Nữ đại gia kín tiếng

Năm 2013, bà Châu Mộng Như đã thành lập doanh nghiệp của riêng mình - là Công ty TNHH Sea Dragon (nay là CTCP Sea Dragon) có vốn điều lệ 10 tỷ đồng, do bà làm chủ 100%.

Đầu năm 2019, Sea Dragon tăng mạnh vốn gấp 40 lần, từ 30 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng, trong đó ngoài bà Như nắm 90%, ông Tạ Xuân Thắng có 5% và đáng chú ý là Nam vương Việt Nam năm 2010 Lê Khôi Nguyên sở hữu 5% còn lại. Ông Nguyên sinh năm 1990, có cùng địa chỉ thường trú với bà chủ họ Châu.

{keywords}
Khối tài sản nghìn tỷ của á hậu Mộng Như

Từ đầu năm 2018 đến nay, nhóm nhà đầu tư Châu Mộng Như chuyển mạnh sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, thành lập một loạt pháp nhân như CTCP Năng lượng Điện gió Việt Nam Quốc tế, CTCP Năng lượng Asean (vốn 1.200 tỷ đồng), CTCP Năng lượng miền Trung (vốn 1.200 tỷ đồng), CTCP Năng lượng châu Á (vốn 800 tỷ đồng), CTCP Năng lượng Tân Châu, CTCP Năng lượng Xanh HHG.

Tháng 5/2018, ông Tạ Xuân Thắng và hai cá nhân khác thành lập CTCP Năng lượng Tân Châu - chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Tân Châu 1, công suất 50MW, vốn đầu tư hơn 1.075 tỷ đồng tại huyện Tân Châu, Tây Ninh. Tuy nhiên, vào cuối tháng 2/2019, chưa đầy một năm sau hoạt động, các cổ đông đã bán hết phần vốn cho một doanh nghiệp nước ngoài.

Công ty nhà Johnathan Hạnh Nguyễn lãi thấp kỷ lục

Báo cáo tài chính quý I của Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco) ghi nhận doanh thu giảm 28% so với cùng kỳ, đạt hơn 520 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý đầu năm của Sasco giảm hơn 5 lần so với cùng kỳ, đạt chưa đến 16 tỷ đồng. Đây là mức lãi theo quý thấp nhất từ khi công ty đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán vào giữa 2015.

Tổng tài sản tính đến cuối quý I đạt trên 2.260 tỷ đồng, giảm hơn 80 tỷ đồng so với đầu năm. Phần lớn trong số này là tiền gửi kỳ hạn 3-6 tháng và hàng tồn kho. Lũy kế lợi nhuận chưa phân phối hơn 260 tỷ đồng.

{keywords}
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn

Các hoạt động mang về nguồn thu chính như bán hàng miễn thuế, hoạt động phòng chờ... đều sa sút vì sân bay Tân Sơn Nhất vắng khách khi Covid-19 bùng phát.

Sasco mới lấy ý kiến việc tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt đợt hai năm 2019 với tỷ lệ 15%, tức mỗi cổ phiếu nhận 1.500 đồng. Nếu được thông qua, các công ty liên quan đến Chủ tịch HĐQT Johnathan Hạnh Nguyễn sẽ nhận khoảng 90 tỷ đồng.

Ông Bùi Thành Nhơn muốn gom thêm 10 triệu cổ phiếu Novaland

Báo cáo gửi HoSE, ông Bùi Thành Nhơn cho biết vừa mua 5 triệu cổ phiếu NVL bằng phương thức thoả thuận và khớp lệnh, từ ngày 20/3 đến 15/4. Ngay sau thông báo kết quả giao dịch, ông Nhơn tiếp tục đăng ký mua thêm 10 triệu cổ phiếu để đầu tư. Giao dịch dự kiến từ ngày 21/4 đến 20/5.

Theo giá chốt phiên gần nhất cổ phiếu NVL, ước tính ông Nhơn sẽ chi ra gần 520 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch. Nếu thành công, người đứng đầu Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) sẽ sở hữu hơn 216 triệu cổ phiếu, tương ứng 22,28% vốn công ty.

Ông Nhơn đã đăng ký mua cổ phiếu liên tục từ đầu tháng 2, sau khi gửi đơn kêu cứu tới Bộ Xây dựng. Trong hai lần mua trước đó, Chủ tịch Novaland đã có thêm 14,35 triệu cổ phiếu.

Thị giá cổ phiếu NVL tại phiên giao dịch gần nhất là 51.900 đồng, giảm gần 10% so với đầu năm. Trong giai đoạn thị trường biến động mạnh vì Covid-19, NVL là một trong số ít cổ phiếu thuộc rổ VN30 giữ biên độ giảm dưới 10% và chưa thủng đáy.

Con trai bầu Hiển lãi khoảng 270 tỷ đồng

Cú tăng giá thần tốc này giúp con trai của Bầu Hiển, thiếu gia Đỗ Vinh Quang, lọt top khoảng 80 người giàu nhất trên sàn chứng khoán. Với thương vụ mua vào 35,9 triệu cổ phiếu cách đây 2 tháng, con trai Bầu Hiện ước lãi khoảng 500 tỷ đồng.

