Giá dầu thô ngày 5/1 tại thị trường Mỹ giảm xuống dưới 50 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 4/2009. So với tháng 6/2014, dầu mất gần 55% giá trị. 

Lần đầu tiên kể từ tháng 4/2009, tình trạng bán tháo tăng mạnh trong phiên 5/1 đã khiến giá dầu WTI giảm xuống 49,92 USD/thùng. Cùng ngày, giá dầu thô Brent cũng giảm mạnh hơn 6%, xuống dưới 53 USD/thùng - theo Reuters.

Phiên này, giới đầu tư ồ ạt bán dầu sau khi có số liệu cho thấy sản lượng dầu của Nga lên mức cao nhất kể từ khi Liên Xô tan rã và xuất khẩu dầu lửa của Iraq đạt đỉnh 35 năm. 

Hãng dầu lửa ConocoPhillips của Mỹ khiến thị trường càng thêm bi quan khi tuyên bố lần đầu tiên phát hiện thấy dầu tại dự án thăm dò của hãng thuộc vùng biển Bắc của Nauy.

Chưa hết, Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lửa hàng đầu thế giới, tuyên bố giảm giá bán dầu cho khách hàng châu Âu. Đây là lần thứ sáu kể từ tháng 6/2014 nước này giảm giá bán dầu trong bối cảnh giá dầu thô quốc tế liên tục trượt dốc.

{keywords}

Giá dầu thô ngày 5/1 tại thị trường Mỹ giảm xuống dưới 50 USD/thùng.

Giới phân tích đánh giá, động thái giảm giá của Saudi Arabia là một bằng chứng nữa cho thấy nước này đang quyết liệt bảo vệ thị phần của mình trên thị trường dầu lửa. Saudi Arabia, nước có ảnh hưởng lớn nhất trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cũng giảm giá bán dầu cho các khách hàng Mỹ tháng thứ sáu liên tiếp, nhưng tăng giá bán dầu cho khách châu Á.

Theo nhận định của các nhà phân tích, chỉ số USD đang giữ ở mức cao gần 9 năm so với rổ tiền tệ trước khả năng FED sẽ sớm nâng lãi suất, trong khi Hy Lạp rất có thể sẽ phải rời Euzone đã khiến nhu cầu đầu tư vào dầu mỏ và các tài sản khác trở nên mờ nhạt.

Các nhà đầu tư lo ngại tình trạng thừa cung dầu và nhu cầu yếu sẽ dẫn đến sự suy giảm mạnh hơn nữa trong giá dầu.

Sản lượng dầu từ đá phiến của Mỹ gần đây tăng mạnh, trong khi sản lượng dầu thế giới tăng và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định tiếp tục duy trì sản lượng khai thác hiện tại.

Trong khi đó, các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có các nước châu Âu và Trung Quốc, không còn nhiều nhu cầu về dầu như trong quá khứ.

Tổng hợp các yếu tố trên, vài tháng qua, cổ phiếu của các công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới như Exxon Mobil, BP... đã giảm mạnh.

Theo các chuyên gia, thị trường dầu mỏ năm nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn, trong đó có nguồn cung dồi dào từ Nga và Iraq. Ngoài ra, nguồn cung dồi dào, nhất là tại Mỹ, và tăng trưởng nhu cầu yếu ớt đã khiến giá dầu liên tục tuột dốc những tháng qua.

Trước tình trạng giá dầu liên tục giảm, một số nhà sản xuất dầu Mỹ đã giảm chi tiêu trong năm 2015 nhưng có thể phải mất nhiều tháng trước khi tăng trưởng nguồn cung chậm lại đủ để giảm dư cung toàn cầu.

Thông tin từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ cho thấy, sản lượng trong tuần kết thúc ngày 12/12 lên tới 9,14 triệu thùng/ngày - cao nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu thống kê vào tháng 1/1983. Sản lượng trung bình năm 2015 được dự báo sẽ ở mức bình quân 9,32 triệu thùng.

Với sự sụt giảm của giá dầu, ngày 5/1, đồng rúp so với đô la Mỹ lần nữa vượt ngưỡng 60 rúp, có lúc đạt 61,72 rúp đổi 1 USD. Trong năm 2014, đồng rúp đã giảm 46% so với đô la Mỹ, dòng vốn chảy khỏi Nga lên đến 134 tỷ USD.

PV (Tổng hợp)