To gan và lì đòn

“6h sáng nay là giây phút mà chúng tôi đã ấp ủ chờ đợi suốt mấy năm: Bamboo Airways chính thức cất cánh thương mại chuyến bay đầu tiên, mang số hiệu QH202 từ TP.HCM đi Hà Nội”.

Đây là chia sẻ đầu tiên của ông Trịnh Văn Quyết sau khi chuyến bay thương mại đầu tiên của hãng hàng không Bamboo Airways kết thúc thành công tại sân bay Nội Bài của thủ đô Hà Nội trong ngày 16/1. Một câu tút như trút bỏ gánh nặng đè lên vai một doanh nhân 43 tuổi trong suốt mấy năm qua. 

Sau bao đồn thồi, bao lo ngại, ngay trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019, hãng hàng không thứ 5 Việt Nam - Bamboo Airways có 8 đường bay với 26 chuyến bay/chiều/ngày. 

{keywords}
Thêm 1 hãng hàng không tư nhân đi vào hoạt động, Bamboo Airlines của ông Trịnh Văn Quyết.

Trước đó, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán đã lo ngại về kế hoạch bay đầy tham vọng của ông Trịnh Văn Quyết khi dấn thân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới, đòi hỏi số tiền đầu tư quá lớn và cũng khá mạo hiểm.

Các nhà đầu tư lo ngại tập đoàn của ông Quyết lấy đâu ra tiền để thanh toán cho những hợp đồng nhiều tỷ USD được ký kết để mua hàng chục chiếc Boeing tầm rộng thế hệ mới 787-9 Dreamliner của Mỹ, hay những chiếc Airbus của Pháp. Rồi là vấn đề nhân sự, vấn đề quản trị, vấn đề an toàn bay... Một thị trường hàng không đầy cạnh tranh, áp lực phát triển mạnh mẽ từ hãng hàng không VietJet của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo, từ ông lớn VietNam Airlines rồi những lần dự định cất cánh của Bamboo Airways bị trì hoãn,... khiến dư luận không thể nghi ngờ. Nhưng rồi, những chuyến bay đầu tiên là một dấu mốc đáng nhớ với doanh nhân này.

Ông Lê Viết Lam với Tập đoàn Sungroup cũng là một doanh nhân tham vọng, dám vào những lĩnh vực hoàn toàn mới. Đây chính là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên đầu tư một sân bay theo hình thức BOT tại một vùng đất đầy tiềm năng nhưng cũng khá nhiều thách thức. 

{keywords}
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.

Gần 8.000 tỷ đồng được Sungroup rót ra xây dựng sân bay Vân Đồn nhằm tạo động lực mới cho phát triển du lịch Quảng Ninh nói riêng, du lịch cả nước nói chung đồng thời thu hút khách du lịch đến với các dự án của chính tập đoàn này trong tương lai. Điển hình là cũng ở Hạ Long - Vân Đồn, một dự án phức hợp giải trí nghỉ dưỡng cao cấp có quy mô lớn khác cũng đang được tập đoàn này triển khai tại Vân Đồn với quy mô 2.000 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD.

Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống với Yeah1 cũng có những bước đi đầy táo bạo trong năm 2018 vừa qua. Từ một cựu diễn viên điện ảnh, ông Tống đã đưa một công ty truyền hình niêm yết trên sàn chứng khoán.

Cú bán vốn cho nhà đầu tư ngoại, rồi đưa cổ phiếu lên sàn cũng như những dự án đánh cược vào các hotgirl để tạo sao cho hoạt động truyền thông và những vụ thâu tóm doanh nghiệp truyền thông tại Mỹ cũng như Thái Lan đã đem đến sự bứt phá ngoạn mục cho doanh nghiệp của đại gia này. 

{keywords}
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống có những bước đi táo bạo trong năm 2018.

Cú bán toàn bộ mảng bánh kẹo của Kinh Đô rồi chuyển sang những lĩnh vực hoàn toàn mới như mì tôm, tương ớt,... cũng cho thấy sự táo bạo, dám bỏ đi cái cũ, bước vào lĩnh vực mới của đại gia Trần Kim Thành.

Tỷ phú ẩn danh Nguyễn Đang Quang trong khi đó nổi bật trong năm 2018 với thương vụ Tập đoàn Masan thông qua công ty con chi 29 triệu USD (khoảng 680 tỷ đồng) mua lại 49% để sở hữu 100% nhà máy chế biến hóa chất vonfram hàng đầu thế giới Núi Pháo - H.C.Starck. Đại gia mì tôm nước chấm này tấn công mạnh hơn vào lĩnh vực khai khoáng.

