Ngoài biệt hiệu “triệu phú hoa tulip”, Hồ Minh Việt còn được gọi là “kẻ cố chấp” bởi quyết tâm trồng bằng được hoa tulip ở điều kiện khí hậu miền Bắc - điều kiện được coi là bất khả thi. Việt còn nổi danh với biệt tài cho “hoa ngủ, hoa cười” đúng thời điểm mong muốn.

Chàng kỹ sư cố chấp

Đang nghiên cứu công nghệ trồng hoa ly, chàng kỹ sư nông nghiệp 33 tuổi Hồ Minh Việt - hiện là Trưởng phòng kỹ thuật, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam - nhận ra nhu cầu về loại hoa này đã bão hòa, trong khi hoa tulip có tiềm năng rất lớn về thị trường, nên quyết định đi sâu nghiên cứu cách trồng tulip.

“Đó là năm 2008. Mọi người đều cản, bảo không thể trồng tulip ở miền Bắc, nhưng tôi vẫn lên mạng tìm hiểu, tham khảo các chuyên gia ở Hà Lan và một năm sau bắt tay vào làm” - Việt kể.

Hoa tulip sinh trưởng tốt nhất ở nhiệt độ 16-200C vào ban ngày và 10-150C vào ban đêm. Ở miền Bắc, khoảng thời gian đáp ứng điều kiện này rất ngắn, chỉ vài tháng trước tết. Sau tết, độ ẩm không khí cao khiến cây dễ nhiễm bệnh. Do đó, ở Việt Nam, tulip dường như chỉ được trồng ở Đà Lạt. Quyết tâm chinh phục loài hoa này, KS Việt gom góp, vay mượn được 50 triệu đồng, đầu tư trồng thử nghiệm 5.000 củ đầu tiên.

{keywords}

Kỹ sư Hồ Minh Việt kiểm tra sự phát triển của hoa do anh trồng.

“Lúc đó tôi đang làm nghiên cứu ở Mộc Châu, mượn được một nhà lưới nhỏ có kho lạnh nên giảm được một phần chi phí. Năm đầu tiên chăm sóc chưa tốt nên lỗ nặng. Năm thứ hai, trời quá lạnh nên sát tết hoa mới nở, không kịp bán. Năm thứ ba, trời quá nóng, hoa nở sớm, phải bỏ đi. Phải sau 4 năm khảo nghiệm, tôi mới thành công nhờ nắm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến tulip, đặc điểm từng giống, ví dụ các giống củ, hoa và lá to thì thời gian phát triển sẽ dài hơn” - KS Việt chia sẻ.

Bốn năm đó cũng là thời gian anh xây dựng quy trình trồng và chăm sóc nhờ ghi chép tỉ mỉ và điều chỉnh các khâu canh tác. Kỹ thuật xử lý giống của anh giúp cây lên khỏe, đều, ít sâu bệnh, do đó có thể trồng ở đồng bằng miền Bắc chứ không cần đưa lên miền núi lạnh nữa.

Đồng nghiệp của KS Việt ở Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ - thạc sỹ Vũ Thu Hiền - cho biết, quy trình trồng tulip của anh Việt giúp bà con trồng hoa miền Bắc có thêm một sản phẩm hiệu quả kinh tế cao do phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và thu lợi nhanh - mỗi vụ chỉ 35-40 ngày.

“Trong dự án tulip của Việt phải nghiên cứu sâu thì mới có thể ứng dụng thực tiễn. Đây là giống hoa ngắn ngày, thời gian sinh trưởng của mỗi giống lại khác nhau nên phải nghiên cứu rất tỉ mỉ về quy trình chăm sóc, xác định thời gian xuống giống, bón phân, phun thuốc” - bà Hiền nói.

“Mẫn cảm” với thị trường

Thách thức lớn nhất trong việc trồng tulip là cho hoa nở đúng thời điểm, nhất là dịp tết. Đây chính là sở trường của Hồ Minh Việt, giúp anh kiếm bộn tiền. Anh cho biết: “Để dỗ hoa ngủ, hoa cười đúng lúc trong điều kiện thời tiết thất thường của miền Bắc, tôi xây dựng nhà lưới và hệ thống điều hòa có bộ đèn chiếu sáng và kho lạnh giúp tăng, giảm nhiệt độ. Hiện tại, tôi đã chinh phục được 11 giống tulip. Hoa bán rất tốt, bán cả vào Đà Lạt. Gần như tất cả các tỉnh miền Bắc đều có mô hình do tôi hướng dẫn, ngay cả ở Đà Lạt cũng có” - KS Việt khoe.

Trong thành công của KS Việt, ngoài quyết tâm và sáng tạo, sự nhạy cảm của anh với thị trường đóng vai trò không nhỏ. Hai năm gần đây, Việt mày mò cách trồng tulip thủy canh. Sáng tạo này đánh trúng thị hiếu người tiêu dùng, giúp việc kinh doanh của anh thêm phát đạt.

“Với hoa thủy canh, bạn ngắm được cả bộ rễ trong lọ thủy tinh, rất đẹp. Về chăm sóc thì chỉ cần thêm chất dinh dưỡng và thay nước. Trước đây, chỉ có hoa thủy tiên và tiên ông được trồng thủy canh và tôi nghĩ tại sao không thử với tulip” - Việt nói. Chàng kỹ sư cho biết, anh sẽ tiếp tục “cố chấp”, làm những việc người khác ngại làm hoặc cho là không thể để mở ra con đường riêng cho mình.

(Theo Khoa học & Phát triển)