- Sự thành công của nhiều đại gia trong ngành hàng tiêu dùng, tốc độ hội nhập cao của nền kinh tế cùng với sự thay đổi thói quen ăn uống của một thị trường tiêu dùng rộng lớn Việt Nam… là động cơ để nhiều DN trong lĩnh vực chế biến thực phẩm chớp lấy cơ hội để nhanh chóng lớn mạnh. Đây cũng là ngành được đánh giá có nhiều triển vọng cho dù đã tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua.

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, Công ty cổ phần Trang - Trang Corp. (mã TFC) sẽ đưa 11 triệu cổ phiếu phổ thông (tương đương vốn điều lệ 110 tỷ đồng) lên sàn trong tháng 11 với kỳ vọng sẽ huy động thêm vốn để mở rộng sản xuất phục vụ xuất khẩu các sản phẩm thủy sản chế biến.

TFC là một trong số rất ít các DN chuyên sản xuất thực phẩm giá trị gia tăng chuyên sâu 100% niêm yết trên TTCK Việt Nam. Trước đó, hôm 5/10, Công ty cổ phần Đầu tư du lịch và phát triển thủy sản (Trisedco) - chủ sở hữu nhà máy tinh luyện dầu cá cao cấp Ranee đầu tiên trên thế giới đã niêm yết 38,1 triệu cổ phiếu mã DAT trên HOSE. Trong khi TFC tập trung vào chế biến các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng thì Trisedco chuyên sản xuất bột cá , mỡ cá, dầu cá tinh luyện, dẫn đầu ngành chế biến phụ phẩm từ cá tra.

{keywords}

Nhiều DN trong lĩnh vực chế biến thực phẩm chớp lấy cơ hội để nhanh chóng lớn mạnh.

Lên sàn là một lựa chọn thường thấy của các DN trong bối cảnh TTCK ấm trở lại. Xu hướng này trở nên rõ rệt và mạnh mẽ hơn khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, các NĐT nước ngoài đang găm sẵn nhiều tỷ đô để tham gia vào một thị trường cổ phiếu được coi là hấp dẫn nhất trong khu vực. DN có thể bứt lên nhanh chóng nếu có hướng đi đúng đắn. Vốn không còn là vấn đề quá nan giải.

Trên TTCK Việt Nam, hiện có nhiều DN hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, số lượng các DN chuyên sâu chế biến thực phẩm khá ít. Thông kê cho thấy, trước TFC, chỉ có FMC, CAN, SGC, SAF. Trong đó, SGC và SAF nhà nước sở hữu tỷ lệ lớn. Trong khi đó, FMC đã bị ông lớn Thủy sản Hùng Vương (HVG) nắm tới 53,5%. Do vậy, lượng cổ phiếu ngành hàng này khá hiếm.

Sự thành công của các DN hàng tiêu dùng nói chung và DN chế biến thực phẩm, nhất là thực phẩm “ready-to-eat” đang khiến nhiều DN có lịch sự phát triển lâu dài và uy tín tìm cách phát triển bùng nổ.

{keywords}

Lên sàn là một lựa chọn thường thấy của các DN trong bối cảnh TTCK ấm trở lại.

Trước đó, Tập đoàn Masan (MSN) với nhiều thương hiệu nổi tiếng về nước chấm, mì ăn liền… đã hoạt động rất tốt. Một điểm nổi bật là nhờ lên sàn và rất coi trọng vấn đề tài chính, DN này đã bùng nổ về mặt quy mô, tới giờ vốn điều lệ đã lên gần 7,5 ngàn tỷ đồng. Vinamilk cũng là một DN thực phẩm hàng tiêu dùng mang đến sức hút rất lớn cho giới đầu tư nhờ vào uy tín và quy mô ngày càng gia tăng.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) cũng là một DN thuộc ngành thực phẩm chế biến sẵn có kết quả kinh doanh ấn tượng. DN này vừa điều chỉnh mức chi trả cổ tức 2015 bằng tiền mặt từ 20% lên 50%/mệnh giá cổ phiếu.

Theo CTCP Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HSC), ngành hàng tiêu dùng nói chúng, ngành chế biến thực phẩm và chế biến thực phẩm sẵn nói chung tại Việt Nam cũng như nhiều nước trong khu vực như Thái Lan… có tốc độ tăng trưởng cao hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng chung trên TTCK.

Tại Việt Nam, cổ phiếu ngành thực phẩm chế biến sẵn không nhiều tên TTCK. Tuy nhiên, với sức hấp dẫn của những tấm gương thành công khi lên sàn và sức cầu lớn ở cả thị trường trong và ngoài nước, trong thời gian tới sẽ có thêm những DN trong lĩnh vực này lên sàn.

Đại diện Bộ Công Thương gần đây cũng cho rằng, với sự phát triển của đời sống và xu hướng tiêu dùng mới, thị trường thực phẩm chế biến sẵn, nhất là các DN sản xuất thực phẩm chế biến mang hương vị Việt, sẽ ngày càng sôi động.

Theo một khảo sát của AC Nielsen, ngành hàng thực phẩm chế biến sẵn rất có tiềm năng và mức độ phổ biến của các nhãn hiệu nội hoàn toàn lấn át hàng ngoại.

Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, sự hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam như tham gia vào AEC và sắp tới là TPP sẽ giúp các sản phẩm truyền thống và thế mạnh như thủy hải sản, nông sản… sẽ có thêm rất nhiều thị trường. Trong nước, hiện tượng thực phẩm bẩn tràn lan cũng sẽ góp phần giúp các DN có uy tín, các DN lên sàn làm ăn lành mạnh… mở rộng thị phần.

M. Hà