Tại thời điểm này, chưa thể khẳng định tính đúng-sai trong vụ truy thu thuế ngàn tỷ với các DN sữa. Nhưng có thể chắc chắn một điều rằng, môi trường kinh doanh vẫn luôn có những hố sụt bất ngờ và DN rất dễ ‘dính chấu’ vì ‘sao quả tạ’ từ chính sách.

Những sự cố ngàn tỷ

Đầu tuần trước, 8 DN sữa gồm nhiều tên tuổi lớn như Vinamilk, Hanoimilk, Nutifood, FrieslandCampina... đồng loạt kiến nghị khẩn cấp gửi tới Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính để "phản đối việc áp mã mặt hàng Anhydrous Milk Fat", (dầu bơ khan, chất béo từ sữa) một nguyên liệu để sản xuất sữa.

Theo các DN, từ năm 2000, mặt hàng "Anhydrous Milk Fat" hay còn có tên thương mại là "Anhydrous Butter Fat" đều được áp mã HS 0405.90.10, mức thuế 5%.

{keywords}
Truy thu thuế ngàn tỷ khiến DN phát hoảng.

Thế nhưng gần đây, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu áp mã HS khác, là 0405.90.90 với mặt hàng "Anhydrous Milk Fat" (chất béo từ sữa) có thuế suất 15%, đồng thời truy thu thuế 5 năm, từ năm 2010. Chỉ có "Anhydrous Butter Fat"- chất béo từ bơ mới có thuế là 5%.

Với sự thay đổi này, các DN sữa đứng trước nguy cơ bị truy thu ước từ 700-1000 tỷ đồng.

Một cuộc họp kín của Tổng Cục Hải quan, Bộ Tài chính đã diễn ra giữa tuần trước về vấn đề này. Bộ Tài chính dự kiến sẽ có tờ trình Thủ tướng báo cáo vấn đề này. Chắc chắn, cuộc tranh cãi này sẽ chỉ có hồi kết khi các bên phải làm rõ được chất béo từ bơ hay chất béo từ sữa có phải là 2 mặt hàng khác nhau hay là giống nhau về bản chất, cấu tạo?

Vụ việc này khiến không ít người nhớ lại một câu chuyện tương tự, cũng với nút thắt tranh cãi phân loại mã HS, kéo dài hơn 2 năm. Đó là vụ áp thuế xe tải Van.

Năm 2010, cơ quan hải quan đã dự kiến truy thu thuế tới 34 tỷ đồng đối với 722 xe tải Van nhập khẩu. Mặc dù Cục đăng kiểm đã chứng nhận là xe tải, nhưng hải quan vẫn quyết áp thuế theo xe chở người vì cho rằng, tính năng thiết kế chở người là nhiều hơn. Thuế nhập khẩu sẽ phải là 83%, thuế tiêu thụ đặc biệt là 45% trong khi đó, xe tải có thuế tiêu thụ đặc biệt là 0% và thuế nhập khẩu cũng thấp hơn nhiều.

Rốt cục, mất 2 năm ròng rã khiếu kiện của DN, năm 2012, Bộ Tài chính mới quyết định cởi trói cho xe tải Van, không áp thuế theo xe chở người.

Giám đốc Công ty Ô tô Tây Bắc- một khổ chủ của vụ việc này nhớ lại thời kỳ đôn đáo kêu cứu đó, cho biết: dù thắng kiện thì những chiếc xe đã bị bụi phủ kín, lỗi mode 2 năm. Doanh nghiệp ngậm đắng nuốt cay, gánh chịu mọi tổn thất về phí lưu xe, lãi suất ngân hàng và bán tháo xe với giá lỗ.

Năm 2013, một vụ việc khác mang tính hồi tố, cũng gây tốn kém giấy mực không ít là truy thu thuế 350 tỷ đồng đối với 7 DN xăng dầu.

Xuất phát từ một công văn điều hành của ngành hải quan vào thời điểm tháng 12/2012, yêu cầu tất cả các lô hàng chuyển từ tạm nhập tái xuất sang tiêu thụ nội địa thì phải thay thế sang tờ khai mới và tính thuế theo thời điểm mở tờ khai mới.

Trong khi đó, cả năm 2012, các DN đều được hướng dẫn theo Thông tư 194 là ở trường hợp này, không cần mở tờ khai mới và vẫn nộp thuế theo thời điểm ở tờ khai ban đầu. Chênh lệch thuế ở 2 thời điểm này là rất lớn khi những tháng đầu năm, thuế nhập khẩu xăng dầu là 0-3%, cuối năm thuế là 10-12%.

Đáng chú ý, ngay trong vụ việc này, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã đứng về phía DN, khẳng định truy thu là không có cơ sở pháp lý. Nhưng ý kiến này cũng không thay đổi được "án truy thu" trên. Tính đến nay, các DN đã nộp khoảng 300 tỷ đồng tiền thuế truy thu này nhưng các động thái sau đó cho thấy một thái độ miễn cưỡng, ấm ức.

‘Sụt hố’ và ‘dính sao’

Các vụ việc truy thu thuế trên đều có mục đích tích cực là ngăn ngừa chống thất thu thuế trước những hiện tượng, những dấu hiệu gian lận. Như vụ áp mã thuế xe tải Van có nguyên cớ bởi nhiều DN đã nhập xe về hoán cải thành xe chở người, hay ở vụ tính lại thuế xăng dầu là bởi, có hiện tượng các DN gian lận, tạm nhập tái xuất xăng dầu nhưng thực chất tiêu thụ nội địa...

Tuy nhiên, cách thức thực thi của cơ quan quản lý vẫn còn khiến DN thấy "đau tim".

Bởi lỗi ở đây có phần không nhỏ trách nhiệm của chính những cán bộ ngành hải quan, khi đã hướng dẫn sai hoặc không kịp thời cho DN trong một thời gian dài. Cuối cùng hậu quả là DN phải gánh chịu hoàn toàn. Một án truy thu, hồi tố 5 năm bất ngờ sẽ khiến DN đảo lộn toàn bộ kế hoạch kinh doanh, có thể biến từ lãi, thành lỗ, từ hoạt động lành mạnh thành đứng trước bờ vực phá sản.

{keywords}
Dù đúng thì các sự việc này cũng cho thấy một môi trường kinh doanh đẩy bất trắc.

Tại một cuộc hội thảo có mặt của lãnh đạo Bộ Tài chính, đã có một vị giám đốc bức xúc nói rằng, vì sao kiểm tra nhiều lần mà không nói cho DN biết sai chỗ nào để chấp hành, để đến khi, bỗng lại dồn dập xử phạt DN?

Điều quan trọng hơn, người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại bởi, những án truy thu bất ngờ đó sẽ làm tăng giá thành sản phẩm như các DN sữa cảnh báo trong thư kiến nghị.

Ngân sách NN được bảo vệ, vì thu được cả trăm, cả nghìn tỷ đồng nhưng hậu quả làm sụt giảm niềm tin vào môi trường kinh doanh chắc chắc là thấy rõ. Không ít cuộc điều tra của VCCI về cảm nhận của DN đều nổi lên rằng, một trong những bức xúc lớn nhất của DN về môi trường kinh doanh là chính sách hay thay đổi, bất nhất, không thể dự đoán được.

Phạm Huyền