Hàng loạt các gương mặt doanh nhân trẻ xuất hiện áp đảo trong top những người giàu nhất trên sàn chứng khoán, trong khi đó các doanh nhân kỳ cựu dần chìm sâu, thậm chí mất bóng trong bảng xếp hạng.


 Gương mặt  mới nổi

Đầu tháng 9/2016, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam xôn xao khi ông Trịnh Văn Quyết (41 tuổi) bất ngờ vọt lên trở thành đại gia giàu thứ 2 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất trên TTCK.

Tổng tài sản của ông Quyết từ mức vài ngàn tỷ đồng bỗng tăng vọt lên hơn 15 ngàn tỷ đồng sau khi CTCP Xây dựng Faros (ROS) - DN đang thầu xây dựng phần lớn các dự án BĐS của Tập đoàn FLC đưa 430 triệu cổ phiếu lên sàn.

Ông Quyết - Chủ tịch FLC là người đã thâu tóm và đưa ROS từ một DN không mấy người biết đến trở thành một tên tuổi thu hút sự chú ý giới đầu tư chứng khoán. Với việc sở hữu 180 triệu cổ phiếu ROS và chuỗi ngày tăng giá không ngừng từ 10.500 đồng lên hơn 50.000 đồng/cp của cổ phiếu này, không có gì khó hiểu khi ông Quyết vọt qua ông Trần Đình Long, chủ Tập đoàn Hòa Phát (HPG).

Ông Quyết được biết đến là một luật sư, khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên và được hưởng lợi rất nhiều từ những hiểu biết của mình trong quá trình tư vấn về đầu tư và sở hữu trí tuệ cho các DN cũng như những hiểu biết về TTCK. Sự giàu có của ông Quyết gắn liền với sự bùng nổ của thị trường BĐS và phát triển của TTCK.

Cũng giống như ông Quyết, doanh nhân Đỗ Hữu Hạ - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS) vừa bứt phá ngoạn lên vị trí thứ 6 từ vị trí gần 30 trước đó sau khi đưa thêm CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy lên sàn. Với việc sở hữu gần 42% vốn, ông Hạ nhanh chóng chứng kiến túi tiền phình ra thêm hàng ngàn tỷ đồng.

{keywords}
Ông Trịnh Văn Quyết bất ngờ lên vị trí thứ 2.

Trước đó, năm 2014, TTCK cũng đã chứng kiến một loạt các doanh nhân mới nổi thổi bay vị trí tốp đầu của nhiều tỷ phú Việt. Chỉ vài tháng sau khi lên sàn, ông Nguyễn Đức Tài (47 tuổi) đã lọt vào tốp 10 người giàu nhất trên TCK, vượt lên trên những tên tuổi lừng lẫy như Trương Gia Bình, Hồ Hùng Anh, Trần Kim Thành, Đặng Thành Tâm... Cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới di động của đại gia này đã tăng dữ dội gấp nhiều lần giá chào sàn lên gần 180 ngàn đồng/cp.

Sự gia tăng liên tục về giá của MWG đã giúp các sáng lập viên của DN này lọt top giàu nhất. Ông Tài đứng ở vị trí thứ 7 còn một cổ đông khác là Trần Lê Quan lên vị trí thứ 10.

Sự phát triển bùng nổ của Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) cũng giúp chủ tịch Trương Lệ Khanh vọt lên vị trí thứ 8 với giá trị tài sản gần 2,6 ngàn tỷ đồng.

Tên tuổi kỳ cựu rớt hạng

Trái ngược với sự nổi lên nhanh chóng của nhiều tên tuổi trẻ, nhiều doanh nhân nổi như cồn trước đây như: Trương Gia Bình, Đoàn Nguyên Đức, Đặng Thành Tâm… đang chìm dần và giờ đây đều đã rời khỏi top 10.

Hàng loạt cái tên từng xếp đầu danh sách giàu nhất dần dần tụt hạng đi cùng với sự im hơi lặng tiếng và mong muốn ẩn mình của không ít người.

Ông Đoàn Nguyên Đức, người giàu nhất năm 2008 và 2009 rớt xuống vị trí thứ 12, ông Đặng Thành Tâm (giàu nhất năm 2007) xuống vị trí 18, và ông Trương Gia Bình (giàu nhất năm 2006) xuống thứ 17.

{keywords}
Ông Đoàn Nguyên Đức tụt hạng.

Người duy nhất còn trụ lại được và đứng vững ở vị trí số 1, liên tục từ năm 2010 tới nay là tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng, ông chủ Tập đoàn Vingroup. Ông Vượng hiện sở hữu số lượng cổ phiếu trị giá hơn 30 ngàn tỷ đồng, gấp đôi người ở vị trí thứ 2 (ông Quyết) và gấp 4 lần người đứng ở vị trí thứ 3.

Trong top 10, 2 người liên quan của ông Vượng là bà Phạm Thu Hương (vợ) và Phạm Thúy Hằng (em vợ) đứng ở vị trí thứ 4 và 5. Vị trí thứ 9 thuộc về bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Trần Đình Long.

Bảng xếp hạng cho thấy, các doanh nhân trẻ chiếm đa số, chỉ có 1 người duy nhất trên 60 tuổi. Số người dưới 40 chiếm một nửa. Cũng như trên thế giới, các doanh nhân trong lĩnh vực BĐS và VLXD chiếm số đông: 6 vị trí, bán lẻ (điện máy) có 2 người đến từ MWG.

Điểm khác biệt với top đầu trong các bảng xếp hạng giàu có thường thấy trên thế giới là sự thiếu vắng của các tỷ phú đến từ lĩnh vực công nghệ, tài chính ngân hàng và đầu tư chứng khoán. Sự giàu sang có nguồn gốc chủ yếu từ mảng BĐS và phân phối bán lẻ.

Sự tụt hạng của các doanh nhân kỳ cựu, nhiều tuổi cũng là một điểm khác biệt so với thế giới. Người ta không thấy những gương mặt ông trùm đầu tư chính tài ba như Warren Buffet (hơn 80 tuổi), ông trùm công nghệ Bill Gates hay ông trùm thời trang sáng tạo Amancio Ortega (chủ Zara) …

Và giới đầu tư cũng không thấy những gương mặt nổi lên trong lĩnh vực công nghệ và sáng tạo giống như ông chủ sáng lập mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg hay chủ Google Larry Page.

Sự giàu lên nhanh chóng của một số gương mặt doanh nhân trẻ khiến nhiều người thán phục và đây cũng là một sự khích lệ đối với lớp trẻ thanh niên Việt Nam khi phong trào khởi nghiệp (startup) đang bùng nổ.

Một làn sóng công nghệ mới trên thế giới: FinTech (các DN kinh doanh sáng tạo với công nghệ tiên tiến để thúc đẩy, tăng cường và tạo đột phá trong cung cấp dịch vụ tài chính) như Uber… đã giúp 30 DN đạt giá trị hơn 1 tỷ USD trong một thời gian ngắn vừa qua. Làn sóng này cũng đang bùng nổ ở Việt Nam và được kỳ vọng sẽ mang đến một lớp doanh nhân trẻ giàu có mới.

H. Tú