Quà tặng ảo có thể chỉ là biểu tượng nhưng tiền là thật. Đó chính là công nghệ giúp Kuaishou Technology - nền tảng phát sóng trực tuyến đối thủ của gã khổng lồ ByteDance - thành công. 

Kuaishou hiện là nền tảng livestream tặng quà ảo lớn nhất thế giới về số lượng người dùng hàng tháng. Công ty này hưởng hoa hồng từ quà tặng mà người hâm mộ gửi cho các streamer. 

Kuaishou - có nghĩa là "nhanh tay" - là một trong những câu chuyện thành công trong ngành Internet lớn nhất tại Trung Quốc thập kỷ qua. Đây là một phần trong thế hệ startup nổi lên nhờ sự đầu tư của gã công nghệ khổng lồ Tencent. Cùng với ByteDance - công ty mẹ của TikTok, Kuaishou đi tiên phong trong mô hình livestream và phát video ngắn mà sau này được nhiều nền tảng đình đám trên thế giới như Facebook học theo.

Công ty này mới đây huy động được 5,4 tỷ USD khi chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại Hồng Kông. Theo Bloomberg, đây là IPO công nghệ lớn nhất thế giới kể từ sau thương vụ của Uber Technologies năm 2019. 

{keywords}
Kuaishou mới đây huy động được 5,4 tỷ USD khi chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại Hồng Kông - Ảnh: Bloomberg

Theo cơ cấu sở hữu được tiết lộ trong cáo bạch của Kuaishou, IPO khủng này đã tạo ra ít nhất 4 tỷ phú với tổng giá trị tài sản 15 tỷ USD. Trong đó, hai người đồng sáng lập Su Hua và Cheng Yixiao mỗi người sở hữu hơn 5,5 tỷ USD. 

Sinh ra tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, Su Hua theo học ngành máy tính tại trường Đại học Thanh Hoa danh tiếng trước khi đầu quân cho Google tại Bắc Kinh năm 2006. Tại đây, anh được trả 23.000 USD/năm, cao gấp 8 lần mức lương trung bình tại Trung Quốc thời điểm đó. Trong bản giới thiệu về lịch sử hình thành Kuaishou, Su cho biết dù "cực kỳ hài lòng" với công việc nhưng thời gian làm việc cho gã công nghệ khổng lồ Mỹ đã thôi thúc anh khởi nghiệp. 

Su, hiện 38 tuổi, bỏ việc tại Google ngay giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu để thành lập công ty quảng cáo video của riêng mình nhưng không mấy thành công. Năm 2011, sau một thời gian ngắn về làm việc cho hãng công nghệ Baidu, Su quen với Cheng và nhanh chóng quyết định hợp tác với nhau để khởi nghiệp. 

Năm 2013, cặp đôi đã biến ứng dụng Kuaishou từ một nền tảng tạo file ảnh định dạng GIF thành một nền tảng chia sẻ video như ngày nay, ban đầu thu hút sự chú ý nhờ các video về cuộc sống nông thôn tại Trung Quốc. 

Khi Douyin, ứng dụng anh em của TikTok bắt đầu nổi lên, Kuaishou cũng bắt đầu gia tăng sức hút khi thu hút nhiều người có tầm ảnh hưởng được hỗ trợ bởi các trung tâm tìm kiếm tài năng cũng như những ngôi sao âm nhạc như Jay Chou của Đài Loan. Bên cạnh đó, họ cũng đẩy mạnh kiếm tiền bằng việc tạo ra các vị trí quảng cáo và gian hàng cho các thương hiệu và nhà cung cấp ngay trong ứng dụng, 

Hiện tại, hoạt động tặng quà ảo vẫn mang lại nguồn thu chính của Kuaishou (chiếm gần 2/3 doanh thu), nhưng công ty cũng bắt đầu triển khai sâu hơn các mảng kinh doanh mang lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn như thương mại điện tử và game trực tuyến. Trong 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu của công ty đã tăng gần 50% lên 40,7 tỷ Nhân dân tệ. 

Trung bình, người dùng dành gần 90 phút mỗi ngày để xem các video trên Kuaishou và khoảng 25% người dùng hàng tháng trên nền tảng này cũng sáng tạo nội dung. 

Tuy nhiên, Kuaishou đang đối mặt với hàng loạt đối thủ như Joyy Inc. and Momo Inc. - sản phẩm phẩm của gã khổng lồ Tencent, cũng như đối thủ lớn Douyin - với 600 triệu người dùng hàng ngày, gấp đôi của Kuaishou. 

Kuaishou cũng phải đối mặt với đợt siết chặt quản lý đối với hoạt động livestream của nhà chức trách Trung Quốc. Tháng 11/2020, cơ quan chức năng của nước này cho biết sẽ yêu cầu các streamer và người tặng quà cho họ phải đăng ký bằng tên thật, cấm trẻ vị thành niên tặng quà, đồng thời yêu cầu các nền tảng giới hạn giá trị quà tặng ảo. 

Mặc dù vậy, các nhà đầu tư đang đổ xô vào cổ phiếu Kuaishou - sẽ bắt đầu giao dịch từ ngày 5/2. Theo IFR, tỷ lệ nhà đầu tư bán lẻ trong IPO của công ty này đạt mức cao nhất từ trước tới nay. 

(Theo VnEconomy)