Nhà nghèo nên học hết lớp 3 tại Trà Vinh, ông Trầm Bê được gia đình cho đi "ở đợ" nhà người bà con có xưởng sản xuất chén nhựa ở Vũng Tàu.

Ông Trần Văn Dưỡng, Trưởng ấp Vàm Rai ở xã Hàm Tân, huyện Trà Cú (Trà Vinh), cho biết từ ngày ông Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Chủ tịch hội đồng tín dụng ngân hàng Sacombank) bị bắt vào đầu tháng 8/2017, người dân quê nghèo này luôn trông chờ ngày ông Bê ra tòa. Lý do họ trông chờ là vì muốn biết tòa án sẽ tuyên người cùng quê bao nhiêu năm tù về tội gì.

Học hết lớp 3 rồi đi 'ở đợ'

Ông Trầm Bê sinh ra trong gia đình nghèo gần chùa Vàm Rai của xã Hàm Giang (nay là Hàm Tân, huyện Trà Cú). Cha ông Trầm Bê có hai vợ và vị nguyên Phó chủ tịch HĐQT Sacombank là con trai lớn của ông Dương Quơ với người vợ thứ hai Trầm Thị Sinh.

{keywords}
Dinh thự của ông Trầm Bê ở Trà Vinh.

Trưởng ấp Vàm Rai cho biết vợ trước của ông Dương Quơ có một con riêng (trai) và ông Trầm Bê có hai người chị cùng cha nhưng khác mẹ. Ông Trầm Bê có 3 người em ruột, gồm hai gái, một trai và hiện tất cả ở Sài Gòn.

"Mẹ ông Bê ngày trước bán heo con, còn người cha thì qua các xóm cồn chở củi. Nhà nghèo lắm nên học hết lớp 3 thì ông Bê được gia đình gửi đi làm công cho người bà con ở Vũng Tàu. Nhà bà con với ông Bê khi ấy có xưởng sản xuất chén nhựa, rồi sau đó chuyển vào lên Sài Gòn làm bột mì", ông Dưỡng kể.

Theo vị trưởng ấp, lúc nhỏ anh em ông Bê mang họ Dương của cha. Sau một thời gian làm công, ông Bê được người bà con nhận làm con nuôi và lấy họ Trầm của chủ xưởng chén nhựa.

"Lúc ông Bê vào Sài Gòn làm bột mì khoảng 18 tuổi, được gia đình cha mẹ nuôi cho học tiếng Hoa rồi giúp ông ấy phát triển sự nghiệp đến nay. Ông Bê sau đó làm gì rồi mới tới ngân hàng thì chúng tôi không rõ. Ông Bê được người dân Vàm Rai quý mến vì gia đình ông ấy giúp đỡ bà con ở đây rất nhiều", Trưởng ấp Vàm Rai chia sẻ.

{keywords}
Hình gia đình ông Trầm Bê được phóng to đặt tại chánh điện chùa Vàm Rai.

Bà Tào Phương (75 tuổi, nhà gần chùa Vàm Rai) kể: "Ông Bê hồi nhỏ nghèo, 11 tuổi đã đi ở đợ. Những người bà con của ông ấy có đưa tôi lên nhà ông Bê ở quận 6 (TP.HCM) chơi vài lần. Những lần về quê là ông Bê cho tiền, cho gạo và cất nhà cho người nghèo nhiều lắm".

Nhiều ngôi nhà bỏ hoang ở quê hương Trầm Bê

Ông Trầm Bê ghi dấu ấn ở Trà Vinh khi cho xây dinh thự trị giá hàng chục tỷ đồng ở Vàm Rai. Ngôi chùa vàng mang tên Vàm Rai có tượng Phật nằm cũng được ông Bê hỗ trợ vốn xây dựng trên 40 tỷ đồng.

Ông Châu Khương, Phó ban Quản trị chùa Vàm Rai, cho biết lúc mới bước chân vào ngân hàng Phương Nam, ông Trầm Bê đã đầu tư vốn về quê nhà để xây chùa. Ngoài chùa Vàm Rai, ông Bê còn xây chánh điện 6 chùa khác trong tỉnh Trà Vinh, một chùa ở Vĩnh Long và ở Campuchia có một chùa.

"Bình quân, kinh phí xây chánh điện khoảng 6-7 tỷ đồng, đó là chưa kể đến đóng góp xây tăng xá, trường học ", ông Châu Khương nói.

Cách chùa Vàm Rai khoảng 200 m, gia đình ông Bê có khu đất rộng khoảng 1 ha được xây hàng rào cao nhưng 2/4 cửa chính đã được khóa chặt, bên trong có nhiều cây cảnh trị giá tiền tỷ. Cách khu vườn này vài bước chân là hai dãy nhà liền kề gần 40 căn nhưng chỉ có khoảng 10 hộ ở.

{keywords}
Bà Tào Phương kể về những ngày tháng nghèo khó của ông Trầm Bê

Một cư dân tại đây cho biết nhà của họ trước đây nằm trong khu vực vườn cây cảnh của gia đình Trầm Bê. Vị đại gia này sau đó đổi đất với người dân để có thửa đất rộng và người nào được đổi đất thì ông Bê cấp cho ngôi nhà ở dãy liền kề phía sau trường học.

"Ông Bê xây những dãy nhà này để bán nhưng không kinh doanh được vì xứ này còn nghèo. Một số người vào ở là hộ đổi đất hoặc người làm công cho ông Bê", ông Trần Văn Dưỡng nói.

Ông Trầm Bê bị cáo buộc đã giúp sức cho Phạm Công Danh chiếm đoạt, gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB) hơn 1.800 tỷ đồng. Giai đoạn 2 của vụ án dự kiến do TAND TP.HCM xét xử vào ngày 8/1/2018.

Trong 46 bị can của vụ án này, ông Phạm Công Danh và Trầm Bê bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (xảy ra tại 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV). Trong đó, ông Bê bị cáo buộc là đã giới thiệu ông Danh với nguyên Tổng giám đốc Phan Huy Khang, sau đó chỉ đạo nhân viên dưới quyền hợp pháp hóa thủ tục giải ngân cho các công ty của ông Danh vay 1.800 tỷ đồng bằng các hồ sơ khống.

Theo cơ quan tố tụng, tổng số tiền ông Phạm Công Danh cùng đồng phạm gây thiệt hại trong cả 2 giai đoạn của vụ án là hơn 15.000 tỷ đồng.

(Theo Zing)