Hôm nay gà ăn cám gì, uống thuốc chưa, ai cho uống, gà đi lại chạy nhảy ra sao,... những việc như vậy hàng ngày được ghi chép đều đặn và và tỉ mỉ trong nhật ký chăn nuôi gà sạch. Thậm chí, người nuôi còn đến từng nhà dân để chọn ngô đúng chuẩn, hay đem cám đi kiểm nghiệm.

Chăm chút từng chú gà

Còn 10 ngày nữa là đàn gà ri hơn 600 con của anh Tuấn ở Đồ Đài (Lục Nam, Bắc Giang) xuất chuồng, song, từng hạt ngô, hạt lúa gà ăn hàng ngày vẫn được anh lựa chọn cực kỳ cẩn thận, tránh để gà ăn phải loại có dùng thuốc chống ẩm độc hại.

Anh Tuấn kể, cách đây hơn nửa năm, một người chuyên thu mua gà đặc sản sạch đặt anh nuôi hơn 600 con gà ri thuần chủng. Tiêu chuẩn của họ đưa ra khá cao. Gà phải sạch tuyệt đối, hay nói cách khác là siêu sạch, chỉ ăn ngô, lúa, rau (tháng đầu tiên được ăn cảm công nghiệp). Khi gà xuất chuồng, phải đảm bảo gà chắc thịt, chân vàng, lông bóng mượt, không quá béo.

{keywords}
Nhiều người nuôi gà sạch giờ áp dụng phương pháp ghi nhật ký chăn nuôi để giám sát quá trình sinh trưởng và phát triển của gà

Nếu đạt tiêu chuẩn, họ sẽ thu mua với giá 120.000 đồng/kg. Tuy nhiên, họ cũng cho biết, nếu mang đi kiểm nghiệm mà không đạt chuẩn (tồn dư kháng sinh, chất cấm) thì họ sẽ hủy đơn hàng, không thu mua nữa.

“Tôi nghĩ, với những tiêu chuẩn này thì nuôi cũng chẳng lời lãi mấy, bởi trọng lượng của gà ri thuần chủng không thể bằng các giống ri đã lai. Nhưng tôi vẫn quyết tâm nuôi để lấy uy tín và còn làm ăn lâu dài, sau này họ còn bao tiêu sản phẩm cho mình”, anh Tuấn chia sẻ.

Cụ thể, khi nhận giống gà ri thuần chủng họ cung cấp, anh đi khảo sát các loại cám công nghiệp, tìm loại nào tốt và chuẩn nhất. Để chắc chắn, anh còn bỏ tiền túi đem cám đi kiểm nghiệm xem có chất cấm trộn trong đó không.

Qua tháng đầu tiên, gà bắt đầu ăn ngô, anh lại phải vào từng hộ dân ở địa phương để chọn loại ngô không bảo quản bằng thuốc chống ẩm rồi đem nghiền thành cám. Đối với thóc lúa, anh cũng tự tay đi mua rồi đem luộc cả lên trước khi cho gà ăn để đảm bảo gà tiêu hóa dễ dàng. Thậm chí, anh còn chặt cây chuối trong vườn cho gà ăn, gieo trồng ngô với mật độ dày để gà ra mổ, rỉa cây, lá ăn dần cho... mát ruột.

Đặc biệt, để gà thêm chắc thịt, anh còn thả chúng ra khu vườn rộng cả mẫu cho chúng chạy nhảy.

“Sau mấy tháng trời như vậy, đàn gà của tôi cũng đến kỳ chuẩn bị xuất chuồng. Chân vàng, lông bóng mượt, mào đỏ,... mối đặt hàng về thấy đàn gà tỏ vẻ ưng ý. Còn tôi cũng thấy tôi học hỏi được nhiều thứ trong quá trình nuôi gà sạch”, anh Tuấn chia sẻ.

Ghi nhật ký tỉ mỉ hơn chăm người ốm

Anh Nguyễn Văn Tự, chủ một trại gà sạch ở Bồ Đài, còn chia sẻ, anh còn ghi cả nhật ký chăn nuôi cực kỳ cụ thể và chi tiết đến từng ngày giờ.

Anh Tự đã nuôi gà được cả chục năm nay. Trước kia, anh chỉ ghi mấy thứ rất đơn giản, như đàn gà này tổng ăn hết bao nhiêu cám, tiêm bao nhiêu liều vắc xin,... để biết số tiền chi ra, đến khi xuất chuồng còn tính chuyện lỗ lãi.

{keywords}
Không chỉ việc ăn uống, mà chuyện đi lại của gà thế nào cũng được ghi lại tỉ mỉ và chi tiết theo ngày

Nay, kết hợp với một doanh nghiệp nuôi gà đặc sản sạch, anh được họ cung cấp con giống, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu đầu ra. Song, anh phải tuân thủ mọi quy trình của họ, như ghi nhật ký chăn nuôi theo ngày để họ kiểm soát. Nếu phát hiện ra sai sót trong quá trình nuôi, họ sẽ điều chỉnh, nếu tái phạm sẽ ngừng hợp tác.

Thế nên, giờ anh phải ghi nhật ký cực kỳ chi tiết, từ chuyện con giống nhập về ngày nào, số lượng bao nhiêu; ngày, giờ nào tiêm vắc xin, tiêm loại nào và đơn vị nào đến tiêm đều phải ghi cụ thể,... Anh còn phải đính kèm hóa đơn mua cám hay vắc xin vào nhật ký, là bằng chứng chứng minh những gì mình ghi trong sổ là đúng, anh Tự dẫn chứng.

Hay, chuyện một ngày một con gà ăn bao nhiêu lạng cám, uống mấy chục millimét nước, hôm nay còn này bỏ ăn cám, chạy nhảy ít, hôm sau bao nhiêu con ốm, bao nhiêu con chết,... từ đó, phát hiện những điều bất thường để báo cho kỹ sư chăn nuôi của công ty về giải quyết.

“Hôm vừa rồi, đàn gà nhà tôi có một con chết, tôi phải ngồi giải phẫu rồi ghi, chụp ảnh lại đầy đủ theo kiểu: gà chết lông, mào, chân bên ngoài nhìn như thế nào; bên trong phổi, tim, gan, ruột ra sao, phân gà ra sao, có màu gì”. Anh Tự nói và cho biết, nhiều lúc vợ anh còn trêu rằng anh ghi nhật ký chăn nuôi tỉ mỉ hơn cả chăm người ốm và chăm con mọn.

Nhưng anh Tự cho rằng, càng ghi kỹ bao nhiêu càng tốt, bởi như thế mình mới kiểm soát được đàn gà trong quá trình chăn nuôi và phía doanh nghiệp cũng sẽ tin tưởng hơn.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Ngần ở Thanh Trì (Hà Nội) cũng cho biết, từ khi kết hợp với doanh nghiệp nuôi gà sạch, chị bắt đầu phải ghi nhật ký chăn nuôi.

“Ở đây có nhiều hộ cũng nuôi gà theo phương pháp sạch, nhưng doanh nghiệp chỉ chọn mua gà nhà tôi bởi qua nhật ký, họ kiểm soát được quy trình mình nuôi như thế nào”, chị chia sẻ. Chị Ngần khẳng định, ghi nhật ký chăn nuôi chỉ có lợi cho mình bởi được đơn vị hợp tác tin tưởng, là phương thức gắn kết tốt nhất giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp.

Như Băng