Mong các chế độ chính sách tốt hơn nữa, mong có thêm nguồn tài chính, mong tìm được công việc mới là ước mơ của các nhà sáng chế.

Dự án mới máy bay không người lái

Bước sang một năm mới, năm 2017, những nhà khoa học sáng chế đều có những mong ước và nguyện vọng của mình.

Kỹ sư Bùi Hiển (Bình Dương) - cha đẻ của máy bay trực thăng "made in Vietnam" mang tên Giấc mơ - cho biết: "Năm vừa qua đối với tôi vui cũng có, buồn cũng có, cũng mong sang năm 2017 mọi dự định của tôi sẽ thành công.

Hiện tại, tôi đang hợp tác với Hội hàng không vũ trụ VN và Hiệp hội những người sáng tạo VN, để làm một dự án mới là máy bay không người lái, chuyển thể từ chiếc máy bay Giấc Mơ của mình.

Bên Hội hàng không vũ trụ sẽ cung cấp cho tôi bộ điều khiển, còn tôi cải tạo lại chiếc máy bay của mình theo hướng chuyển động cơ từ phía sau ra đằng trước để cân đối lại máy bay, vì không có người ngồi.

{keywords}

Kỹ sư Bùi Hiển bên chiếc máy bay Giấc Mơ

Chi phí thì dự tính cũng không quá tốn kém, vì thực tế không phải sửa nhiều vì động cơ, cánh quạt, đĩa điều khiển vẫn ổn định, chỉ mất nhiều công. Vừa qua, tôi nhận được lời giúp đỡ của một TS bên Pháp, hứa Tết nay sẽ vào, hỗ trợ cho mượn bộ điều khiển để vừa làm, vừa thử nghiệm, như vậy thuận lợi lắm".

Bên cạnh đó, theo ông Hiển, năm mới chỉ mong dự án mới sẽ thành công và sớm được chấp thuận cho bay thử nghiệm, đưa vào áp dụng thực tế. Và được biết, nếu không có người lái thì việc xin bay thử, áp dụng vào trong sản xuất nông nghiệp cũng thuận lợi hơn nhiều.

"Năm 2017, chỉ mong mọi việc sẽ đều suôn sẻ, dự án cũng sẽ thành công như tôi mong muốn", ông Hiển tâm sự.

Chỉ mong nhiều sức khỏe

Cũng chia sẻ đầu năm mới, kỹ sư Phan Bội Trân - cha đẻ của tàu ngầm Yết Kiêu - cho hay: "Trong năm 2017 tôi có rất nhiều dự án cần phải hoàn thiện, mà thời gian thì trôi nhanh quá, chỉ mong 1 ngày nhiều hơn 24h để tôi còn nhiều thời gian để cống hiến.

Hiện tại, tôi đang ký kết các hợp đồng làm một số sản phẩm cho bên Hải quân và Cảnh sát biển, toàn các dự án liên quan đến bảo vệ an ninh quốc phòng cho đất nước.

Tôi chỉ mong mình sẽ hỗ trợ, đóng góp nhiều cho đất nước, nhưng sức tôi thì có hạn, năm tới tôi cũng sẽ nhận lời một số cơ quan nhà nước làm cố vấn cho họ trong sản xuất một số thiết bị".

{keywords}

Kỹ sư Phan Bội Trân

Mặt khác, theo ông Trân, càng nhiều các sản phẩm do VN tự sản xuất nội địa thì càng tốt, có 2 vấn đề: Thứ nhất, nếu mình làm được độc lập rất quan trọng, đi mua sẽ nguy hiểm vì nếu có vấn đề liên quan yếu tố chính trị, họ không bán mình sẽ thụ động. Thứ hai, có những cái chúng ta làm, mà họ không có, nhiều tiền đi mua cũng không có mà mua.

Cái quan trọng nhất, theo vị kỹ sư này, với các nhà khoa học thì vẫn cần sự tự lực, như ông Nguyễn Quốc Hòa (Thái Bình), ông Hiển (Bình Dương) thì cũng phải tự lực về tài chính, chờ nhà nước khó lắm. Tự bản thân mình phải có sự bứt phá, chứ còn đợi thuyết phục được thì khó lắm.

Mong có được một công việc

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Chính (57 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội), cha đẻ của chiếc xe bọc thép “made in Việt Nam” tâm sự: "Năm 2016 là một năm toàn nỗi buồn của tôi, bản thân tôi đã lãng phí quá nhiều tiền bạc vào giấc mơ của mình, mong rằng cống hiến cho nhà nước nhưng không ra kết quả.

Số tiền 2 tỷ đồng chỉ là cái nhìn thấy, còn cái không nhìn thấy thì vô cùng nhiều, bao nhiêu công sức, trí tuệ sao tính được bằng tiền".

Mặt khác, theo ông Chính, khả năng của ông còn nhiều đam mê có thể đóng góp cho đất nước, nhưng chúng ta thì không nhiều chính sách, hỗ trợ cho các nhà sáng chế khoa học chân đất như bản thân ông.

{keywords}

Chiếc xe bọc thép của ông Nguyễn Đình Chính

Ông nói: "Đến nay, tôi đã tháo dỡ hết chiếc xe bọc thép thành sắt vụn, bán cũng chả đáng được bao nhiêu tiền. Nhưng do dồn tiền vào đam mê nên gia đình tôi cũng lâm cảnh khó khăn, để nhìn cũng sốt ruột, nên tháo ra bán được đồng nào bù lại hay được đồng đó.

Còn số tiền tôi đã chót vay, thì tôi cũng đang lo đi xin việc làm để có công việc trang trải nhưng chưa xin được. Tôi cũng đang làm một Công ty nhưng do dồn tiền vào đam mê, hy vọng được công nhận nhưng lại ngược lại, nên tôi đã thất bại, thất bại thực sự".

Mặt khác, theo ông Chính, niềm đam mê với nghiên cứu, sáng chế của mình không thay đổi, hiện ông vẫn mong muốn được xem vấn đề phát điện từ sóng biển, nếu được đầu tư bản thân ông sẽ làm được, còn nếu tự lực kinh tế thì không còn đủ sức.

"Nhưng ở tầm của tôi, tôi chỉ muốn làm những cái lớn, nhiều người bảo tôi sao không đi làm máy nông nghiệp, mỗi người có một đam mê ở một lĩnh vực, tôi chỉ thích những vấn đề có đóng góp cho đất nước.

Tất nhiên tôi không bao giờ mất đam mê về nghiên cứu khoa học, chỉ buồn vì có công trình thì cũng chỉ để đó. Chỉ mong các nhà nghiên cứu, sáng chế chân đất như chúng tôi được quan tâm nhiều hơn, chính sách hỗ trợ nhiều hơn, để có cơ hội phát triển", ông Chính chia sẻ.

(Theo Báo Đất Việt)