Năm 2019 đã khép lại thập niên nhiều biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu như 10 năm trước, toàn thị trường không có doanh nhân nào được Tạp chí Forbes thống kê sở hữu khối tài sản tỷ USD, đến nay, số đại gia Việt xuất hiện trong danh sách này đã là 6 người. Hiện tại, 5/6 doanh nhân này vẫn đang duy trì được khối tài sản trên 1 tỷ USD.

Top 10 người giàu nhất thị trường thay đổi thế nào?

Năm 2009 tiếp nối đà suy giảm của thị trường chứng khoán sau giai đoạn “vỡ bong bóng” 2007-2008 khiến VN-Index rơi từ mốc gần 1.200 điểm xuống dưới 300 điểm.

Tại thời điểm này, hai doanh nhân giàu nhất thị trường chứng khoán là ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Kinh Bắc (KBC) và ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn HAGL (HAG).

Khối tài sản của hai vị đại gia này sở hữu khi đó là hơn 9.000 tỷ, toàn bộ đều đến từ lượng cổ phiếu nắm giữ tại doanh nghiệp trên sàn chứng khoán.

Đây cũng là thời điểm cổ phiếu KBC vẫn ở giai đoạn “hoàng kim” nên 3/10 người giàu nhất thị trường khi đó đều là người nhà của ông Đặng Thành Tâm.

Danh sách 10 người giàu nhất thị trường khi đó còn có sự hiện diện của nhiều ông, bà chủ doanh nghiệp như ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen (HSG), bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch Vĩnh Hoàn (VHC), hay ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Chứng khoán SSI (SSI)…

Top 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán năm 2009 và 2019:

Vị trí

Năm 2009

Năm 2019

    Tài sản (tỷ đồng) Tài sản (tỷ đồng)  
1 Đặng Thành Tâm 9.660 214.500 Phạm Nhật Vượng
2 Đoàn Nguyên Đức 9.240 30.000 Nguyễn Thị Phương Thảo
3 Phạm Nhật Vượng 8.360 20.500 Trịnh Văn Quyết
4 Trần Đình Long 2.620 17.400 Phạm Thu Hương
5 Nguyễn Thị Kim Xuân 2.100 16.500 Trần Đình Long
6 Đặng Thị Hoàng Phượng 1.340 14.900 Hồ Hùng Anh
7 Phạm Thu Hương 1.210 14.500 Nguyễn Đăng Quang
8 Lê Phước Vũ 1.010 11.600 Phạm Thúy Hằng
9 Trương Thị Lệ Khanh 1.000 11.400 Bùi Thành Nhơn
10 Nguyễn Duy Hưng 998 8.400 Hồ Xuân Năng

Danh sách những người giàu nhất thị trường năm 2009 cũng đã ghi nhận vợ chồng ông Phạm Nhật Vượng và Phạm Thu Hương với khối tài sản lần lượt 8.300 tỷ và 1.200 tỷ, xếp thứ 3 và 7. Khi đó, Tập đoàn Vingroup vẫn có tên là Công ty CP Vincom và chưa được hợp nhất với Công ty Vinpearl.

Ngoài ra, với lượng lớn vốn nắm giữ tại Tập đoàn Hòa Phát (HPG) khi đó, ông Trần Đình Long cũng xếp thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất thị trường với khối tài sản hơn 2.600 tỷ.

Sau 10 năm, 3 vị doanh nhân nói trên cũng là những người duy trì được vị thế của mình trên thị trường chứng khoán Việt. Ngược lại, 7/10 cái tên còn lại đã rót khỏi top 10.

Người giàu nhất năm 2009 chỉ xếp thứ 10 năm 2019

Xét về tổng tài sản, danh sách 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán năm 2009 sở hữu khối tài sản khoảng 37.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền chỉ tương đương 1/10 so với tổng tài sản của top 10 hiện tại, đạt xấp xỉ 360.000 tỷ. Tổng tài sản của top 10 người năm 2009 cũng chỉ đủ xếp thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất năm 2019.

Ngoài ra, khối tài sản hơn 9.600 tỷ đồng của ông Đặng Thành Tâm nếu duy trì đến nay cũng chỉ giúp ông chủ Tổng công ty Kinh Bắc đứng thứ 10 trong nhóm những người giàu nhất thị trường.

Đến hết năm 2019, với khối tài sản hơn 214.500 tỷ trên thị trường chứng khoán (toàn bộ đến từ giá trị cổ phiếu VIC nắm giữ trực tiếp và gián tiếp) ông Phạm Nhật Vượng là người giàu nhất Việt Nam. Khối tài sản của ông Vượng còn nhiều hơn cả 9 người trong danh sách cộng lại (145.000 tỷ).

