Chỉ trong ít ngày gần đây, thông tin Kiatisuk nhận lời dẫn dắt Hoàng Anh Gia Lai đã làm “chấn động” làng bóng đá Thái Lan cũng như Việt Nam.

Cụ thể, Nhật báo thể thao hàng đầu Thái Lan Siam Sport cho biết: “Hoàng Anh Gia Lai chi gần 20 triệu baht (hơn 15 tỷ đồng) để thuê Kiatisuk làm HLV. Hợp đồng có thời hạn 2 năm, ra mắt ngày 17/12”. 

{keywords}
Bầu Đức là một trong những nhà đầu tư hiếm hoi ở Việt Nam kiên trì đến cùng với bóng đá

Mức lương tháng của “Zico Thái” tại Hoàng Anh Gia Lai được hé lộ là 800.000 baht tương đương gần 612 triệu đồng.

“Ông chủ” Hoàng Anh Gia Lai là ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) sau đó cũng đã xác nhận thông tin này.

Động thái mời Kiatisuk về làm HLV cho Hoàng Anh Gia Lai cho thấy sức ảnh hưởng, uy tín của bầu Đức trong giới túc cầu. Đặc biệt là với “tượng đài” bóng đá Đông Nam Á như Kiatisuk, ngay cả khi anh thẳng thừng từ chối CLB TPHCM nhưng lại không do dự gật đầu đồng ý với đề nghị của bầu Đức.

Có thể thấy, là bầu Đức hiện tại hay là bầu Đức của nhiều năm về trước, là Hoàng Anh Gia Lai thời kỳ hoàng kim hay khi trên bờ vực khó khăn nhất thì ông chủ tập đoàn này vẫn rất tâm huyết với bóng đá và chưa bao giờ từ bỏ bóng đá.

Cùng thời bầu Đức, từng có nhiều doanh nhân tiếng tăm cũng đầu tư mạnh mẽ cho bộ môn thể thao vua này. Tuy nhiên, theo thời gian cùng nhưng va đập, sóng gió thương trường, không ít ông bầu đã phải bỏ cuộc.

Bầu Đức thì khác. Giai đoạn khó khăn nhất, bầu Đức phải tái cơ cấu tập đoàn, từ bỏ bất động sản, bỏ thuỷ điện, mía đường… nhưng không hề có ý định dừng đầu tư cho bóng đá.

Đỉnh điểm là vào năm 2016, Học viện HAGL Arsenal - JMG nhận được lời đề nghị của một bên thứ 3 muốn mua lại để tiếp quản và làm mới với giá trị hàng trăm tỷ đồng.

Lúc đó, Hoàng Anh Gia Lai đang khủng hoảng về mặt tài chính, phải tái cơ cấu lần hai. Bầu Đức phải mang công trình Khu liên hợp Học viên Bóng đá HAGL Asenal - JMG thế chấp cho khoảng vay trị giá 603 tỷ đồng với lãi suất 5,05%-10,5%. Song, ngay cả như vậy, bầu Đức vẫn không bán học viện.

Khoản tiền chi trả đầu tư của Hoàng Anh Gia Lai cho bóng đá luôn được duy trì hàng năm. Dễ thấy nhất là chi phí cho Học viện HAGL Arsenal - JMG. Kể từ khi được xây dựng từ năm 2007 đến nay, tiền duy trì thương hiệu này đã tiêu tốn của bầu Đức hàng triệu USD.

Thể hiện trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 của Hoàng Anh Gia Lai, tại thời điểm 30/9, trong cơ cấu chi phí xây dựng cơ bản dở dang của tập đoàn này có xấp xỉ 50 tỷ đồng là chi phí đào tạo học viên bóng đá HAGL-JMG. Con số này tăng hơn 8 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Trong chi phí trả trước dài hạn, tại ngày 30/9, khoản này chiếm 32,45 tỷ đồng (vào 31/12/2019, chi phí đào tạo học viên bóng đá HAGL-JMG là 39,8 tỷ đồng).

{keywords}
Khoản mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại BCTC quý 3/2020 của HAGL

Trong lần khai trương quán cà phê thứ 100 trong chuỗi cà phê “Ông Bầu”, bầu Đức từng tiết lộ thông tin, gần 20 năm làm bóng đá, ông đã tiêu tốn rất nhiều tiền, khoảng 2.000 tỷ đồng.

Từ đó mới thấy, để tạo ra những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Minh Vương…  và thế hệ các cầu thủ trẻ, đằng sau là sự bền bỉ, dày công và tâm huyết của bầu Đức.

Bầu Đức chấp nhận thực tế đầu tư đào tạo cho bóng đá trẻ mất rất nhiều thời gian. Trên chặng đường thăng trầm của kinh doanh, có lúc rất khó khăn nhưng ông vẫn theo đuổi tới cùng.

“Tôi không cảm thấy gian khổ chút nào. Trái lại tôi thấy vui sướng và hạnh phúc vì sau những bộn bề lo toan việc kinh doanh, mình còn có những chiều ngồi xem tụi nhỏ đá bóng” - ông bầu từng chia sẻ.

Có lẽ, cũng chính nhờ sự thành công của các lứa cầu thủ, sự tiến bộ của bóng đá trẻ Việt Nam trong những năm qua đã tiếp thêm động lực, khiến ông chủ Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục đầu tư và đồng hành cùng bóng đá.

(Theo Dân Trí)