Cáo ốm, lặng lẽ đi nước ngoài chữa bệnh rồi bặt tăm, dường như đang trở thành “công thức” khi liên tiếp được các cựu cán bộ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam áp dụng thành công thời gian qua.

Bên cạnh những cái tên quen thuộc như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, danh sách những cựu cán bộ dầu khí trốn ra nước ngoài vừa được bổ sung thêm trường hợp ông Lê Chung Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVPower)

Vắng mặt tại cơ quan từ 21/10 đến nay, ông Lê Chung Dũng “đột nhiên” nổi tiếng, sau khi được Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam cho nghỉ phép, có đơn xin tạm dừng công việc 6 tháng để tham gia khóa học bằng kinh phí cá nhân tại Singapore. Việc học hành cá nhân chưa biết hiệu quả ra sao nhưng người thì mất liên lạc thấy rõ. Mọi nỗ lực liên hệ của cơ quan với ông Dũng đều bất thành.

{keywords}
Vũ Đình Duy

Thông tin ban đầu từ PVPower, ông Dũng trốn có thể liên quan đến những hoạt động khi còn làm việc tại Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC). Trong đó nổi lên là hai dự án khá tai tiếng do PVC làm nhà thầu đang bị phát hiện có nhiều sai phạm là Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ. Việc này cũng đã được cơ quan điều tra thông báo đến Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Có thể nói năm 2016 là năm bất thường đầu tiên trong lịch sử ngành công thương khi lãnh đạo Bộ này phải liên tiếp ra văn bản yêu cầu các đơn vị xử lý nghiêm theo đúng phân cấp quản lý cán bộ và theo các quy chế, quy định hiện hành, đồng thời tăng cường quản lý cán bộ, nhất là các cán bộ có liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Việc chạy theo xử các sai phạm của những cựu cán bộ lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ trong thời gian qua tại Bộ Công Thương cho thấy nhiều lỗ hổng về mặt quản lý nhân sự.

Có thực tế và dường như là kịch bản chung khi hầu hết trường hợp cựu cán bộ từng gây thua lỗ trong quá trình công tác tại PVC (đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) đều được luân chuyển một cách ngoạn mục và nắm giữ những vị trí cao hơn trước khi bỏ trốn, khi có dấu hiệu bị cơ quan chức năng điều tra.

Do việc luân chuyển được tiến hành khá lắt léo bằng cách này hay cách khác nên hầu như các đơn vị mới khi tiếp nhận các đối tượng này đều không nắm rõ được lai lịch. Chỉ khi chuyện xảy ra, các cơ quan trực tiếp quản lý về sau mới “ngã ngửa” khi biết cán bộ dưới quyền đang là đối tượng bị điều tra trong vụ việc nào đó.

Việc các cựu lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước âm thầm trốn ra nước ngoài nhằm thoát tội sẽ chỉ chấm dứt một khi việc quản lý, bổ nhiệm cán bộ tại các đơn vị được thực hiện nghiêm túc. Chỉ chừng nào những “con sâu” yếu kém năng lực nhưng giỏi luồn lách bị loại bỏ và căn bệnh đầu tư hoành tráng bất chấp năng lực, như đã diễn ra tại nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước, được chấn chỉnh, chừng đó “hội chứng” bỏ trốn ra nước ngoài hòng thoát tội mới có thể chấm dứt.

Việc rà soát các công trình lãng phí nghìn tỷ đi kèm với chế tài kiểm soát việc di chuyển của các nhân sự có vấn đề cần thực hiện gắt gao hơn nữa. Chỉ khó đó việc xử lý trách nhiệm kiểu “vuốt đuôi”, như trường hợp Vũ Đình Duy gần đây, mới không còn xảy ra.

(Theo Tiền phong)