Vụ việc biệt thự của gia đình ông Trần Văn Khắp (ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) nghi bị nã đạn đang gây xôn xao dư luận.

Theo đó, trưa 14/12, gia đình ông Khắp đang nghỉ trưa, có người dùng súng bắn vào cửa sổ tầng 2 ngôi biệt thự. Cửa sổ làm bằng kính cường lực, dày nên viên đạn không xuyên thấu. Nhưng do bị trúng đạn nên kính cường lực bị biến dạng, rạn nứt như hình mắt lưới. Ngôi biệt thự gần 1.500m2 có nhiều phòng, chỉ có 2 phòng là có người ở thường xuyên. Phòng bị trúng đạn là phòng của con ông Khắp ở.

Liên quan đến vụ việc, bước đầu công an nghi vấn do người bắn chim gây nên.

{keywords}
Ngôi biệt thư của ông Khắp (Ảnh: Sông Ngư)

 

{keywords}
Vết nứt trên cửa sổ căn biệt thự của ông Khắp. (Ảnh: Sông Ngư)

Tuy nhiên, ông Khắp không tin đạn từ người bắn chim lạc vào ngôi biệt thự của gia đình, bởi dấu đạn để lại cho thấy nó đi theo phương nằm ngang.

Đại gia này cho biết, gần đây, ông đã giao các công việc kinh doanh của gia đình lại cho người khác, bản thân ông dành thời gian đi du lịch và nghỉ ngơi.

Theo ông Khắp, cuộc sống gia đình gần đây không có dấu hiệu lạ nào từ bên ngoài tác động. Trong công việc kinh doanh, cũng có những đối thủ ganh ghét nhưng không tới mức có thể hành động đe dọa tới tính mạng.

Ông Khắp là đại gia có tiếng nơi cửa biển Sông Đốc - cửa biển được xem là sầm uất nhất tỉnh Cà Mau. Ở đây, ông Khắp là một trong những người giàu có, sở hữu ngôi biệt thự hàng chục tỷ đồng.

{keywords}
Ông Trần Văn Khắp. (Ảnh: Tiền Phong)

Theo Cổng thông tin điện tử Cà Mau, ông Trần Văn Khắp được mệnh danh là “Nhà cua học”. Sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu, ông đã thành công trong việc cho cua biển sinh sản nhân tạo, mở ra triển vọng cho nghề nuôi cua giống, cua thương phẩm ở Cà Mau và cả nước.

Trước khi trở thành “Nhà cua học”, ông Khắp từng đến vùng Bãi Bồi Mũi Cà Mau để cùng ăn, cùng ở với ngư dân dày dạn kinh nghiệm nơi xứ này để tìm hiểu về tập tính, đặc điểm của cua sinh sản ngoài thiên nhiên trước khi đem về ươm tại trại giống. Theo ông Tư Khắp, cua giống mẹ tốt nhất chỉ có ở vùng biển Bãi Bồi Mũi Cà Mau.

Sau một thời gian nghiên cứu, năm 2004, ông Khắp bắt tay vào thực hiện mô hình cho cua biển sinh sản nhân tạo để cung cấp cua giống cho nông dân trong và ngoài tỉnh. Lúc đầu, ông Khắp chỉ thí điểm 20 bể nuôi. Mẻ cua giống đầu tiên của ông Khắp bán được gần hơn 300 triệu đồng.

{keywords}
 Ông Khắp kiểm tra cua mẹ trước khi cho vào bể sinh sản nhân tạo. (Ảnh: Huỳnh Lâm).

Đến nay, trại cua giống của ông đã phát triển gần 300 bể ươm. Trong sản xuất cua giống, quy trình sản xuất được ông Khắp kiểm tra nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn và chất lượng khoa học. Nhờ đạt năng suất, sản lượng cao và chất lượng cua giống tốt nên mỗi năm ông Khắp thu lợi nhuận gần 10 tỷ đồng.

Ngoài việc bán con giống cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh để thả nuôi, mỗi năm, ông Khắp còn tặng cho các ngành chức năng hàng chục ngàn cua giống thả ra sông, biển nhằm tái tạo nguồn lợi cua thiên nhiên.

Hiện ông Khắp đã rất thành công với thương hiệu Kiều Oanh. Cua giống Kiều Oanh được công nhận là nhãn hiệu độc quyền, thương hiệu nổi tiếng quốc gia năm 2004. Bản thân ông Tư Khắp đạt nhiều giải thưởng cao quý khác như “Doanh nhân Văn hóa”, “Doanh nhân xuất sắc Đất Việt”, “giải thưởng toàn quốc vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn”.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)