Với gà đồi Yên Thế, trứng gà Ba Huân là những mô hình tốt... chẳng thua kém gì so với các nước trong khu vực. Chăn nuôi Việt Nam sẽ không thua trong TPP?

Vẫn còn nhiều thời gian chuẩn bị

Tại Hội thảo “Tác động của TPP và hội nhập kinh tế đến ngành chăn nuôi Việt Nam” tổ chức sáng 16-10, ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù có nhiều ý kiến đánh giá khi nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, đặc biệt là TPP, tương lai ngành chăn nuôi sẽ khá ảm đạm.

Tuy nhiên, ông Khanh cũng cho rằng, trên thực tế, không phải cứ ký kết FTA là nhập khẩu sẽ tăng lên và không thể xuất khẩu nổi. Đối với ngành chăn nuôi, theo lộ trình giảm thuế thì tới năm 2028 thuế suất nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi mới về 0%.

{keywords}

Ngành chăn nuôi Việt Nam còn 10 năm nữa để chuẩn bị trước khi TPP tác động

“Từ nay tới lúc đó, ngành chăn nuôi vẫn đủ thời gian để chuẩn bị. Mặc dù khi thuế suất nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi về 0%, chăn nuôi trong nước bị cạnh tranh bởi thịt nhập khẩu nhưng cũng được hưởng lợi bởi nhiều mặt hàng như máy móc sản xuất phục vụ ngành chăn nuôi thuế cũng về 0%”, ông Khanh nói.

Tương tự, ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, các nước phê chuẩn TPP cũng cần 1-2 năm. Đặc biệt, cam kết xóa bỏ thuế quan về 0% nhưng có lộ trình với Việt Nam. Theo đó, ngành chăn nuôi có thời gian ít nhất 10 năm (kể từ năm 2015) để chuẩn bị trước khi sức ép cuộc chơi mới thực sự tác động”, ông Trúc nói.

Trong khi đó, trao đổi với PV bên lề hội thảo, nhiều chuyên gia cũng cho rằng ngành chăn nuôi sẽ không chết bởi đến năm 2028 TPP mới tác động mạnh và ngành chăn nuôi vẫn còn 10 năm để chuẩn bị, không cần phải lo lắng quá.

Cơ hội vàng để tái cơ cấu

Ông Đoàn Xuân Trúc nhận định, khoảng thời gian ít nhất 10 năm kể trên là cơ hội vàng để ngành chăn nuôi đẩy nhanh tái cơ cấu, nhanh chóng tổ chức lại sản xuất và hạ giá thành các sản phẩm thịt, trứng, sữa; kiểm soát tốt an toàn thực phẩm…

Theo ông Trúc, để làm được những việc nêu trên cần phải có các nhóm giải pháp tổng thể bao gồm các giải pháp về kỹ thuật, tổ chức sản xuất và mở rộng thị trường và giải pháp về chính sách mới có thể nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi trước TPP. Song, trong hội nhập kinh tế, phát triển liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi là giải pháp đột phá để tổ chức lại sản xuất chăn nuôi.

“Đây cũng là giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi. Thực tế ở 3 trung tâm chăn nuôi lớn nhất cả nước là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đồng Nai cho thấy, liên kết chuỗi giá trị khép kín trong chăn nuôi đã góp phần giảm chi phí sản xuất 12–22%. Chủ thể chính để xây dựng và phát triển các liên kết chuỗi sản xuất chính là doanh nghiệp”, ông Trúc nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam khẳng định: “Khi gia nhập TPP đa phần người cho rằng ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ chết vì không thể cạnh tranh được. Tôi thì nghĩ khác, chăn nuôi Việt Nam vẫn có thể sống”.

Theo ông Trần Duy Khanh, ngành chăn nuôi của chúng ta phát triển rất mạnh và còn nhiều tiềm năng được biểu hiện khi ngành chăn nuôi của Việt Nam đang đứng thứ 7 trong số các nước tham gia TPP, thủy cầm còn đứng thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, để cạnh tranh được thì ngành chăn nuôi phải thay đổi mô hình sản xuất từ nhỏ lẻ sang hoạt động theo chuỗi, cần phải có nhạc trưởng. Mà ở đây nhạc trưởng chính là các doanh nghiệp.

Ngành chăn nuôi cần có những biện pháp làm sao để có thể kéo doanh nghiệp tham gia kết hợp với người dân tạo thành chuỗi sản xuất bền vững. Lúc đó doanh nghiệp sẽ biết thị trường đang cần gì, thiếu gì để hướng dẫn, điều chỉnh người dân chăn nuôi theo nhu cầu thị trường cần.

Ông Trần Duy Khanh dẫn chứng, gà đồi Yên Thế là mô hình thì rất tốt, thương hiệu cũng đã có, song, do thiếu doanh nghiệp nên nhiều khi người dân nuôi ồ ạt, cung vượt cầu dẫn đến giá giảm, người dân thua lỗ, bỏ không tái đàn. Còn đến lúc giá lên cao lại ồ ạt vào đàn thì giá lại bị kéo xuống thấp. Rõ ràng, với gà đồi Yên Thế, nếu có doanh nghiệp tham gia, họ sẽ tạo gia một môi trường chăn nuôi ổn định, cung cầu được cân bằng.

“Như Công ty Ba Huân, họ làm theo chuỗi khép kíp. Giám đốc của công ty này khẳng định họ sản xuất ra giá thành gà công nghiệp chỉ 22.000 đồng/kg, chẳng thua kém gì so với các nước trong khu vực. Vậy thì ngành chăn nuôi làm sao mà chết được, chẳng qua chúng ta làm đúng cách và giờ cần phải thay đổi mô hình sản xuất để phù hợp hơn”, ông Trần Duy Khánh nói.

Theo Thứ Trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, TPP chính thức được ký kết sẽ đem lại bốn cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp.

Thứ nhất, TPP chính thức ký kết sẽ mở ra thị trường mới rộng mở hơn rất nhiều, giúp Việt Nam điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, 11 quốc gia còn lại trong TPP sẽ giúp Việt Nam giảm áp lực phụ thuộc vào thị trường truyền thống là Trung Quốc.

Cơ hội thứ hai, khi TPP có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng nông sản đã giảm thuế xuất khẩu xuống hơn 90% và có mặt hàng xuống 0%. Chỉ một thời gian ngắn nữa, toàn bộ thuế suất xuất khẩu các mặt hàng nông sản sẽ về 0%. Lúc đó, các mặt nông sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ có lợi thế, đặc biệt là mặt hàng đồ gỗ, thủy sản. 

Cơ hội thứ ba là giúp thu hút được vốn đầu tư từ các quốc gia trong TPP vào lĩnh vực nông nghiệp. Bởi theo thứ trưởng Hà Công Tuấn, hiện nay, trong khi ngành nông nghiệp thiếu vốn đầu tư thì đầu tư FDI vào nông nghiệp khá khiêm tốn. Thực tế, giá trị vốn cam kết hiện chỉ chiếm 1,4% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

Cơ hội thứ tư là thúc đẩy tái cấu trúc nền nông nghiệp. Thứ trưởng Hà Công Tuấn phân tích, khi hội nhập mạnh mẽ, ngày càng nhiều các doanh nghiệp tham gia TPP đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam sẽ đem theo cả công nghệ cũng như phương thức quản lý hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu nền nông nghiệp trong nước, đưa nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.

Bảo Hân