Đi chợ hộ nở rộ

Các ứng dụng đi chợ hộ được triển khai thử nghiệm nhằm hưởng ứng khuyến nghị tăng cường mua sắm trực tuyến của Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố lớn, mang đến thêm sự lựa chọn an toàn cho người dân trong mùa dịch Covid-19

Đầu tháng 3, ứng dụng xe công nghệ “be” đã cho ra mắt dịch vụ đi chợ giùm - “be đi chợ”. Đây là ứng dụng mà tài xế công nghệ sẽ giúp khách hàng mua sắm những sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày, với giá cước 5.500 đồng/km và 50.000 đồng cho mỗi cuốc xe đi chợ giùm.

Lái xe có thể mua ở những địa điểm mà người đặt chỉ định như chợ, cửa hàng bán lẻ, hiệu thuốc,... Tuy nhiên, ứng dụng này khuyến khích khách hàng đặt địa điểm mua tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi để có giá niêm yết và hoá đơn rõ ràng. Một ưu điểm khác là chấp nhận trả thêm phí dịch vụ vì tài xế giao hàng lên tận căn hộ chung cư.

{keywords}
Xe ôm thêm nghề đi chợ thuê

Ngoài cước phí hiển thị trên ứng dụng, người đặt phải thanh toán cho tài xế tổng giá trị hàng hóa mà tài xế đã mua hộ. Số tiền thu hộ bằng với giá trị trên hóa đơn nhưng tối đa không quá 500.000 đồng.

Tương tự, Grab vừa ra mắt dịch vụ đi chợ giùm, GrabMart, tại TPHCM. Người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm và chọn mua các loại thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, trái cây tươi, thức uống đóng chai, rau củ quả từ các đối tác liên kết là các cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị. Đơn hàng sẽ được gửi trực tiếp đến máy nhận đơn của các thương nhân liên kết với GrabMart.

Đối tác tài xế nhận đơn hàng GrabMart chỉ cần đến cửa hàng, báo số đơn, chờ nhận hàng và giao hàng, lược bỏ các quy trình ghi nhớ đơn hàng, mua hộ, thanh toán thủ công, rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện đơn hàng. TP.HCM là thành phố đầu tiên triển khai dịch vụ GrabMart tại Việt Nam. Trước đó, Grab đã triển khai tại Indonesia, Thái Lan và Malaysia.

Thực tế, đi chợ hộ đã từng có nhiều đơn vị triển khai nhưng thời điểm này càng rầm rộ hơn. Lomart ra đời từ năm 2017, thuộc Công ty Cổ phần Lozi. Dịch vụ này chuyên nhận đi chợ giùm đối với các mặt hàng rau tươi, trái cây, thịt cá,.. do các siêu thị, cửa hàng tiện ích, một số cửa hàng thực phẩm khác cung cấp. Lomart tính phí vận chuyển 5.000 đồng/km và có chế độ giao hàng trong một giờ.

Hay Now Fresh thuộc Công ty Cổ phần Foody cung cấp nhiều lựa chọn mua thực phẩm, rau củ, hải sản, thịt tươi sống... Phí vận chuyển khoảng 15.000 đồng đối với đơn hàng dưới 5km. Trang này cũng thường cập nhật những ưu đãi do các cửa hàng, đơn vị cung ứng thực phẩm giới thiệu.

Tương tự, Đi Chợ Nhanh cũng đã có thị phần không nhỏ tại TP.HCM. Các mặt hàng gồm rau củ quả, thịt gia súc gia cầm, gạo, gia vị, thực phẩm chay,... Dịch vụ này miễn phí vận chuyển đối với đơn hàng trên 250.000 đồng, trong bán kính 5km, nếu xa hơn sẽ thu phí 20.000 đồng/đơn.

{keywords}
Các ứng dụng cạnh tranh với dịch vụ bán hàng online của siêu thị 

Thị trường nhiều tiềm năng

Theo đại diện một đơn vị cung cấp dịch vụ đi chợ, nhu cầu về sự tiện lợi trong việc mua sắm thực phẩm ngày càng phát triển ở các nhóm khách hàng là nhân viên văn phòng, nhóm đang nuôi con nhỏ và phụ nữ hiện đại. Dịch vụ đi chợ online đang có nhiều tiềm năng.

Ưu điểm của các dịch vụ này là bảo đảm chất lượng sản phẩm cũng như đơn hàng được các ứng dụng ghi lại cả về hành trình nhận đơn, mua sắm và thanh toán, giao hàng nên phát sinh khiếu kiện có thể giải quyết được.

Không chỉ mua hộ, mà một số đơn vị còn sơ chế, đóng gói chân không theo yêu cầu sẽ được giao đến tận nơi vừa giúp khách hàng nấu nướng nhanh chóng, vừa giúp bảo quản thực phẩm ăn nhiều ngày dễ dàng, sạch sẽ.

Chị Thu Nga, chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm có tham gia đối tác cho hay, hiện tại mỗi ngày bà nhận trung bình từ 25-40 đơn hàng bao gồm cả thực phẩm tươi sống, thực phẩm sơ chế và chế biến sẵn. Tổng chi phí một đơn hàng dao động khá xa nhau, có khi chỉ khoảng 250.000 đồng nhưng cũng có khi đạt 2,5 triệu đồng.

Mặc dù vậy, dịch vụ đi chợ online cũng có những khó khăn đặc thù. Khó khăn lớn nhất là dịch vụ giao nhận, tiếp nữa là nguồn thực phẩm, làm sao để luôn đảm bảo an toàn tối đa khi tới tay người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các hãng công nghệ cũng phải chi nhiều tiền hơn trong truyền thông giới thiệu nhằm hình thành thói quen của người tiêu dùng, đặc biệt là các bà nội trợ.

Chuyển qua 'thời chiến', không tiếp khách nhà hàng vẫn sống khỏe

Chuyển qua 'thời chiến', không tiếp khách nhà hàng vẫn sống khỏe

Nước lẩu sẽ đóng gói đi kèm với các set đồ ăn, một hệ thống cửa hàng lẩu nói riêng cũng như các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê,... đã nhanh chóng thích nghi trong bối cảnh Covid-19.

Bảo Anh