Đối với điện Kremlin, bất cứ một ý định ngăn trở nào đối với viễn cảnh hình thành một đế chế năng lượng của Nga đều cần phải đấu tranh, dù là ở Gruzia hay ở Ukraine.

Đã gần 7 năm trôi qua kể từ khi cuộc chiến ngắn ngày Gruzia kết thúc, một cuộc chiến như một biểu tượng cho cuộc tranh chấp ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây mà phần thắng trong cuộc chiến 2008 đã thuộc về người Nga, một cuộc chiến khác trên trục Đông – Tây đó lại diễn ra ở Ukraine, với phần thắng vẫn chưa được định đoạt.

Về quân sự, nó đã được định đoạt với kết quả giống như những gì đã từng diễn ra ở Gruzia khi Nga vẫn là kẻ chiến thắng, nhưng mục đích sau cùng của cuộc xung đột đó thì vẫn đang chưa ngã ngũ, một khi Nga vẫn chưa thực hiện được giấc mơ về một đế chế năng lượng có phạm vi bao trùm cả châu Âu của mình, còn phương Tây là nỗ lực tìm cách ngăn cản mục tiêu đó.

Cuộc chiến Gruzia cách đây gần 7 năm kết thúc với thắng lợi tuyệt đối của người Nga chỉ sau vỏn vẹn 5 ngày giao chiến, nhìn bề ngoài là một cuộc chiến để khẳng định ảnh hưởng của Nga và loại bỏ ảnh hưởng của phương Tây với các nước láng giềng. Nhưng cũng giống như hầu hết mọi cuộc chiến khác ở thế kỷ 21 là đều phần nào bắt nguồn từ các mục tiêu kinh tế, cuộc chiến Gruzia cũng không là ngoại lệ.

{keywords}

Một điều ít người biết là chiến thắng quân sự tuyệt đối của Nga trước Gruzia đã loại bỏ hoàn toàn đường ống dẫn năng lượng và khí đốt mà phương Tây đang muốn thực hiện ở Gruzia để dẫn khí đốt Trung Á về châu Âu mà không cần đi qua Nga - vốn là một điều đe dọa trực tiếp lên ngành năng lượng và giấc mơ về một đế chế năng lượng của điện Kremlin. Đối với điện Kremlin, bất cứ một ý định ngăn trở nào đối với viễn cảnh hình thành một đế chế năng lượng của Nga đều cần phải đấu tranh, dù là ở Gruzia hay ở Ukraine.

Ý định hướng tới một viễn cảnh về một đế chế năng lượng đã được định hình ở điện Kremlin vào đầu những năm 2000 khi giá năng lượng như dầu, khí đốt và than tăng cao. Tổng thống Nga khi đó là Vladimir Putin và các cộng sự đã thực sự nghiêm túc với ý định phát triển chiến lược trong tương lai này, mức độ đầu tư cho các tập đoàn năng lượng hàng đầu của Nga đã tăng lên nhanh chóng với ý định biến các tập đoàn này trở thành các ông trùm năng lượng trên khắp châu Âu và sau đó là cả thế giới theo hình mẫu những Rockefeller của Mỹ trong thế kỷ 20.

Theo đó mức độ chuyên môn hóa của các tập đoàn năng lượng của Nga cũng tăng lên, Rosneft tập trung vào phát triển công nghệ dầu và thị trường dầu trong khi Gazprom tập trung vào mảng khí đốt. Chiến lược táo bạo này của điện Kremlin có vẻ như đã có hiệu quả, khi mà kể từ khi triển khai từ đầu những năm 2000, cho đến nay ngân sách của Nga đã thu về khoảng 2000 tỷ USD chỉ riêng trong lĩnh vực năng lượng. Kiếm lời từ năng lượng mới chỉ là bước đầu tiên của chiến lược đưa Nga trở thành một đế chế năng lượng, để thực hiện được giấc mơ này các tập đoàn năng lượng của Nga cần vươn ra ngoài xứ sở bạch dương.

