Lo ngại trước biến động từ Mỹ, EU

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, quý I/2020 xuất khẩu của Việt Nam đạt 59,08 tỷ USD, tăng 0,5%; nhập khẩu đạt 56,26 tỷ USD, giảm 1,9%. Xuất siêu quý I năm nay đạt 2,8 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,5 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 4,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,2 tỷ USD.

Chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng đánh giá, dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu quý đầu tiên của năm nay khá thấp nhưng vẫn là có tăng trưởng, Việt Nam vẫn xuất siêu. Điều này thể hiện rằng, xuất khẩu thời gian qua dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 song nhịp độ đó có thể chấp nhận được.

Nhưng sang quý II, tình hình có thể sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều do nhiều đối tác Mỹ, EU đồng loạt hủy, giãn đơn hàng từ Việt Nam do tác động của dịch Covid-19.

{keywords}
Dệt may chưa bao giờ đối mặt tình hình khó khăn như hiện nay.

Đơn cử, thị trường Mỹ, EU chiếm khoảng hơn 50% giá trị xuất khẩu sản phẩm của Samsung Electronics Việt Nam. Doanh thu và sản lượng toàn cầu của Samsung dự báo sẽ giảm do ảnh hưởng chung của dịch bệnh đến ngành điện tử nói chung. Samsung Việt Nam cũng dự kiến giảm mục tiêu xuất khẩu xuống còn khoảng 45,5 tỷ USD trong năm 2020 (so với 51,38 tỷ USD năm 2019).

Còn với ngành gỗ, nếu tình hình không được cải thiện, sau 1-2 tuần tới, doanh nghiệp ngành gỗ dự kiến sẽ phải cắt giảm 70% công suất, chỉ duy trì chế độ làm luân phiên. Khoảng 3-4 tuần tới, hầu hết doanh nghiệp sẽ ngừng hẳn sản xuất theo các đơn hàng xuất khẩu. Một số doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu thụ nội địa chỉ có thể sản xuất cầm chừng, khoảng 10-15% công suất nhà máy.

Nhiều khách hàng lớn của Mỹ và EU đã đề nghị các doanh nghiệp dệt may, da giày Việt Nam giãn, hoãn tiến độ giao hàng, chưa ký hợp đồng mới, có trường hợp khách đề nghị hủy hợp đồng. Dự kiến, số lượng đơn hàng trong tháng 4, tháng 5 của hai ngành này sẽ giảm khoảng 70%, các đơn hàng mới từ tháng 6 trở đi sẽ chưa được đàm phán và khả năng phục hồi đơn hàng đến cuối năm 2020 là rất chậm.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 31/3 về tác động của dịch Covid-19 đến các ngành công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng biến động từ Mỹ, Eu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ. Năng lực sản xuất của các ngành này được đầu tư vượt xa nhu cầu tiêu dùng nội địa, chủ yếu hướng đến thị trường ngoài nước, trong đó tập trung nhiều nhất là thị trường Mỹ và châu Âu.

“Khó khăn về thị trường xuất khẩu sẽ nghiêm trọng hơn so với việc thiếu hụt nguyên phụ liệu từ Trung Quốc”, Bộ Công Thương đánh giá.

Trong khi đó, việc chuyển hướng xuất khẩu sang các quốc gia khác gặp nhiều khó khăn vì các thị trường này (Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản... ) nhìn chung rất khó có thể bù đắp thiếu hụt từ thị trường Mỹ và châu Âu, trong khi đó, hàng dệt may và giày dép của Việt Nam có thể gặp phải sự cạnh tranh rất lớn từ hàng hóa của Trung Quốc do năng lực sản xuất của họ rất lớn và cơ bản đã được phục hồi.

{keywords}
EVFTA được thông qua sau 10 năm chờ đợi, giờ là lúc chờ hiệp định có hiệu lực để bù đắp thiệt hại do Covid-19 gây ra.

Vẫn nhen lên hy vọng

Ông Bùi Trọng Tú, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê), lo rằng xuất khẩu quý I đang ở mức độ tăng rất thấp so với cùng kỳ. Thời gian gần đây, dịch Covid 19 bùng phát mạnh ở châu Âu, Mỹ. Hầu như các đơn hàng của doanh nghiệp ở Mỹ, châu Âu đang tạm dừng. Nếu quý II dịch tiếp tục bùng phát như vậy, chắc chắn ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Bởi ngoài Trung Quốc, đây là hai thị trường tương đối lớn của Việt Nam, đặc biệt là dệt may, da giày và thủy sản.

Vì thế, thời gian tới, khi dịch Covid 19 giảm ở những thị trường này, chúng ta phải tận dụng hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định, khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu sang EU có thể đạt mức tăng trưởng khá trên 20% trong năm nay và con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong các năm tiếp theo. Một trong những mặt hàng xuất khẩu có nhiều lợi thế là thủy sản. Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thủy sản Việt Nam sẽ cạnh tranh được với mặt hàng cùng loại của các nước.

“Về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nói chung sang EU, năm 2019 tổng giá trị thu về là 2,6 tỷ USD, chiếm 6,4% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Dự kiến, năm 2020, xuất khẩu mặt hàng này sẽ tăng lên, chiếm khoảng 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU”, ông Lâm nói.

Chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng hy vọng nếu EU khống chế được dịch Covid-19 trong quý II để bắt đầu quý III, quý IV khôi phục lại hoạt động sản xuất thì EVFTA sẽ là tuyến đường, cánh cửa rộng để đưa hàng sang thị trường EU... Nếu dịch bệnh Covid-19 được khống chế vào quý II thì dù xuất khẩu quý I có “bết bát”, Việt Nam tận dụng tốt được EVFTA thì vẫn có thể bù đắp được thiệt hại trước đó, “cán đích” mục tiêu tăng 7-8%.

Ngoài ra, Trung Quốc đã bước đầu khống chế được dịch và là thị trường gần đối với Việt Nam. Vì vậy, ông Phạm Tất Thắng lưu ý cần rất chú ý đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau quả tươi,... Có thể nói, đây là giai đoạn vàng cho Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc.

Hà Duy

Vừa hết tắc với Trung Quốc lại gặp bí từ Mỹ và EU

Vừa hết tắc với Trung Quốc lại gặp bí từ Mỹ và EU

Nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc không còn là nỗi lo với nhiều ngành hàng, nhưng đối tác Mỹ, EU hủy đơn hàng khiến sản xuất gặp thách thức lớn. Ưu tiên lúc này là không để doanh nghiệp rơi rụng.