Làm nên giá trị mới

Sự liều của các doanh nhân Việt cũng đã đem đến nhiều sự lo lắng cho các cổ đông. Tuy nhiên, không ít người đã mang đến những giá trị mới, những công trình mới, những miền đất mới đầy tiềm năng.

Cũng giống như tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng liên tục mở ra các hướng kinh doanh mới, ông Lê Viết Lam khởi nghiệp từ Ukraina và sau và trở về Việt Nam phát triển bùng nổ trong vài năm gần đây. Tập đoàn Sun Group đầu tư nhiều dự án ngàn tỷ trong lĩnh vực bất động sản, du lịch và giờ là hạ tầng và giao thông.

{keywords}
Những doanh nhân khởi nghiệp từ Đông Âu và là tỷ phú USD mới của Việt Nam.

Sân bay Vân Đồn có rất nhiều điểm đặc biệt mà các sân bay dân dụng ở 21 địa phương khác không có. Đó là một tiến độ xây dựng nhanh kỷ lục, là một sân bay đầu tiên xây dựng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân trực tiếp đầu tư, khai thác và quản lý rồi chuyển giao cho nhà nước (BOT). Sân bay cho thấy sự hiệu quả của đầu tư tư nhân đối với một đại công trình giao thông và sân bay còn là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của du lịch Việt Nam. 

Chỉ trong năm vừa qua, các doanh nghiệp tư nhân lớn đã không ngừng mở rộng quy mô, triển khai các dự án chưa từng có với tham vọng trở thành những đế chế trong nền kinh tế Việt Nam.

Tập đoàn Vingroup (VIC) của ông Phạm Nhật Vượng cũng đã bất ngờ “nhảy” vào lĩnh vực hoàn toàn mới: sản xuất công nghiệp và công nghệ. VIC đầu tư 3,5 tỷ USD vào dự án ô tô VinFast hàng trăm hecta tại Hải Phòng, đồng thời cũng rót tiền vào lĩnh vực công nghệ, trong đó có sản xuất điện thoại và tương lai là đồ gia dụng thông minh.

Hai ông lớn trong ngành thép: Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long và Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ đồng loạt xin thực hiện hai đại dự án thép. HPG của Long củng cố khá vững chắc vị trí đầu ngành trên thị trường ông thép nhờ đẩy mạnh triển khai đại dự án thép Dung Quất.

{keywords}
Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân. Nhiều doanh nhân bứt phá lên tầm thế giới.

Giới đầu tư cũng chứng kiến Thaco của tỷ phú USD Trần Bá Dương tiếp tục đầu tư mạnh vào khu đô thị Sala tại Thủ Thiêm và rót cả tỷ USD vào đế chế nông nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức. Đại gia bán lẻ Thế Giới Di Dộng (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài dồn dập để tiền vào mở rộng mạng lưới bán điện thoại, điện máy (Điện Máy Xanh) và thực phẩm (Bách Hóa Xanh). PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung dồn dập mở rộng hệ thống bán lẻ vàng bạc đá quý. 

Nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo cũng dồn dập mở rộng mạng lưới bay VietJet, trong khi đẩy mạnh đầu tư vào tài chính với Ngân hàng HDBank cũng như bất động sản với Sovico Holdings dồn tiền vào dự án Splendora An Khánh,...

Trong năm 2018, nhiều doanh nghiệp lớn đã bứt phá nhờ tham vọng lớn của những doanh nhân lèo lái doanh nghiệp. Khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng lớn mạnh và được xác định là động lực cho nền kinh tế.

Kinh tế vĩ mô ổn định, nhiều rào cản tư duy đã được gỡ bỏ đang giúp các doanh nhân Việt bạo gan bứt phá đi lên, thực hiện những ước mơ, hoài bão vươn ra biển lớn. Đây được xem là thời điểm để nền kinh tế có thể cất cánh bay lên.

Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), các nhà hoạch định chính sách nên tận dụng lợi thế trong lúc động lực tăng trưởng còn đang thuận lợi để tiếp tục tăng trưởng vững cho dù bối cảnh toàn cầu có nhiều thách thức; từ đó, đẩy mạnh cải cách cơ cấu nhằm tăng cường đầu tư và tăng trưởng dựa trên khu vực tư nhân, cải thiện hiệu suất đầu tư công.

M. Hà