Một chiến lược tổng hợp được triển khai, theo đó Nga sẽ nhượng lại cổ phần hoặc thậm chí là điều hành của các tập đoàn năng lượng của Nga cho một số tập đoàn quốc tế, để đổi lại Nga sẽ được nhận cổ phần trong các cơ sở năng lượng ở các nước phương Tây như các nhà máy lọc dầu hoặc một phần mạng lưới phân phối. Cùng với đó là việc hướng về thị trường châu Á màu mỡ đầy tiềm năng như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, các đường ống dầu và khí đốt bắt đầu được xây dựng đến miền viễn Đông của Nga để sẵn sàng cung cấp cho các khách hàng châu Á.

{keywords}

Tất cả đều hướng đến một viễn cảnh Nga có thể làm chủ một mạng lưới cung cấp và phân phối năng lượng rộng khắp từ Âu sang Á, một khi mạng lưới này được hình thành, Nga có thể sẽ trở thành một siêu đế chế nắm giữ nguồn cung năng lượng cho 2/3 thị trường thế giới.

Vì thế, một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà Nga hướng tới ở Ukraine là cơ hội để khởi động lại giấc mơ về một đế chế năng lượng của mình. Ukraine là cửa ngõ quan trọng cho đường ống dẫn dầu mà Moscow đang muốn xây dựng để cung cấp gas và khí đốt cho thị trường Châu Âu, cuộc xung đột ở nước láng giềng này đã buộc Moscow phải tính đến phương án xây dựng đường ống dẫn qua Thổ Nhĩ Kỳ nhưng có vẻ như xây dựng đường ống chạy qua Ukraine vẫn là phương án hiệu quả nhất.

Điều mà Nga cần ở Ukraine không chỉ là một nước láng giềng có kinh tế yếu ớt và phải chịu sự chi phối của kinh tế Nga, mà còn là một cơ hội buộc Kiev chấp nhận cho Nga xây dựng đường ống dẫn năng lượng đi qua lãnh thổ Ukraine.

Các chuyên gia cho rằng, ở thời điểm hiện tại Nga đang có khá nhiều cơ hội để có thể thực hiện mục tiêu này. Ukraine vẫn đang nợ Nga 3 tỷ USD và khả năng thanh toán của Kiev ở thời điểm hiện tại là gần như không thể, và nhiều khả năng Kiev sẽ phải chấp nhận đề xuất xây dựng đường ống dẫn khí đốt của Nga đi qua lãnh thổ Ukraine. Để tăng thêm tính hấp dẫn cho lời đề nghị của mình, Nga cũng đang mời Ukraine vào Liên minh kinh tế Á Âu bao gồm Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan - một lời đề nghị khá hấp dẫn với tình hình kinh tế đang sa sút của Ukraine hiện nay.

Dù Ukraine có từ chối lời đề nghị này để hướng tới việc gia nhập EU thì Kiev vẫn có thể đàm phán hiệp định thương mại tự do với các nước thành viên của Liên minh kinh tế Á Âu này với sự bật đèn xanh của Nga.

Một chiến lược tổng thể và phức tạp vì thế đang được điện Kremlin triển khai ở giai đoạn hiện nay. Theo đó Nga vừa tranh chấp ảnh hưởng kinh tế tại Ukraine với phương Tây, vừa muốn tái khởi động lại mục tiêu về một đế chế năng lượng với dự án đường ống dẫn khí đốt qua lãnh thổ Ukraine, trong đó Ukraine là một bước đệm cần thiết để Nga hướng tới các mục tiêu này. Phương Tây đã thất bại trong việc xây dựng đường ống dẫn năng lượng từ Trung Á qua ngả Gruzia cách đây gần 7 năm, và giờ đây có vẻ như họ cũng sẽ khó ngăn chặn được kế hoạch xây dựng đường ống dẫn của Nga đi qua Ukraine.

(Theo Reuters/Newsweek, Motthegioi)