Lợi dụng danh nghĩa là công ty sân sau của Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch HĐQT BIDV), Đoàn Hồng Dũng được BIDV cho vay vốn kinh doanh, nhập khẩu phôi thép lên đến gần 1.000 tỉ đồng. Sau đó Đoàn Hồng Dũng cùng vợ dùng “thủ thuật” lập ra các công ty “ma” do những người thân trong gia đình đứng tên, nhằm chuyển hàng lòng vòng để chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Đoàn Hồng Dũng đã gây thiệt hại cho BIDV gần 865 tỉ đồng.

Những công ty “ma” của gia đình Đoàn Hồng Dũng

Công ty TNHH Thương mại & Du lịch Trung Dũng (Công ty Trung Dũng), do vợ chồng Đoàn Hồng Dũng thành lập từ năm 2000, vốn điều lệ 200 tỉ đồng để kinh doanh sắt, thép, vật liệu xây dựng.

Ngoài việc thành lập Công ty Trung Dũng, Đoàn Hồng Dũng còn nhờ người thân quen trong gia đình thành lập thêm 2 công ty khác với mục đích hỗ trợ nhau trong việc kinh doanh, mở rộng địa bàn gồm: Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hà Nam (Công ty Hà Nam) do Nguyễn Thị Thanh Sơn (vợ Dũng) làm Giám đốc, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Trung Dũng (Công ty Đầu tư Trung Dũng) do Đoàn Mạnh Trung (con trai Dũng) là Chủ tịch HĐQT. Trên thực tế, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty này đều do Đoàn Hồng Dũng quản lý, điều hành.

Từ năm 2007-2011, BIDV Chi nhánh Hà Thành đã cấp tín dụng cho Công ty Trung Dũng với 3 hình thức: Bảo lãnh phát hành, bảo lãnh thanh toán trái phiếu để đầu tư vào Công ty CP gang thép Thái Nguyên (Công ty TISCO); Cho vay theo hạn mức tín dụng ngắn hạn để phục vụ mua bán hàng hóa (sắt thép thành phẩm, phôi thép, thép phế) và cấp tín dụng bằng hình thức phát hành L/C nhập khẩu hàng hóa (phôi thép, thép phế).

{keywords}
Công ty Trung Dũng còn món nợ với TISCO (theo báo cáo tài chính của TISCO).

Tại cơ quan điều tra, Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn khai báo, với áp lực phải trả nợ, Đoàn Hồng Dũng bàn bạc, thống nhất với vợ không bán cho Công ty TISCO (vì lo ngại BIDV sẽ thu lại tiền từ TISCO) bằng pháp nhân Công ty Trung Dũng, mà bán hàng lòng vòng qua các công ty của người thân và gia đình, cuối cùng thông qua pháp nhân của các công ty gia đình để ký hợp đồng mua thép phế và phôi thép của Công ty Trung Dũng, sau đó bán cho Công ty TISCO, nhằm tránh sự kiểm soát dòng tiền của BIDV đối với Công ty Trung Dũng. Toàn bộ số tiền nhận được, Dũng và Sơn chiếm đoạt, sử dụng vào việc trả nợ cho các khoản nợ khác và chi tiêu cá nhân.

Quá trình điều tra xác định, ngoài bị can Đoàn Hồng Dũng, Nguyễn Thị Thanh Sơn còn có các đối tượng có liên quan đến việc mua bán hàng hóa là tài sản đảm bảo tại BIDV từ Công ty Trung Dũng. Những người này, gồm: Nguyễn Trọng Lưu, Phó Giám đốc Công ty Trung Dũng (em vợ Dũng), đứng tên ký hợp đồng bán hàng cho các công ty gia đình của Đoàn Hồng Dũng; Trương Văn Lương, Phó Giám đốc Công ty Hà Nam (em vợ Dũng), ký hợp đồng mua bán hàng của Công ty Hà Nam; Trần Trọng Hùng, Phó Giám đốc Công ty Đầu tư Trung Dũng (bạn của Đoàn Mạnh Trung) ký hợp đồng mua bán hàng của Công ty Đầu tư Trung Dũng; Đoàn Mạnh Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư Trung Dũng (con trai bị can Dũng).

Những người này đều chỉ là người đứng tên hồ sơ công ty hoặc là người làm thuê cho vợ chồng Dũng, Sơn. Việc lập và ký hồ sơ, thủ tục liên quan đến mua bán hàng hóa nói trên theo chỉ đạo của bị can Dũng, bị can Sơn. Các đối tượng này đều không được bàn bạc, không biết mục đích chiếm đoạt của Dũng.

