Đối xử bằng tấm lòng, nhận lại bằng tấm lòng

13 năm gắn bó với Công ty TNHH Datalogic Việt Nam - một doanh nghiệp FDI của Ý, Tổng giám đốc Trần Tiến Phát cho rằng, 4 tháng qua tại TP.HCM là thời gian căng thẳng nhất đối với lãnh đạo DN khi phải đương đầu với những vấn đề chưa từng gặp. Đặc biệt, bài toán đảm bảo cuộc sống an toàn và duy trì sản xuất cho hơn 500 cán bộ công nhân viên.

Theo đại diện Datalogic, thực hiện “3 tại chỗ” tốn chi phí không hề nhỏ. Lao động làm tăng ca được chi trả cao hơn mức quy định, đi kèm là dinh dưỡng ăn uống và sức khỏe. Việc xét nghiệm tổ chức định kỳ, cần thiết có đội ngũ bác sỹ bên ngoài vào thăm khám cho công nhân.

Tuy không phải là DN có mức trả thù lao cao cho người lao động “3 tại chỗ”, nhưng chính chủ trương đặt sức khỏe nhân sự lên hàng đầu, sau đó mới đến doanh số và hoạt động sản xuất đã giúp DN có đội ngũ nhân lực hàng trăm người cùng đồng hành đi qua chuỗi ngày giãn cách.

{keywords}
Ông Trần Tiến Phát và các nhân viên năm 2019 (ảnh: Datalogic)

“Hàng tuần, chúng tôi lắng nghe từng chia sẻ về khó khăn của công nhân khi làm '3 tại chỗ'. Điều gì đúng thì giải quyết, điều gì không đúng sẽ giải thích. Tôi nghĩ thù lao không phải vấn đề quyết định, hãy đối xử với người lao động bằng tấm lòng và họ sẽ đáp lại bằng tấm lòng”, vị tổng giám đốc nhớ lại.

Còn CEO của Đại Phúc Land, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, nhận định, quan trọng là hàng trăm nhân sự, người lao động phải đảm bảo cuộc sống, chế độ lương bổng, phúc lợi. Trong 4 tháng giãn cách xã hội, 2 tháng đầu người lao động của DN được trả 100% lương, 2 tháng sau có điều chỉnh giảm nhẹ. Dù nhân viên làm việc tại nhà, công ty vẫn duy trì chế độ như vậy để họ yên tâm gắn bó với DN.

Dịch bệnh làm xáo trộn mọi kế hoạch kinh doanh trong năm. Bà Hương khẳng định, ngoài việc chống chịu tác động của dịch bệnh khi doanh thu bị giảm sâu, DN vẫn phải vận hành hoạt động, duy trì, bảo toàn lực lượng cũng như bảo toàn thành quả đã gây dựng cả chục năm qua.

“Đây là biến cố mang tính lịch sử, không chỉ với Việt Nam mà cả các quốc gia khác. Điều quan trọng của mỗi doanh nhân khi chèo lái doanh nghiệp là tâm thế đối mặt với dịch bệnh, chấp nhận và có giải pháp ứng phó linh hoạt với tình huống bất khả kháng này”, nữ CEO nói.

{keywords}
CEO Nguyễn Thị Thanh Hương (ảnh: NVCC)

Có lũ thì phù sa mới về

Trung tuần tháng 7/2021, giá thành nguyên liệu và chi phí sản xuất tăng cao do giãn cách xã hội, ảnh hưởng tới các DN kinh doanh trứng gia cầm dẫn đến tình trạng thua lỗ. Sở Công Thương TP.HCM khi đó đồng ý với chủ trương cho tăng giá trứng cung ứng ra thị trường.

Tuy nhiên, bà Phạm Thị Huân - Tổng giám đốc Công ty Ba Huân, không đồng ý. Bà khẳng định, các DN bình ổn đóng vai trò giải cứu thị trường, nếu tăng giá theo kiểu “tát nước theo mưa” sẽ gây biến động và làm mất tính nhân văn của chương trình bình ổn. Hai lần bà Huân xua tay từ chối đề nghị nâng giá từ phía Sở, với lý do dân nghèo mới xài trứng.

DN này tiếp tục bán với giá dưới giá thành, chấp nhận lỗ. Đây là cũng là hình thức để người dân hỗ trợ ngược lại DN tiêu thụ sản phẩm trong thời gian cao điểm giãn cách xã hội.

“Kinh doanh là cả một đời người chứ đâu phải mỗi giai đoạn này. Sinh mạng con người mới quan trọng, còn người chúng ta sẽ khôi phục dần kinh tế. Dẫu rằng, khó khăn khi đại dịch ập đến là điều tất cả doanh nghiệp, doanh nhân đều gặp phải. Nhưng, có lũ thì phù sa mới về, sau lũ phù sa đến với mình. Các doanh nhân sẽ tìm cách khắc phục, khi giữ được sức khỏe thì những rào cản khác rồi cũng vượt qua”, bà Huân nêu quan điểm.