Trước đó, con trai chủ tịch Ngân hàng SHB Đỗ Quang Hiển đã mua thành công 35,9 triệu cổ phiếu SHB theo phương thức khớp lệnh trên sàn trong khoảng thời gian từ 15/1 đến 3/2. Ông Đỗ Vinh Quang đã chi ra khoảng 270 tỷ đồng cho thương vụ nói trên và tới nay đã lãi khoảng 500 tỷ dồng, bao gồm cả cổ tức, nhưng chưa tính số cổ phiếu mua ưu đãi trước đó.

Liên tục tăng giá trong vài tháng gần đây, cổ phiếu SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội đã vượt xa mức mệnh giá. Tính tới cuối phiên 13/4, cổ phiếu SHB của nhà ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) đã đạt mức 17.800 đồng, so với mức khoảng 5.000 đồng/cp cách đây khoảng 4 tháng.

Như vậy, trong một khoảng thời gian ngắn, cổ phiếu này đã tăng khoảng 3,5 lần, một tốc độ hiếm có trên thị trường chứng khoán.

Công ty Bầu Đức bị khui hàng loạt vấn đề

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2019 được kiểm toán bởi Ernst & Young Việt Nam (E&Y) với kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh.

Cụ thể, trong năm vừa rồi, HAGL ghi nhận doanh thu giảm tới 61% so với năm 2018, đạt 2.075 tỷ đồng, lợi nhuận gộp giảm tới 90%, đạt 228 tỷ đồng. Lỗ trước thuế sau khi kiểm toán là 1.905 tỷ đồng và lỗ sau thuế 1.809 tỷ đồng, lần lượt tăng lỗ so với báo cáo do doanh nghiệp này tự lập là 162 tỷ đồng và 200 tỷ đồng.

{keywords}
Công ty Bầu Đức phải bán lại 

HAGL đã có báo cáo giải trình về sự chênh lệch này. Theo đó, lãnh đạo HAGL cho biết, nguyên nhân chủ yếu do kiểm toán viên đã đề nghị trích thêm chi phí dự phòng liên quan đến hợp đồng hợp tác kinh doanh của công ty con.

Tỷ phú Việt Nam được vinh danh vì đóng góp chống Covid-19

Theo thông tin từ Forbes, tỷ phú Phạm Nhật Vượng của tập đoàn Vingroup đang là cá nhân duy nhất được vinh danh trong cùng bảng vàng.

Hãng tin của Mỹ đã liệt kê những đóng góp của ông và tập đoàn Vingroup trong cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19 tại Việt Nam. Trong tháng 4 này, Vingroup là đơn vị đi tiên phong trong hoạt động sản xuất máy thở xâm nhập nhãn hiệu PB560 đồng thời bắt tay vào nghiên cứu máy thở không xâm nhập dựa theo thiết kế do trường Đại học MIT (Mỹ) chia sẻ cho cộng đồng.

Ngoài hoạt động liên quan đến sản xuất máy thở, Forbes cho biết trước đó Vingroup đã cam kết tài trợ 4,3 triệu USD cho các thiết bị y tế và xét nghiệm thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như ủng hộ cho hoạt động nghiên cứu sản xuất vaccine.

Ngoài ra, Vincom, công ty bán lẻ trong hệ thống Vingroup, cũng phân bổ khoảng 13 triệu USD để hỗ trợ những người thuê nhà bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

FPT của ông Trương Gia Bình tăng trưởng nhờ công nghệ

Công ty FPT (HoSE: FPT) cho biết bị ảnh hưởng nhẹ bởi đại dịch Covid-19 trong quý I. Doanh thu hợp nhất đạt 6.631 tỷ đồng, tăng 17%; lợi nhuận trước thuế 1.142 tỷ đồng, tăng 18,9%. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế tăng từ 16,9% lên 17,2%. Lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 747 tỷ đồng, tăng 19,3%.

Khối công nghệ vẫn chiếm tỷ trọng lớn với 54% tổng doanh thu, mảng viễn thông đóng góp 40%, mảng giáo dục và khác đóng góp 6%. Xét về lợi nhuận, khối viễn thông đóng góp chủ yếu với 447 tỷ đồng, tăng 21,5%.

Khối công nghệ ghi nhận doanh thu tăng 20,5% đạt 3.594 tỷ đồng; lợi nhuận 428 tỷ đồng, tăng 18,7%. Trong đó, hoạt động ở nước ngoài đóng góp 78% doanh thu khối và 44% tổng doanh thu với 2.891 tỷ đồng, tăng 25,5%; lợi nhuận trước thuế 425 tỷ, tăng 29,3%. Tỷ suất lợi nhuận mảng này tăng nhẹ từ 14,3% lên 14,7% nhờ gia tăng giá trị hợp đồng, giá trị dịch vụ. Doanh thu từ chuyển đổi số đạt 729 tỷ, tăng 55% cùng kỳ.

Các thị trường của công ty đều có sự tăng trưởng, như Mỹ tăng 28%, châu Á Thái Bình Dương tăng 59%, Nhật Bản tăng 19% và châu Âu tăng 17%. Thị trường Nhật bản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu nước ngoài với 52%.

Bảo Anh (Tổng hợp)