- Tác động của việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chứng khoán Việt Nam phiên thứ 4 liên tiếp.

Nhiều khuyến nghị về ảnh hưởng không quá lớn của một đồng NDT yếu đi tới Việt Nam đã được đưa ra, trong khi đó Ngân hàng TW Trung Quốc (PBOC) hôm 13/8 cho biết không có cơ sở để đồng tiền nước này giảm mạnh thêm và PBOC sẽ theo dõi và kiểm soát biến động mạnh.

Đây là những thông tin trấn an khá tốt cho thị trường tài chính trong nước. Trên thực tế, đồng NDT sáng 14/8 đã được PBOC tăng trở lại. Mặc dù vậy, áp lực dường như vẫn đè nặng lên TTCK Việt Nam. Sự thận trọng đã kéo giao dịch trầm lắng, trong khi áp lực bán vẫn còn đã khiến VN-Index tiếp tục giảm điểm.

Kết thúc phiên giao dịch 14/8, VN-Index tiếp tục giảm khá mạnh, mất 5,23 điểm (-0,88%) xuống còn 589,03 điểm.

Như vậy, đây là lần đầu tiên trong vòng 2 tháng qua chỉ số này về trở lại dưới ngưỡng 590 điểm.

{keywords}

Trước đó, TTCK đã chứng kiến một đợt tăng mạnh với kỳ vọng nhiều cổ phiếu sẽ được hưởng lợi từ quyết định nới room cho các NĐT nước ngoài từ 49% lên 100% ở những ngành nghề không có điều kiện, có hiệu lực từ 1/9 tới.

Bên cạnh đó, những chỉ số kinh tế khá tốt, như tăng trưởng GDP vẫn đạt 6,8% nửa đầu năm và hàng loạt các hiệp định tự do thương mại ký kết đã và sắp có thành hiện thực như với Hàn Quốc, EU và TPP… cũng là những thông tin rất tích cực đối với TTCK.

Tuy nhiên, thị trường đã bắt đầu đảo chiều khi TPP không được thông qua vào phút chót. TTCK đã suy giảm bắt đầu từ đó và bất ngờ tụt giảm trong 4 phiên vừa qua khi Trung Quốc gây ra cơn bão tiền tệ trên thế giới.

Việc PBOC phá giá đồng NDT tới 4,6% trong ba ngày liên tiếp 11-13/8 đã khiến NHNN Việt Nam nhanh chóng nới biên độ đồng USD/VND từ +-1% lên +-2%. Đồng USD trên thị trường tự do và ngân hàng nhanh chóng từ ngưỡng khoảng 21.800 đồng/USD tăng vọt lên 22.106 đồng (kịch trần) và khoảng 22.250-22.300 đồng/USD trên thị trường tự do.

Cơn bão đến từ Trung Quốc đã khiến đồng USD tăng giá dữ dội và NDT giảm giá chóng mặt. Đây là một bất lợi lớn cho nền kinh tế dựa khá nhiều vào xuất khẩu của Việt Nam. Không ít DN trên sàn lo ngại sẽ không cạnh tranh được với DN Trung Quốc trên thế giới, trong khi nhiều DN lo ngại bị mất luôn cả thị trường nội địa do hàng giá rẻ Trung Quốc sẽ lại một lần nữa tràn vào.

Việc VND mất giá theo chính sách mới của NHNN trong khi đó lại ảnh hưởng tới hàng loạt các NH có cổ phiếu niêm yết trên TTCK và nhiều DN nắm giữ nhiều tiên mặt như bảo hiểm, và một số DN chưa đẩy mạnh đầu tư giai đoạn vừa qua.

Kết thúc phiên giao dịch, các cổ phiếu NH như Vietcombank (VCB), Eximbank (EIB), VietinBank (CTG), Sacombank (STB), MBB đều giảm giá. VCB giảm 700 đồng xuống 43.300 đồng; EIB giảm 300 đồng xuống 13.500 đồng; CTG giảm 400 đồng xuống 20.700 đồng; STB giảm 300 đồng xuống 17.400 đồng; MBB giảm 100 đồng xuống 15.400 đồng.

Sacombank vừa nhận được quyết định chấp thuận sáp nhập với SouthernBank với một thông tin đáng chú ý là cổ đông lớn Trầm Bê sẽ ủy quyền cho NHNN. Ông Trầm Bê sẽ không tham gia vào quản lý tại NH sau sáp nhập>

Một số NĐT cho biết, ban đầu họ cũng tính mua vào bắt đáy sau 3 phiên giảm điểm nhưng sau đó quyết định chờ diễn biến tiếp trong tuần tới. Đầu giờ sáng 14/8, giao dịch khá cân bằng nhưng ảm đạm, thanh khoản thấp. Áp lực bán sau đó gia tăng nhanh chóng khiến VN-Index giảm điểm.

Nhiều người lo ngại, các cổ phiếu NH sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc đồng VND giảm giá và ảnh hưởng từ cơn bão tiền tệ có nguồn gốc từ Trung Quốc vẫn chưa dứt.

Nhiều cổ phiếu của các “ông vua tiền mặt” trên sàn chứng khoán như GAS, KDC… tiếp tục giảm điểm. GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam hôm nay giảm sàn, -3.500 đồng xuống 52.500 đồng, một phần còn do giá dầu thô trên thế giới xuống ngưỡng 42 USD/ounce, mức thấp nhất trong 6,5 năm qua. Kinh Đô (KDC) giảm 600 đồng xuống 25.100 đồng. Cổ phiếu này vừa giao dịch không hưởng quyền chia cổ tức đặc biệt với tỷ lệ 200% do quá nhiều tiền mặt.

Bên cạnh đó, thị trường còn lo lắng, trên sàn chứng khoán có quá nhiều DN kinh doanh đa ngành (như FPT, HAG…). Họ lo ngại các DN này sẽ gặp khó khăn trong việc được xét vào nhóm nới room hay không.

M. Hà