Tỷ phú lần đầu chia sẻ cách đọc sách

Theo Tuổi Trẻ, là một người bận rộn, tỷ phú đô la của Việt Nam Phạm Nhật Vượng cho biết, cách đọc sách của ông cũng rất khác. Ông không đọc toàn bộ cuốn sách mà xem mục lục, chọn mục hay để đọc. Chỗ nào không hiểu hoặc thấy quan trọng ông có thể đọc đi đọc lại vài ba lần.

Ông Vượng tiết lộ, một trong những cuốn sách mà ông đã từng tặng cho các cán bộ của mình đọc, cũng như đã mang ra giảng nhiều lần cho nhân viên, là cuốn "Từ tốt đến vĩ đại" (Good to Great) của tác giả Jim Collins, một chuyên gia tư vấn quản lý tài năng và từng giảng dạy tại trường Stanford Business School. Sở dĩ cuốn sách này được ông Vượng yêu thích là bởi trong đó có tinh thần kỷ luật, tư tưởng kỷ luật, đây gần như trở thành văn hóa của Vingroup. 

{keywords}
Cuốn sách ông Vượng tâm đắc

Ông Vượng là người đọc sách rất nhiều nhưng sở thích thay đổi theo thời gian. Khi còn nhỏ, ông thích đọc sách lịch sử và thuộc hết sử sách nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê. Lên đại học, ông thích đọc tiểu thuyết. Giờ đây, khi đã vào top 300 người giàu nhất hành tinh, ông thích đọc sách về quản trị, công nghệ, những cuốn sách tổng kết về công nghệ, xu hướng công nghệ...

Đại gia lộ diện dẫn đầu nhóm An Quý Hưng

Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Cotana Group chính là đại diện nhóm cổ đông An Quý Hưng, công ty nắm giữ trên 57% vốn điều lệ của Vinaconex.

Ông Đào Ngọc Thanh (sinh năm 1946) đã và đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Cotana Group. Tại đây, ông Thanh hiện đang nắm giữ 1.745.968 cổ phiếu CSC của Cotana Group, tương đương 17,46% vốn điều lệ. Trong khi đó, con gái ông Thanh là Đào Thu Thủy, phó Chủ tịch HĐQT nắm giữ khoảng 890.878 cổ phiếu, tương ứng 4,45% vốn tại Cotana Group.

Như vậy, tổng số lượng cổ phiếu CSC của 2 cha con ông Thanh đang nắm giữ chiếm gần 22% vốn tại Cotana Group

Cotana Group tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thành Nam được thành lập từ năm 1993 và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng. Những dự án đầu tiên của Thành Nam chỉ là các công trình thi công xây dựng quy mô nhỏ. Thế nhưng, sau hơn 20 năm hoạt động, vào năm 2017, công ty đã quyết định tái định vị hình ảnh công ty bằng cái tên mới "Công ty Cổ phần Tập đoàn Cotana".

Đại gia Bùi Thành Nhơn gặp khó

Chỉ trong một phiên giao dịch, vốn hóa của Novaland của ông Bùi Thành Nhơn tụt giảm 4.000 tỷ đồng, trong khi túi tiền quy ra từ cổ phiếu của bản thân ông trùm bất động sản phía Nam này giảm khoảng 800 tỷ đồng.

Phiên bán tháo diễn ra trong bối cảnh TP.HCM tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất để làm nhà ở đối với 7 khu đất có vị trí đắc địa thuộc quận Phú Nhuận, đang được Tập đoàn Novaland triển khai dự án.

Thông tin này lập tức lấn át một loạt các thông tin khác mà Novaland công bố, như: tăng vốn điều lệ, góp vốn thêm hơn 2,5 ngàn tỷ đồng vào Công ty TNHH No Va Thảo Điền,...

Trong một thông cáo báo chí phát ra hôm 8/1, Novaland của ông Bùi Thành Nhơn kiến nghị TP.HCM “xem xét lại về việc tạm dừng thực hiện các Quyết định chuyển mục đích sử dụng đất của 7 khu đất nêu trên, đồng thời nhanh chóng giúp tháo gỡ các vướng mắc đang gây hoang mang, bức xúc cho người dân... ; bên cạnh đó, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư”.

{keywords}
Đại gia gặp khó

Trần Bá Dương hào phóng khoản thưởng 400 tỷ

CTCP Ô tô Trường Hải - Thaco (THA) của tỷ phú USD Trần Bá Dương vừa thông qua phương án phát hành gần 6,7 triệu cổ phiếu ESOP theo chương trình lựa chọn cho người lao động.

Theo đó, những người lao động có thâm niên làm việc từ 3 năm trở lên và vẫn còn là người lao động tại công ty đến thời điểm phát hành nằm trong số những người được lựa chọn mua cổ phiếu ESOP của Thaco Trường Hải.

