danh mục vị trí công tác phải chuyển đổi, luân chuyển. Gần đây nhất, Bộ Tài chính cũng đã ban hành quyết định về quy chế luân chuyển công chức, viên chức lãnh đạo trong quy hoạch trong đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính.

10 năm qua, bình quân mỗi năm luân chuyển 10.000 lượt cán bộ viên chức trong các lĩnh vực từ Trung ương xuống địa phương, từ các phòng ban này sang phòng ban khác, không để một cán bộ nào ở một vị trí quá lâu. Có thể, người ta dễ dẫn tới tình trạng có mối quan hệ lại thân tình với đối tượng thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Cách thức quản lý của cán bộ đấy đối với lĩnh vực mình phụ trách sẽ thành đường mòn nếp cũ, nếu anh không kịp thời phát hiện ra các vi phạm của đối tượng mà mình đang quản lý.

Tôi thấy, công tác luân chuyển luân phiên đó có tác dụng rất tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng.

Nhà báo Phạm Huyền: Trước một số hiện tượng tiêu cực đã xảy ra, Thanh tra Bộ Tài chính dự kiến sẽ có những giải pháp như thế nào để hạn chế những hiện tượng tham nhũng tham ô trong ngành?

Ông Trần Huy Trường: Trên cơ sở kết quả đánh giá tổng kết 10 năm và các định hướng thời gian tới, thanh tra Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp các đơn vị trong hệ thống, triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp trong công tác phòng chống tham nhũng.

Công tác phổ biến tuyên truyền để giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng cũng là 1 ưu tiên hàng đầu. Tới đây, kiểm tra nội bộ công tác của đơn vị triển khai như thế nào, hiệu quả đến đâu. Chúng tôi cho đây là giải pháp căn cơ bên ntrong nội bộ của mình.

Hai nữa là công tác tổ chức cán bộ tăng cường giáo dục về chính trị tư tưởng, đạo đức công vụ, quy tắc chuẩn mực thực thi công vụ, cho các cán bộ công chức của mình nhận thức rõ hơn những điều được làm, không được làm, hậu qủa xảy ra.

Tôi thấy rằng cũng phải tiếp tục hoàn thiện, nghiên cứu các chính sách chế độ của ngành tài chính, đặc biệt không để xảy ra những khoảng hở trong chính sách, chế độ, trong quy chế quản lý cán bộ của ngành, dẫn tới có thể lợi dụng nhũng nhiễu, tham nhũng.

Một giải pháp tiếp theo là tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, trong đó có cải cách về thuế, về hải quan, kho bạc Nhà nước, góp phần công khai minh bạch, người dân có thể tham gia giám sát quá trình thực thi công vụ của các cán bộ trong ngành tài chính.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thẳng thắn!

Hơn 200 doanh nghiệp bị ép phải chung chi hối lộ. Chỉ trong 5 ngày, 1 cán bộ hải quan ở Cục Hải quan Tp HCM đã đút túi gần 1 tỷ đồng. Đây có thể là vụ tham nhũng điển hình nhất của ngành tài chính vừa được phát hiện gây chấn động dư luận.

10 năm qua, Bộ Tài chính đã phát hiện 125 vụ việc tham nhũng, 66 đối tượng bị kết án, 121 cán bộ, công chức đã bị xử lý kỷ luật.

Những tiêu cực này không chỉ làm sói mòn lòng tin của nhân dân đối với cán bộ, công chức Nhà nước mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh Việt Nam. Công tác đấu tranh bài trừ tệ nạn tham nhũng đang đặt ra cho ngành tài chính cấp thiết hơn bao giờ hết.

VietNamNet