Quá trình tái cơ cấu Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đang thu hút sự chú ý của thị trường, trong đó có điểm nóng cơ cấu nhân sự cao cấp. Sau khi miễn nhiệm Phó chủ tịch HĐQT ở LienVietPostBank, ông Nguyễn Đức Hưởng là một trong những ứng viên tham gia HĐQT Sacombank. Tuy nhiên, giữa nóng bỏng tái cơ cấu Sacombank, ông Hưởng lại đang lo chuyện trồng macca và đi “giải cứu” thịt heo.

Có mặt tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam tại Lâm Đồng ngày 6/5, nhiều người hỏi ông Hưởng về những thông tin vừa qua, ông chỉ cười đáp: “Tôi đang tập trung làm mắcca, rồi cùng mọi người đi mua thịt heo. Còn chuyện làm ngân hàng, thì cũng đã làm 30 năm nay rồi”.

Ông Hưởng đang cùng với ngân hàng khởi động chương trình “Bữa cơm có thịt heo” tới các trung tâm bảo trợ xã hội, các trường học ở vùng sâu, vùng xa... kéo dài trong 1 năm. Dưới tư vấn của ông ngân hàng cũng đã có gói tín dụng 500 tỷ đồng ưu đãi lãi suất thấp hơn 2%/năm so với thông thường cho các hộ chăn nuôi heo, cùng các nhà máy chế biến thịt đông lạnh

Nói về chuyện làm ngân hàng, ông Hưởng cho biết, chưa xác định cụ thể điểm đến của mình. Vừa qua, dù có được giới thiệu vào danh sách ứng viên Hội đồng Quản trị Sacombank, nhưng cá nhân ông thì vẫn chưa có quyết định chính thức.

“Sacombank là ngân hàng tư nhân lớn, như một chàng trai vạm vỡ, nhưng nay đột ngột ốm. Đấy, thử xem mấy bao thức ăn chăn nuôi kia, người khỏe mạnh và lực lưỡng như Sacombank vốn có dễ dàng hai vai vác hai bao bước phăm phăm. Đó là sức khỏe thực, bản chất và đã tích lũy nhiều năm qua cho đến trưởng thành. Nhưng khi bị ốm, họ cũng cần uống thuốc để khỏe lại”, ông Hưởng nói hình ảnh.

“Bị ốm”, vì từ cuối 2015, Sacombank sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank). Gánh nặng có phần quá sức. Theo phân tích của ông Hưởng, ngân hàng này hiện cần cơ chế hỗ trợ. Như “chàng trai” kia bình thường hai vai vác tốt hai bao thức ăn chăn nuôi, nay bị ốm thì chỉ vác được từng bao một.

{keywords}

“Muốn đàn heo đủ thức ăn để nuôi lớn thì phải có người hỗ trợ chàng trai đó trong lúc ốm chứ. Cho cậu ấy uống thuốc, động viên vác thành hai lần, vẫn đảm bảo vác đủ số lượng, chỉ là thêm thời gian. Chứ còn bị ốm vậy mà bắt vác luôn cả hai bao thì ốm nặng mất”, ông Hưởng đặt vấn đề.

Như từng đề xuất, ông Hưởng cho biết các cấp và đầu mối chức năng đã xem xét việc thông qua và hướng dẫn thực hiện cơ chế hỗ trợ đó. Một là, cho Sacombank được giãn lộ trình thoái lãi dự thu trong vòng 10 năm. Hai là, cho Sacombank được hạch toán chênh lệch giá trị xử lý nợ xấu so với giá trị sổ sách trong 5 năm.

Cả hai cơ chế trên sẽ giúp ngân hàng này trước mắt giảm tải áp lực nợ xấu, chi phí trích lập dự phòng. Giảm tải nhưng không có nghĩa là bỏ sót, mà theo thời gian cho phép để thực hiện đầy đủ liều lượng phải “vác”.

Bớt được những áp lực này, ông Hưởng tin tưởng Sacombank sẽ có ngay điều kiện để đẩy mạnh tái cơ cấu, tránh được rủi ro và nhẹ bước hơn so với hơn một năm qua.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm của người nhiều năm làm ngân hàng, ông cũng cho rằng, cơ chế trên mới chỉ giúp Sacombank hóa giải khoảng 50% khó khăn hiện nay. Để tái cơ cấu thành công và nhanh chóng trở lại, họ phải kích hoạt được chuỗi nguồn lực, thế mạnh hiện có mà ít ngân hàng thương mại khác hội tụ được.

Trong đó, hai yếu tố ông Hưởng nhấn mạnh. Thứ nhất, lãnh đạo, cán bộ nhân viên và cổ đông Sacombank cùng đoàn kết, chung một mục tiêu đưa ngân hàng vượt khó và mạnh lên. Đây là truyền thống vốn có nhưng đang mệt mỏi vì chờ đợi quá lâu và quá nhiều điều… Và yếu tố thứ hai, cần có bộ máy quản trị điều hành ổn định, người đứng đầu giỏi chèo lái và xâu chuỗi được sự đoàn kết đồng lòng của nguồn lực sẵn có đó.

Theo ông Hưởng, nếu không tìm được một thủ lĩnh có nghề ngân hàng tầm cỡ, không có nghề xử lý bất động sản để phá “cục máu đông” nợ xấu tại Sacombank, thì tốt nhất giữ nguyên bộ máy và có cơ chế tháo gỡ thuận lợi để bộ máy phát huy thế mạnh của ngân hàng này.

Ở những yêu cầu trên, ông Hưởng không nhận mình là người phù hợp nhất, vì ông chỉ có nghề ngân hàng, không có nghề bất động sản. Ông chỉ nói rằng, tái cơ cấu ngân hàng không chỉ lợi ích riêng ngân hàng này mà còn cho hệ thống nói chung, và cả cho ổn định kinh tế vĩ mô.

“Vừa qua chúng ta thấy Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu vào cuộc cụ thể, qua dự kiến ổn định và kiện toàn bộ máy Sacombank. Và tôi tin Chính phủ cũng sẽ có những biện pháp xử lý, hỗ trợ hợp lý để làm sao đạt kết quả tốt nhất, nhanh nhất qua tái cơ cấu ở đây. Còn cá nhân tôi, có những lựa chọn và cân nhắc cá nhân, nên lúc này tôi chưa thể nói trước được quyết định cuối cùng”, ông Hưởng nói.

Trinh Hà