Không để ùn ứ nông sản kéo dài

Trong những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại Sóc Trăng, các loại nông sản trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong tiêu thụ do hạn chế việc đi lại và vận chuyển, một số doanh nghiệp và các cơ sở thu mua dừng hoạt động, số đang hoạt động thì thu mua cầm chừng.

Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, đến thời điểm hiện tại các tỉnh, địa phương đã hỗ trợ vận chuyển theo phân luồng giao thông (luồng xanh), tạo điều kiện cho các thương lái, doanh nghiệp hoạt động, giúp việc tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn.

Theo báo cáo, sản lượng vụ lúa hè thu năm 2021 tại tỉnh dự kiến khoảng 800.000 tấn. Trong 1 tuần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nông dân trên địa bàn tỉnh thu hoạch được 930 tấn, đã tiêu thụ được 670 tấn, còn tồn 260 tấn, chủ yếu là trong khu vực cách ly ở xã Vĩnh Quới, TX. Ngã Năm, hiện sản lượng tồn được người dân phơi khô trữ lại.

Về rau, màu, sản lượng thu hoạch khoảng hơn 2.670 tấn, còn tồn đọng gần 600 tấn. Chủ yếu là hành tím, củ cải trắng, cải bắp...

{keywords}
 

Về cây ăn trái, trong tuần đầu thực hiện giãn cách, sản lượng thu hoạch khoảng 1.206 tấn, tồn 382 tấn, chủ yếu là nhãn, ổi, lê-ki-ma. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp hỗ trợ, tổ chức thu mua một số mặt hàng nông sản, với tổng số lượng nông sản khoảng 60 tấn hỗ trợ cho người dân vùng dịch tại TP.HCM.

Riêng lĩnh vực chăn nuôi cơ bản đáp ứng nhu cầu cung ứng trong tỉnh Sóc Trăng. Về thủy sản, hiện tỉnh đã thu hoạch khoảng 12.000ha, còn lại hơn 23.000ha tại ao. Dự kiến, trong tuần tới, diện tích sẽ thu hoạch khoảng 2.000 đến 3.000ha.

Để xúc tiến vấn đề tiêu thụ nông sản cho bà con, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã và đang tập trung vào một số giải pháp như: Kết nối, kêu gọi những tổ chức, cá nhân cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiêu thụ nông sản; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nông sản cũng như đa dạng hóa các phương thức phân phối hàng hóa. Đồng thời chỉ đạo các địa phương rà soát lại các mặt hàng nông sản chuẩn bị thu hoạch, đang thu hoạch hoặc sắp thu hoạch để xây dựng các phương án tiêu thụ kịp thời và hiệu quả. Chú trọng xây dựng kế hoạch sản xuất gắn liền với kế hoạch tiêu thụ.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, để thực hiện mục tiêu kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, nhằm đảm bảo duy trì tốt chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn này, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai khẩn trương rất nhiều phương án.

Trong đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã thành lập Tổ Xúc tiến thương mại và Kết nối tiêu thụ nông sản, tiến hành kết nối với các doanh nghiệp phía Bắc để tiêu thụ nông sản. Đồng thời, kết nối với Trung tâm chỉ đạo sản xuất xúc tiến tiêu thụ nông sản phía Nam của Bộ Nông nghiệp nhằm đảm bảo việc tiêu thụ nông sản cho bà con.

“Chúng tôi đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến nông dân và doanh nghiệp để ổn định sản xuất, khuyến khích bà con nông dân sản xuất rải vụ, sản xuất theo nhu cầu của thị trường; cập nhật thông tin giá cả thị trường và các khuyến cáo giải pháp kỹ thuật để đảm bảo sản xuất tốt trong giai đoạn hiện nay” - ông Huỳnh Ngọc Nhã cho biết.

Tiếp sức “giải cứu” nông sản

Hoạt động tiêu thụ nông sản tại Sóc Trăng nhận được sự hỗ trợ, tiếp sức của nhiều doanh nghiệp, tổ chức. Thời gian qua, tại huyện Kế Sách, toàn bộ diện tích bưởi thu hoạch tại huyện đều được Công ty cổ phẩn Vinagreenco thu mua, trung bình mỗi ngày sản lượng thu mua từ 4 đến 6 tấn. Toàn bộ số bưởi này được vận chuyển đến nhà kho đặt tại tỉnh Bến Tre theo từng đợt và rút ngắn số lần lưu thông để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh giữa các tỉnh.

Khi nhiều điểm du lịch, các trạm dừng chân tại Sóc Trăng phải dừng hoạt động, hàng loạt sản phẩm OCOP trở nên khó tiêu thụ. Trước tình hình này, Bưu điện tỉnh Sóc Trăng đã chung tay gỡ khó cho các chủ thể bằng việc tăng cường đưa sản phẩm OCOP lên Sàn đặc sản Việt Nam - Bưu điện Việt Nam (PostMart.vn). Đến nay, bưu điện tỉnh đã thực hiện đưa 60/139 sản phẩm OCOP lên PostMart.vn.

Trong những ngày vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Sóc Trăng cũng tích cực tiếp sức giải cứu nông sản cho bà con. Hội đã kết nối với nông dân, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố để đàm phán giá có lời cho người sản xuất, sau đó huy động phương tiện chở nông sản về trụ sở rồi rao bán trên mạng xã hội. Nhờ đó, hàng chục tấn nông sản như nhãn, ngô, dưa leo, táo, thanh long, hẹ, nấm linh chi… của nông dân trong tỉnh được tiêu thụ nhanh chóng.

{keywords}
Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP của Sóc Trăng

Ngay trong chiều 28/7, tại xã Mỹ Tú và xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã tổ chức thu mua trên 3,6 tấn bồn bồn, với giá 13.000 đồng/kg và đưa vào bữa ăn của bộ đội.

Nhằm hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm trên cả nước, trong sáng 29/7, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đã tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP của Sóc Trăng tại Hà Nội. Tại sự kiện đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản tỉnh Sóc Trăng với chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội về việc bao tiêu sản phẩm.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức… đang giúp hệ thống cung - cầu nông sản Sóc Trăng thông suốt, không bị đứt gãy, vừa đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, vừa giúp bà con tìm đầu ra cho sản phẩm, từng bước vượt qua khó khăn.

Ngọc Hân