Vay 700 tỉ đồng, dư nợ không có khả năng thanh toán 601 tỉ đồng

Theo nội dung cáo trạng, từ năm 2007-2011, Công ty Trung Dũng đều được BIDV Chi nhánh Hà Thành cấp hạn mức tín dụng hằng năm, cụ thể năm 2007 là 105 tỉ đồng; năm 2008 là 200 tỉ đồng; năm 2009 là 300 tỉ đồng; năm 2010 là 700 tỉ đồng và năm 2011 được tái cấp là 700 tỉ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty Trung Dũng còn dư nợ 26 khế ước của hợp đồng hạn mức năm 2011, với tổng dư nợ trên 600 tỉ đồng.

Quá trình vay các khoản theo hạn mức 700 tỉ đồng, Công ty Trung Dũng sử dụng hầu hết các hợp đồng, hóa đơn mua bán hàng hóa có thật của các đối tác để làm hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay để BIDV giải ngân trực tiếp cho các đối tác của Công ty Trung Dũng. Hàng hóa mua về, được Công ty Trung Dũng bán cho các khách hàng như phương án kinh doanh, tiền bán hàng được chuyển về tài khoản của công ty mở tại BIDV như cam kết nhưng do chưa đến hạn thanh toán khoản vay nên Công ty Trung Dũng đã sử dụng số tiền này cho mục đích khác.

Ngoài ra, theo tài liệu kê khai thuế, Công ty Trung Dũng mua của Công ty TISCO là gần 697 tỉ đồng, kê khai bán ra cho 8 công ty khác với tổng trị giá là 726 tỉ đồng. Công ty Trung Dũng đã vay của BIDV 373 tỷ đồng để trả cho Công ty TISCO, ngoài ra công ty này còn vay tiền của các tổ chức tín dụng  khác để mua thép thành phẩm của Công ty TISCO. Do đó, không xác định được trong số tiền bán hàng chuyên về tài khoản của Công ty Trung Dũng tại BIDV Chi nhánh Hà Thành đâu là tiền bán hàng hóa mua bằng tiền vay của BIDV. Số tiền bán thép thành phẩm, Công ty Trung Dũng đã sử dụng hết.

Theo các cơ quan chức năng, đối với một số khoản vay để mua hàng hóa nhưng sau đó Công ty Trung Dũng và các đối tác khác chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự với Đoàn Hồng Dũng nhưng Đoàn Hồng Dũng phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại 601 tỉ đồng cho BIDV.

“Lấy” phôi thép bảo lãnh để đi bán

Khi đề nghị BIDV mở L/C để đảm bảo thanh toán cho hợp đồng ngoại thương, Đoàn Hồng Dũng lập phương án kinh doanh và cam kết với BIDV tại hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo là toàn bộ số hàng hóa sau khi nhập về, Công ty Trung Dũng sẽ bán cho Công ty TISCO, toàn bộ số tiền thu được từ việc bán hàng sẽ chuyển về tài khoản của BIDV để thanh toán cho đối tác nước ngoài khi đến hạn.

Trên cơ sở các cam kết của Công ty Trung Dũng, BIDV Chi nhánh Hà Thành giao cho Công ty Trung Dũng tự quản lý tài sản đảm bảo (hàng hóa hình thành từ vốn vay) kèm điều kiện: Lô hàng nhập khẩu chỉ được xuất kho sau khi có sự chấp thuận bằng văn bản của BIDV. Mọi trường hợp xuất kho chưa được sự chấp thuận của BIDV đều bị coi là vi phạm hợp đồng bảo đảm.

Tuy nhiên, thời điểm đầu năm 2012, sau khi nhập khẩu lô hàng phôi thép, thép phế từ khoản phát hành L/C, các công ty của Đoàn Hồng Dũng gặp khó khăn trầm trọng về tài chính, đều đang nợ tiền tại các ngân hàng, Công ty TISCO và một số đối tác khác. Với áp lực phải trả nợ, Công ty Trung Dũng chỉ bán cho Công ty TISCO số hàng hóa trị giá 15 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, toàn bộ số hàng hóa còn lại, từ tháng 2 đến tháng 3-2012, lợi dụng sự tin tưởng của BIDV giao cho Công ty Trung Dũng tự quản lý lô hàng nhập khẩu là tài sản đảm bảo cho khoản phát hành L/C, Dũng đã thống nhất với Sơn dùng thủ đoạn gian dối, sử dụng pháp nhân của Công ty Hà Nam, Công ty Đầu tư Trung Dũng để ký hợp đồng mua thép phế và phôi thép của Công ty Trung Dũng, sau đó bán cho Công ty TISCO, nhằm tránh sự kiểm soát dòng tiền của BIDV đối với Công ty Trung Dũng.

