Nhìn vẻ bề ngoài nhỏ nhắn và thư sinh, ít ai có thể ngờ rằng Vũ Xuân Linh (tên thường gọi là Quốc Anh), 32 tuổi, quê gốc Thái Bình lại có thể xuất sắc vượt qua 200.000 ứng viên để lọt vào top 100 người có khả năng lên sao Hỏa của dự án Mars one. Đây là dự án chưa từng có trong lịch sử nhân loại, trị giá 6 tỉ đô la. Nó đồng thời cũng là một dự án với cái tên rất hãi hùng "Một đi không trở lại".

Rất hào hứng cho chuyến bay "một đi không trở lại"

Chúng tôi hẹn gặp Quốc Anh tại một quán cà phê trên đường Phạm Ngọc Thạch. Quốc Anh không đi một mình mà đưa vợ đi cùng. Mới gặp, Quốc Anh đã đùa: "Đây là vợ em - người đáng lẽ phải lo em bay lên sao Hỏa nhất thì hiện nay vẫn chưa thấy cấm cản gì".

Quả là, có tiếp xúc với Quốc Anh mới thấy được sự say mê muốn khám phá các hành tinh khác. Quốc Anh chia sẻ: "Những người lọt vào top 100 đều là những người thực sự thích thú, gắn bó và hiểu đúng về dự án "Một đi không trở lại" này. Chúng em bắt đầu có những kết nối với nhau, chủ yếu qua facebook, sau đó thì sẽ tự tìm đến nhau để lập nhóm. Vì em là người Việt Nam duy nhất lọt vào top 100 nên chắc cũng phải liên lạc với mấy người ở mấy nước gần gần để lập nhóm thôi".

Quốc Anh nói rằng, ban đầu anh cũng vấp phải sự phản đối quyết liệt của bố mẹ. "Tự nhiên bố mẹ thấy em xuất hiện trên báo mà lại nói về dự án "Một đi không trở lại". Lúc đó em mới từ Mỹ trở về rồi lại làm việc luôn ở TP Hồ Chí Minh nên cũng chưa có thời gian để kể cho bố mẹ nghe về dự án ấy. Bố em gọi điện vào cho em và nói không đi đâu hết. Khi đó em mới giải thích cho bố biết đây là dự án cần sự đóng góp công sức và đam mê của rất nhiều người. Không phải mình cứ muốn tham gia là được. Hơn nữa kể cả có muốn đi ngay cũng đâu có đi được".

{keywords}

Quốc Anh trong một chuyến du lịch.

Tuy nhiên, tự thân Quốc Anh cũng đoán được là, nếu mình càng lọt được vào những top sâu hơn thì những người thân của anh sẽ càng lo lắng nhiều hơn. Thực tế đã cho thấy, con số ứng tuyển ban đầu là 200.000 sau nhiều vòng loại còn 1.000 người. Lúc này nhiều người đã buộc phải rút lui vì áp lực từ phía gia đình. Họ không thể thuyết phục được người thân của họ hiểu để không hồ nghi về cái dự án "Một đi không trở lại".

Với Quốc Anh thì mọi sự còn nhiều thay đổi ở phía trước. Quốc Anh chia sẻ: "Đây là một dự án lớn với sự chuẩn bị trong vòng 10 năm. Có thể tính tới thời điểm hiện tại, con người mới chỉ có thể đủ điều kiện để đưa người lên sao Hỏa. Bởi đến được đó thì hết nhiên liệu nên không thể có vé khứ hồi. Nhưng biết đâu đó trong khoảng vài năm nữa khi công nghệ phát triển hơn nhiều, người ta lại tìm được cách để đưa con người trở về thì sao. Vậy thì lúc đó sẽ không còn dự án "Một đi không trở lại" nữa. Có khi lúc đó con người lại chẳng tranh nhau đăng ký lên sao Hỏa? Thế nên bây giờ em cũng không cần mất công thuyết phục người thân của mình nhiều làm gì. Chỉ cần nói cho họ hiểu mà thôi".

Khi được lọt vào top 100, người ủng hộ Quốc Anh nhiều nhất chính là chị gái. Quốc Anh cho biết vì chị cũng là dân công nghệ nên rất đam mê dự án này. "Chị em vẫn thường trêu em là thôi Quốc Anh ở nhà với vợ đi, xuất đấy cho chị đi thay nhé!".

{keywords} 

Mọi thứ vẫn diễn ra bình thường

Tôi đùa hỏi: "Quốc Anh có dự định sinh con trước khi "biến mất" lên sao Hỏa không?" thì nhận được câu trả lời: "Có chứ ạ". Mọi thứ vẫn phải diễn ra bình thường chứ!". Hiện Quốc Anh đang làm công việc sáng tác phần mềm cho một công ty ở Hà Nội. Hàng ngày, sau giờ làm việc, trở về nhà, Quốc Anh có thói quen đọc sách về vũ trụ. Những công nghệ mới nào liên quan đến vũ trụ Quốc Anh không bao giờ bỏ qua. Thời gian còn lại, Quốc Anh cũng lên mạng chát, tán gẫu cùng bạn bè.

