"Tổng sản phẩm dự trữ tồn trong kho đông lạnh của Mỹ đã tăng 27% so với năm 2014, về mặt thương mại khi không xuất được người ta có thể bán với giá thành rẻ", ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đặt giả thiết.

Mới đây Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ và Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nam đã xúc tiến thủ tục kiến nghị điều tra chống bán phá giá thịt gà Mỹ vào Việt Nam do giá gà Mỹ nhập khẩu và bày bán tại thị trường có giá rẻ hơn nhiều so với gà trong nước và rẻ hơn so với gà được bán tại Mỹ.

{keywords}

Gà Mỹ nhập khẩu được bày bán tại siêu thị với giá rẻ hơn nhiều so với gà trong nước

Khảo sát tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội cũng cho thấy gà nhập khẩu Mỹ đang được bày bán với số lượng không nhiều nhưng giá bán thấp hơn so với giá gà trong nước, thậm chí chỉ bằng 1/2 lần.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết để có câu trả lời chính xác và đủ thông tin lý giải vì sao gà nhập khẩu từ Mỹ giá rẻ cần điều tra chính xác giá thành sản xuất là bao nhiêu.

Theo ông Chinh, giá 1 kg gà lông trắng Việt Nam sản xuất khoảng 29.000-30.000 đồng còn ở Mỹ hiện chưa có thông tin cụ thể để so sánh.

Tuy nhiên, ông Chinh cũng cho biết, cuối năm 2014, Mỹ xảy ra trận cúm gia cầm trên quy mô rộng H5N8, 16 bang của Mỹ ảnh hưởng bởi dịch cúm này. Sau khi xảy ra dịch, 30 nước nhập khẩu thịt gà của nước Mỹ đã phải dừng nhập khẩu, trong đó có Việt Nam.

"Tôi cho rằng, có một phần lớn sản phẩm của Mỹ đã được dự trữ lại trong quá trình không xuất được", ông Chinh nói.

Dẫn thông tin do Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố, tổng sản phẩm dự trữ tồn trong kho đông lạnh của Mỹ tăng 27% so với năm 2014, ông Chinh nhận xét rằng, đây là con số rất lớn.

"Về mặt thương mại, khi không xuất được người ta có thể bán với giá thành rẻ hơn so với bình thường bởi việc giữ thịt gà đông lạnh gây tốn chi phí. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân", ông Chinh nêu quan điểm.

{keywords}

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT).


Ngoài ra, cũng theo ông Chinh, một lý do khác có thể đến từ vấn đề văn hóa của người châu Âu và Bắc Mỹ.

Cụ thể, một con gà công nghiệp sau khi đủ trọng lượng để giết mổ thì phần quan trọng nhất và bán được giá đắt nhất ở châu Âu và Bắc Mỹ là lườn gà do dinh dưỡng cao và cholesterol thấp nhất. Tuy nhiên, rất ít người Việt Nam thích ăn lườn gà.

"Đây là sự khác biệt trong văn hóa từ đó, những phần đối với họ là phụ thì lại là những món yêu thích tại Việt Nam và có giá cao hơn", ông Chinh cho hay.

Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, các Cục, các Vụ thuộc Bộ NN&PTNT cần rà soát đánh giá cụ thể để xem chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đồng thời cũng đặt nghi vấn: "Khi chúng ta nhập những sản phẩm này về với giá rẻ như thế liệu có đảm bảo chất lượng và vệ sinh hay không".

Cuối cùng, lãnh đạo Cục Chăn nuôi lưu ý, việc kiện bán phá giá đối với một mặt hàng của Mỹ cần một quy trình thủ tục cũng như nguồn lực về cả con người và tài chính không hề đơn giản.

"Với góc độ là cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi cho rằng cần phải có thu thập thông tin đầy đủ hơn nữa xem có nên làm việc đó hay không", ông Chinh nhấn mạnh.

(Theo BizLive)