- Tổng thống Nga Vladimir Putin đang có những bước đi chính trị và quân sự đáng nể. Tuy nhiên, các nước Phương Tây vẫn không ngừng sử dụng các đòn trừng phạt để làm cho nước Nga và ông Puitn không thể yên tâm. Con bài kinh tế vẫn tỏ ra rất hữu hiệu.

Gia tăng trừng phạt

Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị 20 nền kinh tế lớn (G20) tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ cuối tuần qua, lãnh đạo các nước vẫn nhất trí duy trì lệnh trừng phạt đối với Nga cho đến tháng 7 năm sau, tức kéo dài thêm 6 tháng so với thời hạn của các lệnh trừng phạt cũ.

Cũng giống như quyết định đưa ra hồi cuối tháng 6/2015, Liên minh châu Âu (EU) không cần bất kỳ một cuộc thảo luận chính thức nào của khối nhằm đáp trả Nga.

Điều này có nghĩa là: ít nhất từ giờ tới tháng 7/2015, Nga sẽ bị EU và Mỹ hạn chế tiếp cận một số thị trường tài chính, cấm một số trao đổi và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực năng lượng và quốc phòng với các nước này.

{keywords}

Các nước Phương Tây vẫn không ngừng sử dụng các đòn trừng phạt để làm cho nước Nga và ông Puitn không thể yên tâm.

Đây là quyết định khá trái ngược với sự ấm áp trở lại trong mối quan hệ giữa phương Tây và Nga thời gian gần đây. Trong bối cảnh thế giới rúng động, bất ổn với nạn khủng bố ở khắp nơi trên thế giới, Mỹ và châu Âu đang đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin, tập trung vào cuộc chiến chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Nỗ lực dồn dập tấn công IS ngay trên lãnh thổ Syria của Nga, nhất là sau vụ tấn công khiến hơn 100 người thiệt mạng ngay tại thủ đô Paris nước Pháp, được đánh giá cao. Putin hòa mình trở lại vào cộng đồng lãnh đạo thế giới, nỗ lực thực thi đầy đủ thỏa thuận Minsk.

Gần đây, vai trò của Nga và ông Putin nổi bật hơn bao giờ hết trên trường quốc tế. Putin được Forbes chọn là người có quyền lực nhất thế giới năm thứ 3 liên tiếp với những hành động “dịch chuyển hành tinh này”, theo 4 tiêu chí chính: mức độ ảnh hưởng, khả năng kiểm soát nguồn lực tài chính, các lĩnh vực ảnh hưởng, sử dụng tích cực quyền lực hay không, ông Putin đều vượt trội các đối thủ của mình.

Thế giới bất ổn, Putin nổi bật, nước Nga mạnh mẽ trong vấn đề chống khủng bố. Đây có lẽ là lý do khiến Pháp muốn thiết lập một liên minh lớn hơn, trong đó có Nga, để chống lại IS. Tuy nhiên, không phải nước nào cũng muốn như vậy.

Trước đó, một “người bạn” đồng cấp lâu năm của Putin, bà Angela Merkel, từ hồi tháng cuối tháng 9 đã không có ý định hủy trừng phạt kinh tế chống Nga vì sáng kiến của ông Putin trong cuộc khủng hoảng Syria.

{keywords}

Con bài kinh tế vẫn tỏ ra rất hữu hiệu.

Mỹ cũng khá kiên định với nỗ lực cô lập kinh tế Nga. Mỹ đã áp chính sách trừng phạt kinh tế lên Nga trước EU và đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến dầu khí khiến giá dầu giảm hơn 2,5 lần xuống gần 40 USD/thùng, gây áp lực lớn và sự đau đớn lên nền kinh tế Nga.

Các nước phương Tây, thậm chí có kế hoạch hạn chế Nga xuất khẩu tài nguyên năng lượng vào EU, tẩy chay nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. EU đã tính tới việc nhập dầu thô bằng tàu từ các nước khác.

Hồi đầu tháng 8, Mỹ mở rộng trừng phạt nhằm vào các dự án năng lượng của Nga, bao gồm mỏ dầu Yuzhno-Kirinskoye ở khu vực bờ biển viễn đông của Nga, được dự báo sẽ gây cản trở cho hoạt động xuất khẩu và tái xuất khẩu của Nga.

EU lo xa

Trong một thông báo trong tuần thứ 2 của tháng 11, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết NH này không có lý do để thay đổi lộ trình chính sách tiền tệ, cho dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu khá rõ ràng về một đợt tăng lãi suất vào tháng 12 tới.

Đại diện ECB cho biết, chỉ khi nào đà phục hồi kinh tế của EU chuyển biến tích cực hơn và giá cả, lạm phát tăng mạnh hơn thì có thể lãi suất tại khu vực này sẽ tăng trở lại. Trong vài năm gần đây, ECB đã liên tục duy trì chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế. Gần đây nhất là chương trình mua phiếu trị giá 1.100 tỷ euro kéo dài tới 9/2016. Tuy nhiên, nền kinh tế khu vực vẫn khá ì ạch.

{keywords}

Các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Nga trong hơn một năm tính tới giữa tháng 6/2015 gây tổn thất đến hơn 100 tỷ USD cho chính khu vực này.

Nền kinh tế vốn đã yếu kém, thiếu sự chuẩn bị trước các cú sốc trên thế giới (như vụ TQ phá giá đồng NDT hồi tháng 8) trong hơn một năm qua gặp khó khăn rất nhiều do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt lên kinh tế Nga và ngược lại. Nông dân châu Âu bế tắc, tuyệt vọng trong “khủng hoảng sữa”. Nông nghiệp EU bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không xuất được sang Nga.

Một nghiên cứu của Áo cho thấy, các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Nga trong hơn một năm tính tới giữa tháng 6/2015 gây tổn thất đến hơn 100 tỷ USD cho chính khu vực này. Bên cạnh đó, khoảng 2 triệu người lao động EU được dự báo sẽ bị mất việc trong một vài năm tới.

Vừa tạm thời thoát khỏi nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ, giờ đây EU phải đối mặt với vấn đề nhập cư và khủng bố hoành hành khắp nơi. Quyết định tiếp tục kéo dài lệnh trừng phạt lên Nga có lẽ là bất đắc dĩ.

Trên thực tế, theo Reuters, gần đây đã có rất nhiều lời kêu gọi các nước EU xóa bỏ trừng phạt và tăng cường hợp tác với ông Putin để chống IS. Tuy nhiên, cuộc gặp mặt ngắn ngủi bên lề G20 giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Italia Matteo Renzi và Bộ trưởng ngoại giao Pháp Laurent Fabius (thay mặt Tổng thống Francois Hollande) đã thống nhất kéo dài trừng phạt Nga.

Mối quan hệ giữa Nga và Ukraine đã bớt căng thẳng ở khu vực phía đông. Tuy nhiên, tất cả đó có lẽ là chưa đủ. Sự bùng lên của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố với hệ thống vũ khí siêu khủng mà các nhà chuyên gia Mỹ cho rằng “Nga đã sẵn sàng cho chiến tranh hiện đại” hay tuyên bố của Putin về việc Nga triển khai vũ khí xuyên thủng lá chắn tên lửa NATO… có lẽ là những điều mà phương Tây cũng phải lo ngại và phòng xa. Một nước Nga suy yếu hơn về kinh tế và quốc phòng có lẽ là điều cần thiết.

V. Minh