Trên 300 công nhân từng gắn bó trên 20 năm với BISUCO hiện đang chạy đôn đáo, cầu cứu nhà chức trách để đòi quyền lợi. 

Ngày 8/5, trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Đồng - Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty BISUCO, cho biết, 327 công nhân của công ty đã nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản đối với BISUCO ra tòa án. “Bắt đầu từ tháng 7-2018, khi chúng tôi nhận được thông báo, nội dung: Giám đốc Công ty CP đường Bình Định thông báo, bố trí cho toàn bộ cán bộ công nhân viên (CB-CNV) được nghỉ phép năm 2018 và nghỉ vụ từ ngày 9-7-2018 cho đến khi có thông báo mới. Từ đó đến nay, 327 CB-CNV đang làm việc cho BISUCO không được trả lương, không được đóng bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp. Tính đến nay, BISUCO còn nợ tiền lương, bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp của 327 CB-CNV lên trên 19 tỷ đồng. Tất cả công nhân đã gắn bó 22 năm với công ty trở nên khốn đốn, đi không được ở chẳng xong…”, Trần Văn Đồng nói.

{keywords}
Trụ sở BISUCO đã bị tòa án niêm phong

Vài năm trở lại đây, cái tên BISUCO cũng làm chính quyền và người dân Bình Định ngán ngẩm. Tháng 6-2018, UBND tỉnh Bình Định từng ra quyết định phạt BISUCO gần 2 tỷ đồng vì xả thải gây ô nhiễm sông Côn. Cuối tháng 4-2019, Cục Thuế Bình Định cũng đã công khai danh sách 210 doanh nghiệp, đơn vị nợ thuế. Trong đó, dẫn đầu danh sách là Công ty BISUCO còn nợ thuế 24,8 tỷ đồng. 

Bà Nguyễn Thị Thống - Chánh văn phòng HĐND và UBND huyện Tây Sơn, ngao ngán: “Suốt 2 năm trời, sự cố ở Công ty CP đường Bình Định làm cho địa phương rất đau đầu. Hết ô nhiễm, nợ mía nông dân, giờ đến không trả lương cho công nhân, nợ ngân hàng, trốn thuế. Liên hệ không được với lãnh đạo người Ấn Độ của công ty này nên mọi chuyện giờ chỉ còn biết trông đợi ở tòa án thôi. Ngoài ra, công ty phá sản cũng kéo theo ngành mía đường của địa phương xuống vực…”.

Ông Nguyễn Mỹ Quang - Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Bình Định, cho biết, từ khi ông chủ người Ấn Độ bỏ trốn về nước, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định không thể liên lạc được. UBND tỉnh Bình Định giao cho Sở Công thương chủ trì phối hợp các sở ngành liên quan tập trung giải quyết tình hình công nhân không có việc làm ở BISUCO. Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã cùng với LĐLĐ cơ sở và công đoàn tại BISUCO hướng dẫn hỗ trợ cho công nhân khởi kiện để đòi lại các quyền lợi cho người lao động. Trước mắt, địa phương đã hướng dẫn người lao động tại BISUCO làm đơn yêu cầu tuyên bố phá sản đối với công ty này ra tòa án. Sau đó, các đơn vị chức năng sẽ hỗ trợ và hướng dẫn công nhân thực hiện những bước tiếp theo. 

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án huyện Tây Sơn, người đứng tên đại diện pháp luật của BISUCO là ông Arunachalam Nandaa Kumar. Ngoài “chạy làng” ở Bình Định, ông chủ người Ấn Độ này cũng đứng tên một doanh nghiệp mía đường khác tại tỉnh Long An. Hiện, BISUCO đang nợ Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered (gọi tắt là SCB Việt Nam) 131,4 tỷ đồng. SCB Việt Nam cũng đang yêu cầu cơ quan thi hành án đối với trụ sở BISUCO tại Bình Định.

(Theo Sài Gòn Giải phóng)