Sau cuộc thử nghiệm thành công về việc sử dụng một robot xinh đẹp để đón khách và làm các thủ tục nhận phòng trong một khách sạn ở thành phố Sasebo, mới đây, thành phố Nagasaki lại khai trương khách sạn robot Henn-na được xây dựng trong khu đô thị sinh thái có tên là Huis Ten Bosch. Tại đây, khách hàng khi đến nghỉ sẽ được một đội ngũ robot phục vụ chuyên nghiệp, ân cần.

Giấc mơ về một khách sạn robot phục vụ con người của các nhà khoa học chuyên sản xuất robot ở Nhật Bản đã thành sự thật. Bằng chứng là vào trung tuần tháng 7 vừa qua, doanh nhân Hideo Sawada ở thành phố Nagasaki đã cho khai trương khách sạn robot như một phần công viên giải trí kỳ lạ nhất thế giới, trong đó chỉ sử dụng robot để hoàn thành công việc của mình. Ông Hideo Sawada cho biết, chi phí của việc "trả lương" cho các phục vụ viên là robot này rất rẻ (chỉ là bảo dưỡng, bảo trì và sửa chữa).

Vì thế, ngay từ khi mới ra đời, khách sạn này đã tạo thế cạnh trạnh lớn với nhiều khách sạn khác trong khu nghỉ. Cụ thể, nếu các nơi khác giá phòng từ 100 USD/đêm thì tại đây, giá phòng chỉ ở mức 56 USD/đêm. Khi vừa bước vào cửa khách sạn, khách hàng đã được một chú khủng long robot chào đón bằng tiếng Anh, Nhật: "Qúy khách muốn thuê một phòng nghỉ giá rẻ?".

Tiếp đó, đón khách là một đội ngũ robot gồm tiếp tân, hầu bàn, dọn phòng… Tất cả những robot này đều có thể giao tiếp với khách bằng tiếng Anh, Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc. Thậm chí, chúng còn có khả năng thực hiện các điệu bộ bằng tay, thậm chí nháy mắt với khách hàng. Robot phục vụ còn giúp khách đưa hành lý lên phòng và phục vụ đồ ăn thức uống. Còn khách du lịch không cần chìa khóa vào phòng, mà sẽ mở cửa bằng phần mềm nhận diện gương mặt.

Nhiệt độ phòng được điều chỉnh bằng hệ thống đo thân nhiệt của khách thông qua một robot hình hoa tulip. Nếu cần yêu cầu vật dụng nào, du khách có thể báo lễ tân thông qua một máy tính bảng. Và các tấm pin năng lượng mặt trời cùng nhiều thiết bị tiết kiệm điện năng xuất hiện khắp nơi nhằm bảo đảm chi phí giảm thiểu nhất. Báo Japan Times dẫn lời ông Hideo Sawada cho biết, robot thực hiện tới 90% dịch vụ ở khách sạn và đây sẽ là khách sạn "hiệu quả nhất thế giới".

{keywords}

Khi vừa bước vào cửa khách sạn Henn-na, khách hàng đã được một chú khủng long robot chào đón bằng tiếng Anh, tiếng Nhật (ảnh: AP).

Nhưng vì là hình thức phục vụ mới nên ông Hideo Sawada vẫn yêu cầu có đội ngũ phục vụ gồm 10 người để giúp đỡ những khách chưa quen với việc này. Đồng thời, ông Hideo Sawada còn cho biết, nếu khách sạn ăn nên làm ra, sẽ mở thêm một khách sạn robot khác vào năm 2016.

Hãng tin Kyodo cho biết, các robot được sử dụng trong khách sạn Henn-na được phát triển bởi Đại học Osaka và được sản xuất bởi công ty robot Korobo. Một điểm đặc biệt là các robot của Kokoro thường có hình dáng và phong cách của một cô gái Nhật trẻ tuổi và có thể bắt chước cử động của người. Riêng với robot phục vụ ở quầy lễ tân của khách sạn Henn-na, những khách hàng đã tới đây và tiếp xúc với cô nàng này đều đánh giá là dịu dàng và cuốn hút hơn người bình thường. Chúng thậm chí còn được thiết kế để tương tác và trò chuyện cùng với khách.

Trên thực tế, việc sử dụng robot ở Nhật Bản đến nay không còn là chuyện hiếm. Robot dưới mọi hình dạng, đặc biệt là robot hình người đang ngày càng xâm nhập sâu vào đời sống của người dân Nhật Bản. Hồi năm ngoái, các ngân hàng ở Nhật Bản đã tuyển robot làm nhân viên. Mới đây nhất là Ngân hàng Mizuho với tuyên bố sẽ dùng những robot hình người do hãng Softbank phát triển tại 5 chi nhánh ở khu vực thủ đô Tokyo.

Trước ngực các robot này có màn hình cảm ứng. Khi khách hàng chạm vào màn hình, robot sẽ phát ra giọng nói hóm hỉnh như những người tấu rakugo để cung cấp thông tin tài chính cho khách hàng. Khách hàng cũng có thể chơi trò chơi với robot… Bên cạnh đó, robot còn xuất hiện trong những gia đình có người già và các cửa hàng bách hóa ở Nhật Bản.

Chưa hết, Viện khoa học nghiên cứu não Riken còn giới thiệu loại robot y tá có thể nâng được bệnh nhân và đưa họ từ giường bệnh lên xe lăn và ngược lại. Y tá robot này có tên gọi Robear, được thiết kế với khuôn mặt thân thiện và hoạt động nhờ hệ thống phần mềm cảm biến và bộ phận hỗ trợ động tiên tiến. Đôi chân của Robear được gắn bộ phận con lăn có thể mở rộng hoặc thu lại khi thực hiện nhiệm vụ nâng bệnh nhân và vận chuyển bệnh nhân nặng đến 80kg qua những nơi có không gian chật hẹp như cửa ra vào.

(Theo CSTC)