Buc tranh dai gia Viet thay doi ra sao mot thap nien qua? hinh anh 1 10_NGUOI_GIAU_NHAT_THI_TRUONG_CHUNG_KHOAN_zing.jpg
 

Tổng tài sản của vị trí số 1 năm 2019 cũng gấp tới 22 lần so với tài sản của người giàu nhất năm 2009. Trong khi đó, 3 vị doanh nhân từ năm 2009 còn trong danh sách người giàu đến nay đã gia tăng gấp hàng chục lần khối tài sản của mình so với 10 năm trước.

Tổng tài sản của vợ chồng ông Vượng sở hữu đã tăng 24 lần, còn tài sản do ông Trần Đình Long sở hữu cũng đã tăng 6 lần sau 10 năm.

Ngoài ra, sau 10 năm vận động của thị trường chứng khoán Việt, ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn niêm yết trên thị trường chứng khoán đã giúp nhiều doanh nhân mới có tên trong danh sách người giàu như bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO hãng hàng không Vietjet, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC, ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank, hay ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan…

Những người giàu nhất 10 năm trước giờ ra sao?

Những người giàu nhất thị trường hiện nay đều là ông, bà chủ các doanh nghiệp làm ăn có lãi nhất trên thị trường. Trong khi đó, nhiều doanh nhân từng thuộc nhóm giàu nhất Việt Nam đến nay lại phải chật vật trong nợ nần.

Đáng chú ý nhất là ông chủ Tập đoàn HAGL, bầu Đức từng liên tục nằm trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam trước năm 2016. Đến nay, ông bầu phố núi đã tụt xuống vị trí thứ 51 với khối tài sản hơn 1.300 tỷ đồng.

Ở giai đoạn “hoàng kim”, bầu Đức nắm phần lớn vốn tại HAGL. Mỗi năm ông bầu phố núi thu về xấp xỉ 1.000 tỷ từ kết quả lãi ròng của công ty. Tập đoàn này còn là doanh nghiệp Việt có hoạt động lớn nhất tại 3 nước Đông Dương với hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, việc mở rộng nhiều mảng kinh doanh khiến HAGL vướng vào các khoản nợ hơn 30.000 tỷ đồng từ năm 2016.

Để cân đối tài chính, bầu Đức phải bán đi hàng loạt khoản đầu tư tại các công ty con. Trong đó, HAGL đã bán đứt mảng bất động sản, mía đường, thủy điện, rút chân khỏi mảng chăn nuôi bò, trồng bắp, cọ dầu và bán nhiều công ty con lĩnh vực cao su.

Buc tranh dai gia Viet thay doi ra sao mot thap nien qua? hinh anh 2 bau_duc.jpg

Trước khi gặp khó khăn từ năm 2016, bầu Đức luôn nằm trong top 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt. Ảnh: Nguyễn Đăng.

Hiện tại, hoạt động của HAGL tập trung chính vào nông nghiệp thông qua HAGL Agrico. Tuy nhiên, bầu Đức cũng đã phải bán hơn 35% vốn tại công ty nông nghiệp này cho Thaco để có tiền cơ cấu nợ. So với cuối năm 2009, thị giá cổ phiếu HAG hiện chỉ tương đương 1/10, với giá giao dịch trên dưới 4.000 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, ông Đặng Thành Tâm - người giàu nhất năm 2009 hiện chỉ xếp thứ 52 với khối tài sản 1.300 tỷ. Tổng công ty Kinh Bắc từng là nguồn đóng góp chính vào tài sản của ông Tâm với lợi nhuận hơn 1.000 tỷ mỗi năm. Ở thời điểm đỉnh cao, "đế chế" của vị đại gia này đã mở rộng hoạt động ra nhiều lĩnh vực như ngân hàng, viễn thông, bất động sản, năng lượng...

Tuy nhiên, việc gia tăng vay nợ khiến hoạt động của công ty gặp khó khăn giai đoạn 2011-2012, đỉnh điểm là khoản lỗ ròng gần 500 tỷ năm 2012 đã khiến cổ phiếu này rơi từ vùng giá 40.000 đồng xuống 10.000 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là giai đoạn ông Tâm phải rút lui khỏi 2 nhà băng Navibank và Western Bank.

Một đại gia khác trong top 10 năm 2009 cũng đang gặp nhiều khó khăn vì nợ là ông Lê Phước Vũ, chủ sở hữu “vua tôn” Hoa Sen.

Chưa năm nào báo lỗ nhưng việc nợ vay hai năm gần nhất trên 16.000 tỷ, chiếm hơn 70% tài sản và gấp 3 lần vốn chủ sở hữu đã khiến hoạt động của Hoa Sen gặp nhiều khó khăn. Biên lợi nhuận của công ty đã liên tục sụt giảm từ năm 2016 đến nay.

Tương tự bầu Đức và ông Đặng Thành Tâm, ông Vũ cũng phải thanh lý hàng loạt tài sản để cân đối tiền trả nợ như 2 lô đất với tổng diện tích 7.156 m2; dừng triển khai dự án Tháp Hoa Sen tại Quy Nhơn; giải thể dự án bất động sản du lịch 1.200 tỷ tại Yên Bái…

(Theo Zing)