Với mức giá tham chiếu 48.000 đồng trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu VCI, ông Tô Hải – Tổng giám đốc VCSC dự kiến sẽ sở hữu khối tài sản chứng khoán đạt 1.104 tỷ đồng. Trong khi đó, bà Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch HĐQT công ty lại không nằm trong diện cổ đông lớn (chiếm từ 5% vốn điều lệ VCSC).

Tới đây, vào ngày 07/07/2017, Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) sẽ niêm yết 103,2 triệu cổ phần trên Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) với mã cổ phiếu VCI. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 48.000 đồng/cổ phiếu. Mức vốn hóa của VCSC trong ngày chào sàn xấp xỉ 4.950 tỷ đồng.

Theo bản cáo bạch của VCSC, hiện 80,55% cổ phần của công ty đang thuộc về 765 cá nhân trong nước, và 14,36% thuộc về 48 tổ chức nước ngoài. Ông Tô Hải là cổ đông lớn duy nhất của công ty đến thời điểm 19/6/2017 với sở hữu 22.953.062 cổ phần, chiếm tỷ lệ 22,24% vốn điều lệ.

Ông Tô Hải hiện là Tổng giám đốc của VCSC, trong khi đó, vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty do bà Nguyễn Thanh Phượng đảm nhiệm.

{keywords}

Trong khi ông Tô Hải nắm trên 22% cổ phần tại VCSC thì bà Nguyễn Thanh Phượng đã không còn là cổ đông lớn tại công ty này.

Với mức giá tham chiếu như trên, giá trị tài sản cổ phiếu của ông Tô Hải dự kiến sẽ đạt xấp xỉ 1.104 tỷ đồng, theo đó, Tổng giám đốc VCSC sẽ gia nhập “câu lạc bộ đại gia nghìn tỷ” trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Gần 23 triệu cổ phần của ông Tô Hải bị hạn chế chuyển nhượng trong 6 tháng đầu kể từ này niêm yết và 11,5 triệu cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng trong 6 tháng tiếp theo.

Bà Nguyễn Thanh Phượng không phải là cổ đông lớn của VCSC tuy nhiên, với chức vụ Chủ tịch HĐQT, bà Phượng có 5 triệu cổ phần bị hạn chế trong 6 tháng đầu kể từ ngày niêm yết và 2,5 triệu cổ phần trong 6 tháng tiếp theo.

VCSC được thành lập và chính thức hoạt động vào tháng 1/2007 với mức vốn điều lệ ban đầu là 360 tỷ đồng. Đến nay, vốn điều lệ của doanh nghiệp này đã được nâng lên 1.032 tỷ đồng và là 1 trong 3 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất trên HSX.

Năm 2016, VCSC đạt 893,7 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 27,5% so với năm 2015. Trong đó, 3 hoạt động chính (ngân hàng đầu tư, đầu tư chứng khoán và môi giới chứng khoán) đóng góp hơn 80% tổng doanh thu.

Lợi nhuận trước thuế đạt 411,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 333,1 tỷ đồng, cùng tăng khoảng 64% so với năm 2015. Riêng quý I/2017, đạt lần lượt 134,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 115,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 36,7% và 39,1% so với cùng kỳ 2015.

Năm ngoái, thông qua việc tư vấn huy động vốn, thoái vốn, VCSC đã tiếp cận cơ hội đầu tư vào các công ty có triển vọng. Một số thương vụ lớn mà VCSC đã tham gia trong thời gian vừa qua có thể kể đến việc đồng tư vấn cho tập đoàn Casino Group của Pháp chuyển nhượng chuỗi siêu thị BigC Việt Nam cho tập đoàn Central Group với giá 1,1 tỷ Euro trong năm 2016

Năm 2016, VCSC cũng đóng vai trò tư vấn cho bên mua là Fraser & Neave trong thương vụ mua 78,3 triệu cổ phần Vinamilk từ SCIC (tương ứng 5,4% vốn điều lệ) thông qua đấu giá với giá trị thương vụ 500 triệu USD.

Cũng trong năm 2016, công ty này là đơn vị đồng tư vấn cho đợt bán cổ phần của VietJet Air có quy mô lớn nhất trong những gần đây (170 triệu USD) và tiếp tục là đơn vị tư vấn niêm yết duy nhất cho VietJet Air vào năm 2017…

Đặt kế hoạch cho năm 2017, VCSC dự kiến nâng doanh thu thuần lên 1.095 tỷ đồng (tăng 22,5% so với thực hiện năm 2016) và thu nhập trước thuế và sau thuế lần lượt lên 550 tỷ đồng và 440 tỷ đồng (tăng trưởng thu nhập sau thuế đạt 30,6%).

Trong năm, công ty này dự kiến cũng sẽ phát hành 2 triệu cổ phần cho cán bộ công nhân viên (ESOP) với giá 15.000 đồng/cổ phần. Cổ phiếu phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong thời gian 1 năm kể từ ngày phát hành.

(Theo Dân trí)