Mô hình trồng dưa lưới của chàng thạc sỹ cứ 1 sào thu 500 triệu đồng. Đặc biệt theo anh Thanh, trồng dưa lưới rất phù hợp với những nông dân có diện tích canh tác nhỏ.

Bỏ lương nghìn đô về trồng dưa lưới

Ra trường với tấm bằng thạc sỹ loại ưu chuyên ngành sinh học thực nghiệm, anh Nguyễn Đình Thanh (thôn Hồ Nước, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) được một tập đoàn lớn tuyển dụng với lương tháng gần 1.000 đô. Nhưng sau hơn 2 năm ra nước ngoài làm việc, anh quyết định xin nghỉ để được gần gia đình và thực hiện ước mơ làm nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao đã ấp ủ từ lâu.

{keywords}
Vườn dưa lưới trong nhà màng của anh Nguyễn Đình Thanh, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

Nhưng cuộc đời nhiều khi không là mơ. Bắt tay vào việc thì gặp trục trặc, lại thiếu vốn, nên mô hình thất bại. Anh Thanh đành phải gác lại ý tưởng, tiếp tục đi làm thuê cho một công ty khác để tích vốn. Đến đầu năm 2019, anh phá bỏ 1.000 m2 cà phê, đầu tư 260 triệu đồng trồng 2.800 cây dưa lưới Nhật Bản trong nhà màng, sử dụng hệ thống tưới nước tự động.

{keywords}
Công nhân thu hoạch dưa lưới trong vườn anh Thanh 

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Thanh cho biết: “Dưa lưới còn khá xa lạ với nông dân tỉnh Gia Lai, mặt khác do kỹ thuật trồng dưa lưới phức tạp nên rất ít người lựa chọn. Nhưng giá bán dưa lưới thường rất cao, từ 40.000 - 60.000 đồng/kg, nhu cầu tiêu thụ rất lớn. Vùng đất huyện Chư Sê này rất phù hợp với dưa lưới, nếu áp dụng tốt quy trình kỹ thuật, năng suất dưa lưới có thể đạt 3,5 - 4 tấn/1.000 m2/vụ, cho thu nhập đến 500 triệu đồng”.

{keywords}
Mỗi quả dưa lưới trong vườn anh Thanh nặng 1,2 - 1,5 kg

Mặc dù có kiến thức chuyên sâu về sinh học, nông nghiệp, nhiều năm kinh nghiệm làm việc đến lĩnh vực liên quan, nhưng khi bước vào làm nông thực tế, anh Thanh cũng gặp không ít khó khăn. Mọi thứ liên quan đến cây dưa lưới anh phải tự mày mò học, từ công đoạn cơ bản nhất là thiết kế nhà màng, đến làm đất, gieo hạt, chế độ chăm bón... "Trải qua mấy lần trồng dưa lưới thử nghiệm thất bại, bầm dập mình mới thành công được như ngày hôm nay”, anh Thanh nói.

Thêm một hướng đi mới cho nông dân xứ hồ tiêu

Chia sẻ kinh nghiệm trồng dưa lưới, anh Thanh cho biết: "Trồng dưa lưới đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, phải thường xuyên theo dõi, lơ là một tí là hỏng cả vụ. Ở giai đoạn phát triển mà cây dưa lưới ra hoa không đều, hoặc cây dưa lưới bị bệnh không khắc phục được phải nhổ bỏ để trồng mới. Nếu cố để những cây dưa lưới lại sẽ không đạt năng suất, tốn công chăm sóc dẫn đến lỗ vốn...".

{keywords}
Vườn dưa lưới của anh Thanh được đầu tư hệ thống tưới tự động 

Theo anh Thanh, cái lợi của trồng dưa lưới trong nhà màng là mỗi năm thu hoạch được 3 vụ, trung bình từ 65 - 75 ngày/vụ, mỗi quả dưa lưới có trọng lượng từ 1,2- 1,5/kg là đạt. So với cà phê, hồ tiêu thì dưa lưới có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Thấy mô hình hay, nhiều bà con nông dân đã đến vườn dưa lưới của anh Thanh để tìm hiểu và học hỏi.

{keywords}
Theo anh Thanh, dưa lưới thu hoạch 3 vụ/năm nên một sào có thể cho thu 500 triệu đồng

“Hiện nay đầu ra cho quả dưa lưới rất ổn, phần lớn mình bán ngay tại vườn, hoặc bán số lượng lớn cho khách hàng đặt từ xa ở Đà Nẵng, Hà Nội. Sắp tới mình sẽ mở rộng diện tích trồng dưa lưới và trồng dưa lưới theo hướng nông nghiệp sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm trong và ngoài nước. Trước mắt mình sẽ hoàn thành chứng nhận sản phẩm dưa lưới sạch, rồi dần dần liên hệ đầu ra cho dưa lưới ở các hệ thống siêu thị để việc tiêu thụ dưa lưới ổn định, bền vững hơn”, anh Thanh bày tỏ.

{keywords}
Do phù hợp với đất đỏ bazan nên dưa lưới anh Thanh trồng rất ngọt, thơm và chắc thịt, được nhiều người ưa chuộng...

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Lê Sĩ Quý - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê cho biết: “Dưa lưới của anh Thanh rất ngon, đến Chư Sê thì phải ghé ăn cho biết. So với nhiều loại cây trồng khác, mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao này rất hiệu quả, có thể mở rộng cho nhiều hộ dân. Mặc dù đầu tư nhà màng khá tốn kém, nhưng ngược lại giá bán cao, đặc biệt có thể sản xuất an toàn, khép kín”.

Theo ông Quý, Trung tâm đã hỗ trợ gia đình anh Thanh 30% kinh phí, đến giai đoạn 2 sẽ hỗ trợ thêm về kỹ thuật, làm chứng nhận VietGAP để đưa sản phẩm dưa lưới vào các siêu thị. Thành công của mô hình trồng dưa lưới này sẽ mở ra cơ hội chuyển đổi cây trồng, áp dụng công nghệ cao, nhất là trong bối cảnh hồ tiêu bị dịch bệnh, rớt giá. 

Cũng theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng chỉ là 1 trong những hướng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp trên xứ hồ tiêu Chư Sê.

(Theo Dân Việt)