Nói về đam mê thiên văn thì Quốc Anh tự nhận mình bị mê từ bé. Hồi còn đi học ,Quốc Anh đã tự mày mò làm kính thiên văn để nhìn mặt trăng được rõ hơn.

Quốc Anh từng thi đỗ vào Trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội. Sau một năm học tập tại lớp kỹ sư tài năng K46, anh nhận được học bổng và đi du học tại Trường Đại học Quốc gia Singapore. Sau đó anh sang Mỹ học thạc sĩ tại trường Columbia Newyork, Hoa Kỳ. Quốc Anh chia sẻ anh đã đăng ký tham gia dự án Mars one từ hồi còn học ở Mỹ.

Để lọt vào top sâu hơn, Quốc Anh sẽ phải rèn luyện sức khỏe và trau dồi kinh nghiệm làm việc theo nhóm. Sau này khi số ứng viên còn lại 24 người sẽ được chia ra làm 6 nhóm, mỗi nhóm 4 người. Lúc này mỗi nhóm sẽ phải trải qua rất nhiều thử thách của chương trình như thử thách sự cô đơn. Chẳng hạn, họ sẽ để cho các thành viên trong nhóm hoặc bản thân mỗi người sống trong một môi trường hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài mà không có bất kỳ một sự liên lạc nào.

{keywords}

Chàng trai trẻ luôn có khát khao khám phá.


Quốc Anh giải thích: "Thường thì nỗi sợ lớn nhất của con người chính là sự cô đơn. Họ làm thế cốt để thử thách xem mình có vượt qua được sự cô đơn đó không. Đó cũng là những tình huống rất có thể xảy ra nếu sau này mình thực sự đặt chân đến sao Hỏa. Sẽ có những lúc mình bị mất liên lạc với trái đất nhiều ngày. Nói chung, họ sẽ mô phỏng tất cả những tình huống xảy ra trên sao Hỏa để xem phản ứng của mình đối phó ra sao".

Quốc Anh hào hứng kể cho chúng tôi nghe về viễn cảnh một ngày không xa, anh được đặt chân tới miền đất lạ. Quốc Anh bày tỏ: "Nhiều người bảo em chỉ có hâm mới đăng ký tham gia cái dự án "Một đi không trở lại". Nhưng lúc đó mình sẽ phải cân nhắc giữa cái được và cái mất. Em nghĩ khi đó niềm vinh dự, sự tự hào khi được là một trong những người đầu tiên đặt chân lên sao Hỏa thì "sự biến mất" của mình có đáng gì đâu. Hơn nữa nếu may mắn được lọt vào top đó thì lên đấy em vẫn sống cơ mà. Em vẫn có thể liên lạc với mọi người ở trái đất được chứ. Chỉ có điều, sẽ không thể cùng người thân đi dạo phố, đi pic níc, cũng không thể thể hiện tình cảm như một cái ôm".

Giả sử được là một trong bốn người đặt chân lên sao Hỏa, Quốc Anh vẫn có thể dự đoán được những tình huống không may có thể xảy ra. Ví như trong khoang sinh sống là nhà kính chỉ cần hở một lỗ rất nhỏ thì những người sống trong đó có thể sẽ bị chết vì không có khí quyển bảo vệ. Chưa kể nhiệt độ trên đó rất thấp, khi đêm đến nhiệt độ có thể xuống tới âm 150 độ.

{keywords}

Với Quốc Anh, được sống hết mình vì đam mê là hạnh phúc lớn lao.

Để chuẩn bị cho dự án "Một đi không trở lại", trước đó tổ chức Mars one phải cử 7 phi thuyền không người lái lên trước, bao gồm: vệ tinh viễn thông, xe tự hành, các khoang ăn ở, các khoang sinh sống, thực phẩm (chủ yếu là thức ăn đóng vào tuýp)… Khi những thứ đó được chuẩn bị sẵn sàng thì 4 người xuất sắc nhất sẽ được bay vào sao Hỏa. Khi lên trên đó, nhóm 4 người này sẽ phải làm 3 nhiệm vụ như: đo đạc, nghiên cứu; Nâng cấp, sửa chữa, chăm sóc nhà kính; Chuẩn bị cho những người mới lên như thế nào như nhận hàng và triển khai lắp đặt.

Khi đặt câu hỏi với Quốc Anh rằng với nhóm người đầu tiên lên sao Hỏa thì họ có tính tới chuyện sinh con đẻ cái không thì Quốc Anh cười trả lời: "Việc họ chọn hai nam, hai nữ cốt chỉ để cân bằng tâm lý thôi. Chứ dự án này không khuyến khích việc sinh đẻ. Bởi tới thời điểm này thì cơ sở vật chất trên sao Hỏa vẫn chưa sẵn sàng cho việc đó. Hơn nữa họ cũng chưa tính tới việc một đứa trẻ con sinh ra thì sẽ phát triển như thế nào vì môi trường trọng lượng rất yếu".

Không biết Quốc Anh có may mắn lọt vào top 4 người đầu tiên đặt chân lên sao Hỏa hay không nhưng ý chí và lòng quyết tâm của chàng trai Việt rất đáng khâm phục. Với Quốc Anh thì được sống hết mình vì đam mê cũng là một hạnh phúc lớn lao.

(Theo Công an nhân dân điện tử)