{keywords}
Bà Phạm Thị Huân - bà Ba Huân (ảnh: NVCC)

Nữ tướng ngành trứng ủng hộ người dân bằng cách giảm giá thì anh Nguyễn Hoài Thanh - chủ của chuỗi tiệm cắt tóc Đông Tây Barber Shop - lại quyết định cho nhân viên vào tình nguyện cắt tóc miễn phí tại các khu cách ly và bệnh viện dã chiến cho lực lượng y bác sỹ tuyến đầu và các đơn vị có nhu cầu. Tổng cộng, có 45 đơn vị trên địa bàn TP.HCM, với khoảng 20.000 lượt người được các nhân viên của anh Thanh cắt tóc từ ngày 20/7 tới nay. Công việc này vẫn đang được tiếp tục.

Tình nguyện đi cắt tóc vùng dịch tuy nguy hiểm, nhưng các nhân viên của DN vẫn xung phong và đều đã chuẩn bị phương án an toàn về sức khỏe dự phòng cũng như phương án cách ly.

Theo anh Thanh, các doanh nhân đã cố gắng duy trì DN theo mỗi góc độ khác nhau. Sự “lỳ lợm” khiến nhiều người không muốn nhân viên thất nghiệp và phải đảm bảo đời sống thu nhập cho nhân sự. Còn ai có điều kiện, có thể góp sức lực thì sẽ đóng góp để TP chóng quay lại chuỗi ngày bình yên.

“Chỉ có một từ để nói với giới doanh nhân lúc này thôi. Từ 'gồng'. Không có thêm từ nào để nói về những tháng ngày giãn cách đã qua của người các chủ doanh nghiệp”, anh nói.

{keywords}
Doanh nhân trẻ Nguyễn Hoài Thanh
Bà Phạm Thị Huân: "Dẫu rằng, khó khăn khi đại dịch ập đến là điều tất cả doanh nghiệp, doanh nhân đều gặp phải. Nhưng, có lũ thì phù sa mới về, sau lũ phù sa đến với mình".

Ông Trần Tiến Phát: “Đây thực sự là một giai đoạn không thể quên trong sự nghiệp của những doanh nhân như chúng tôi. Doanh nhân dám đương đầu, dám chịu trách nhiệm và tuân thủ. Khi diễn biến dịch liên tục thay đổi đi kèm với đó là các chỉ đạo, giới doanh nhân phải đương đầu tìm phương án phù hợp”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương: "Tôi chọn từ “thích ứng” để miêu tả về giới doanh nhân tại tâm dịch TP.HCM và khu vực phía Nam. Vì khả năng chống chịu, ứng phó của họ với diễn biến dịch và thị trường". 

Bà Trần Kim Nga - Giám đốc Đối ngoại MM Mega Market: "Giới doanh nhân và các doanh nghiệp đã và đang trải qua thời kỳ dịch bệnh chưa từng xảy ra trong lịch sử. Với ý chí không gì là không thể, quyết trụ vững, cùng tinh thần đồng lòng của người lao động, sức bật và sự bền bì sẽ giúp chúng ta lấy lại đà phát triển mạnh mẽ hơn".

Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM: “Ngày tháng qua phải nói là những thách thức, khó khăn chưa từng có với người dân và với doanh nghiệp, cộng đồng doanh nhân. Nhiều mất mát, đau thương, sự tổn thất không thể nào ghi nhận hết được. Tôi mong các doanh nhân hãy coi đó là những ký ức của lịch sử mà chúng ta đã trải qua. Lúc này phải tiếp tục nhìn về phía trước, hướng tới tương lai, cùng đoàn kết và không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Trần Chung 

Một trận 'đạn pháo' và giấc mơ 1,3-1,5 triệu DN vào năm 2025

Một trận 'đạn pháo' và giấc mơ 1,3-1,5 triệu DN vào năm 2025

Mục tiêu 1,3-1,5 triệu DN vào 2025 liệu có thành hiện thực, khi MTKD còn nhiều cản trở và Covid-19 như một trận 'đạn pháo' khiến cho DN bị tổn thương nặng. Để DN không nản lòng cần một chương trình phục hồi và cải cách mạnh mẽ.

Đừng  để doanh nhân ngồi dự bị, làm khán giả xem 'phục hồi kinh tế'

Đừng để doanh nhân ngồi dự bị, làm khán giả xem 'phục hồi kinh tế'

Các doanh nhân cho rằng, cơ quan  quản lý nhà nước vẫn chưa nhận thấy tổn thất của DN chính là tổn thất của địa phương. Tư duy xin cho, ngăn cấm và sợ trách nhiệm trong mùa dịch vẫn còn.