Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam năm 2020”.

Theo đó, năm 2020 có 17 luật, 158 nghị định, 39 quyết định cùng 310 thông tư được các cấp có thẩm quyền ban hành. So với các năm trước, số luật, nghị định và quyết định không biến động nhiều nhưng số thông tư giảm mạnh. Thực tế cho thấy, chất lượng xây dựng thể chế và chất lượng các quy định pháp luật nói chung đã và đang dần được nâng lên một bước, với nội dung thiết thực và dễ thực thi hơn, cho dù không cần ban hành thêm nhiều thông tư ở cấp bộ.

Điều này cũng phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính thông qua việc giảm thiểu số lượng văn bản pháp luật, quy định mà doanh nghiệp phải theo dõi và tuân thủ.

Năm 2020 cũng ghi nhận sự cầu thị, tiếp thu và phản hồi những kiến nghị từ phía cộng đồng doanh nghiệp của cơ quan chức năng. Tỷ lệ tiếp thu và phản hồi ý kiến của doanh nghiệp là 55%, cao hơn 10% so với năm trước.

{keywords}
 

Điểm sáng: Khởi sự kinh doanh

Mặc dù thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cải cách nhằm nâng cao Chỉ số khởi sự kinh doanh, nhưng thứ hạng vẫn chưa được cải thiện. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2020 Việt Nam đứng thứ 115/190 nền kinh tế, đứng thứ 6 ASEAN với 8 thủ tục, thực hiện trong 16 ngày.

Nguyên nhân xuất phát từ các quy định về khởi sự doanh nghiệp vẫn còn chưa hợp lý, doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục, giữa các thủ tục có sự chồng lấn về mặt thông tin, chưa có sự kết nối, liên thông.

Năm 2020, Chính phủ đã ban hành các văn bản có tính chất thúc đẩy hoạt động khởi sự kinh doanh như Nghị định 122/2020/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, đã xây dựng quy trình liên thông giữa các thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, đã rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện các thủ tục khởi sự kinh doanh, góp phần tinh giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh khi gia nhập thị trường.

Bên cạnh đó, Nghị định 22/2020/NĐ-CP về lệ phí môn bài, bổ sung đối tượng được miễn lệ phí này gồm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh mới thành lập. Nếu như trước đây, bất kỳ chủ thể kinh doanh nào gia nhập thị trường đều phải đóng lệ phí môn bài và đây là mức phí được đóng hàng năm, theo quy định mới, trong năm đầu tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình mới ra hoạt động kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ không phải đóng lệ phí môn bài.

{keywords}
 

Việc ban hành các nghị định trên đã thể hiện nỗ lực rất đáng ghi nhận của cơ quan quản lý nhà nước trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp. Cách tiếp cận này dự báo sẽ đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy tăng hạng của Việt Nam về chỉ số gia nhập thị trường theo xếp hạng của WB trong thời gian tới, báo cáo viết.

Còn nhiều vướng mắc

Trong các thủ tục hành chính liên quan đến gia nhập thị trường, thủ tục đăng ký doanh nghiệp được đánh giá có nhiều cải cách, tạo thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh bắt đầu khởi sự kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn có vấn đề về tính đồng nhất trong quy định về việc thành lập doanh nghiệp. Hiện nay, có hai hệ thống thành lập doanh nghiệp, một là theo pháp luật về doanh nghiệp, hai là luật chuyên ngành.

Việc tồn tại hai hệ thống quy định về thành lập doanh nghiệp có thể tạo ra sự chồng lấn về mặt quản lý và tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Cụ thể, theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể đăng ký thành lập trong tất cả các ngành nghề kinh doanh, trừ các ngành nghề kinh doanh bị cấm. Nghĩa là có thể đăng ký các ngành nghề kinh doanh đi theo nhánh riêng. Trong khi đó, theo quy định của luật chuyên ngành thì các tổ chức kinh doanh ngành nghề này không phải đăng ký thành lập doanh nghiệp, chỉ cần xin giấy phép thành lập và hoạt động.

{keywords}
 

Trong 2020, một số văn bản đã được soạn thảo/ban hành vẫn còn thấp thoáng của “tư duy cũ”, áp đặt các biện pháp quản lý khắt khe quá mức cần thiết; chưa tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp dân doanh hoạt động.

Lĩnh vực giao thông đường bộ cũng đang có xu hướng thắt chặt hơn biện pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải. Dự thảo Luật Giao thông đường bộ đang được sửa đổi để thay thế Luật năm 2008, trong đó có sửa đổi các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách. Dự luật đã loại bỏ một số điều kiện kinh doanh bất hợp lý của luật hiện hành, nhưng lại bổ sung thêm một điều kiện khá quan trọng đó là lái xe kinh doanh vận tải bên cạnh việc phải có giấy phép lái xe, phải có “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”. Đây là một loại giấy phép mới và có nguy cơ tăng thủ tục xin - cho không cần thiết.

Trong 2020, biện pháp quản lý có tính chất can thiệp vào thị trường vẫn còn “thấp thoáng” trong một số văn bản được soạn thảo. Chẳng hạn về kê khai giá cước một số loại hình vận tải hành khách. Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư liên tịch 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT theo hướng: cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét các yếu tố cấu thành giá cước vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định và quyết định xem việc tăng hoặc giảm giá cước có hợp lý không và không cho phép doanh nghiệp thực hiện mức giá mà doanh nghiệp đề xuất nếu không thấy hợp lý.

Đây được xem là biện pháp quản lý can thiệp trực tiếp vào quyền tự định giá của doanh nghiệp và chưa phù hợp với các quy định của pháp luật về giá.

Ngoài ra, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), có tình trạng nhiều quy định pháp luật được ban hành rất bất hợp lý và ẩn chứa nhiều vướng  mắc gây khó khăn trong quá trình thực hiện cho doanh nghiệp.

Chúng tôi nhận thấy đâu đó vẫn còn những tư duy cũ kỹ của cách làm chính sách, trong các văn bản được soạn thảo và ban hành trong năm qua. Điều này cần tiếp tục sửa đổi, loại bỏ để hoàn thiện nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng và cởi mở, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận xét.

Trần Thủy