Tiền thu được từ việc bán hàng, Đoàn Hồng Dũng, Nguyễn Thị Thanh Sơn không chuyển về tài khoản của Công ty Trung Dũng tại BIDV để thanh toán cho đối tác nước ngoài khi đến hạn như đã cam kết với BIDV mà dùng để trả nợ cho Công ty Hà Nam, Công ty Trung Dũng và sử dụng vào các mục đích khác. Tổng số tiền các bị can đã chiếm đoạt của BIDV là 12,6 triệu USD, tương đương 263,5 tỉ đồng, hiện Công ty Trung Dũng không có khả năng trả nợ.

{keywords}
Các cán bộ Ngân hàng BIDV chi nhánh Hà thành bị bắt: Đặng Thành Nam, Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Phạm Hồng QUang và Đoàn Hồng Dũng.

Rút tiền của BIDV do... khó khăn

Tại cơ quan điều tra, Đoàn Hồng Dũng khai: bị can là người thành lập, chỉ đạo điều hành mọi hoạt động kinh doanh của Công ty Trung Dũng. Quá trình quan hệ vay vốn tại BIDV là do bị can quyết định. Bị can Dũng thừa nhận hành vi lợi dụng sự tin tưởng của BIDV, thông qua pháp nhân của các công ty gia đình bán tài sản đảm bảo không được sự đồng ý của BIDV, sử dụng tiền vào các mục đích của công ty và cá nhân, trái với cam kết với BIDV là vi phạm pháp luật.

Nguyễn Thị Thanh Sơn cho rằng, đầu năm 2012, Công ty Trung Dũng được BIDV Chi nhánh Hà Thành phát hành L/C bảo lãnh nhập khẩu phôi thép và thép phế về để bán cho Công ty TISCO. Tuy nhiên, sau khi bán cho Công ty TISCO được 15 tỷ đồng tiền phôi thép thì Công ty TISCO không đồng ý thanh toán tiền mà đề nghị trừ một phần khoản nợ cũ của Công ty Trung Dũng và Công ty Hà Nam. Khi Đoàn Hồng Dũng bàn bạc trao đổi về việc bán hàng hóa mà không chuyển tiền về BIDV, Nguyễn Thị Thanh Sơn đã đồng ý về việc dùng pháp nhân Công ty Hà Nam, Công ty Đầu tư Trung Dũng mua hàng của Công ty Trung Dũng, bán hàng cho Công ty TISCO nhằm trách sự kiểm soát của BIDV.

Bị can Sơn đã dùng pháp nhân Công ty Hà Nam ký các hồ sơ, thủ tục hoàn thiện việc mua bán này. Bị can thừa nhận việc bán tài sản đảm bảo của vợ chồng bị can là vi phạm hợp đồng đã ký kết với BIDV, vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm về sai phạm của mình.

Các bị can Đoàn Hồng Dũng, Nguyễn Thị Thanh Sơn đã lợi dụng sự tin tưởng của BIDV trong việc thực hiện hợp đồng, dùng thủ đoạn gian dối bán tài sản đảm bảo, chiếm đoạt của BIDV số tiền 263 tỉ đồng, phạm vào tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015. Các bị can Đoàn Hồng Dũng, Nguyễn Thị Thanh Sơn có trách nhiệm liên đới bồi thường toàn bộ số tiền 263,5 tỉ đồng cho BIDV.

VKSND Tối cao vừa ra cáo trạng truy tố 12 bị can trong vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" liên quan đến Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV), gây thất thoát 1.672 tỉ đồng của BIDV. Vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty CP chăn nuôi Bình Hà, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trung Dũng.

Theo nội dung cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2011-2016, lợi dụng chức trách được giao, Trần Bắc Hà đã chỉ đạo cấp dưới tại BIDV và BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh; Chi nhánh Hà Thành cho Công ty Bình Hà, là công ty sân sau của Trần Bắc Hà và Công ty Trung Dũng vay trái quy định, gây thất thoát cho BIDV số tiền 1.672 tỉ đồng.

Trong vụ án này, ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV) được xác định giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo khoản 4 Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tháng 7-2019, Trần Bắc Hà đã mất trong trại giam vì bệnh tật.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Cơ quan công an tiến hành đình chỉ bị can đối với Trần Bắc Hà, còn việc điều tra, truy tố, xét xử sẽ tiếp tục đối với các đồng phạm. Nếu có bồi thường thiệt hại, các đồng phạm sẽ liên đới bồi thường.

(Theo An ninh Thế giới)