Số cổ phiếu ESOP này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Dự kiến sau phát hành Trường Hải Thaco sẽ tăng vốn điều lệ từ 16.580 tỷ đồng hiện nay lên gần 16.647 tỷ đồng.

Số cổ phiếu ESOP có giá trị phát hành theo mệnh giá gần 67 tỷ đồng (10.000 đồng/cp) và có giá trị khoảng 400 tỷ đồng nếu tính theo giá trên thị trường OTC.

Ông Trần Bá Dương được xem là một tỷ phú USD thực thụ, đang sở hữu tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam, có hoạt động sản xuất kinh doanh đa dạng.

Hiện tại, Thaco có 1,658 tỷ cổ phiếu THA, tương ứng với vốn điều lên gần 16,58 ngàn tỷ đồng. Với mức giá trên OTC khá cao khoảng 60 ngàn đồng/cp, vốn hóa thị trường của Thaco đạt 4,3 tỷ USD. Ông Trần Bá Dương cùng vợ từng trực tiếp và gián tiếp nắm giữ hơn 65% doanh nghiệp này.

Vợ chồng Bầu Kiên rút lui

Một nội dung quan trọng tại đại hội của Vietbank là việc xem xét tờ trình miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với bà Đặng Ngọc Lan, vợ ông Nguyễn Đức Kiên (thường được gọi là Bầu Kiên), theo nguyện vọng cá nhân.

Trước khi VietBank công bố thông tin bà Đặng Ngọc Lan nộp đơn từ nhiệm, ông Nguyễn Đức Kiên cũng đã thoái toàn bộ 6.613.200 cổ phần VBB quy mệnh giá 10.000 đồng/cp (tương đương 2,035% vốn) tại Ngân hàng VietBank.

{keywords}
Vợ chồng Bầu Kiên

Bố mẹ của bà Đặng Ngọc Lan cũng đã bán phần lớn cổ phần tại VietBank. Tính đến 4/1/2019, ông Đặng Công Minh (bố bà Lan) chỉ còn nắm giữ 300.000 cổ phần VBB (mệnh giá 10.000 đồng), tương đương 0,073% vốn. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh (mẹ bà Lan) còn nắm giữ 700.000 cổ phần VBB, tương đương 0,171%.

Như vậy, tính tới hết 4/1/2019, chỉ còn bà Đặng Ngọc Lan là người trong gia đình Bầu Kiên hiện còn sở hữu lượng cổ phần VBB khá lớn: gần 15 triệu cổ phần tại VietBank, tương đương hơn 4,6% vốn điều lệ.

VinHomes bổ nhiệm Phó TGĐ thường trực

Ngày 10/1, Hội đồng quản trị CTCP VinHomes đã bổ nhiệm bà Đào Thị Thiên Hương vào vị trí Phó tổng giám đốc thường trực thay cho ông Phạm Thiếu Hoa. Ông Phạm Thiếu Hoa vẫn tiếp tục giữ vị trí Phó tổng giám đốc Phát triển dự án của VinHomes.

Bà Đào Thị Thiên Hương sinh năm 1978, trước đó là Phó Tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp tại Công ty PwC Vietnam.

Bà Thiên Hương tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành Tài chính tại Đại học Kinh tế TP HCM và có bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) của trường Đại học Kentucky (Mỹ).

Lãnh đạo thứ hai của PVEP bị bắt

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Vũ Thị Ngọc Lan, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.

Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định: thời điểm năm 2012-2014, bà Lan đã lạm dụng chức vụ Phó tổng giám đốc PVEP, nhận hàng tỷ đồng tiền chi lãi ngoài từ Ngân hàng TPCP Đại Dương (Oceanbank), sau đó chiếm đoạt số tiền này.

Bà Lan là lãnh đạo thứ hai của PVEP bị bắt do nhận lãi ngoài. Trước đó, nguyên Tổng giám đốc công ty này là ông Đỗ Văn Khạnh cũng bị bắt về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Kỷ luật cảnh cáo ông Lê Tấn Hùng

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM thông báo đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV.
Thời gian qua, trên cơ sở kết luận của Thanh tra TP.HCM và các quyết định của Chủ tịch UBND TP, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy chỉ đạo các tổ chức đảng có liên quan kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật về Đảng đối với cá nhân là cán bộ của tổng công ty.

Các cán bộ này đã vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật kế toán trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hạch toán và quyết toán kinh phí hợp đồng tham quan, học tập cho cán bộ công nhân viên trong năm 2016, 2017.

Trước đó, UBND TP.HCM đã có quyết định kỷ luật đối với ông Lê Tấn Hùng bằng hình thức cảnh cáo vì đã có hành vi vi phạm nghiêm trọng về nguyên tắc kế toán. Quyết định này thay thế Quyết định 858 ngày 5/3/2018 với hình thức khiển trách  đối với ông Lê Tấn Hùng của UBND TP.HCM trước đó.

Bảo Anh (Tổng hợp)