Hướng đến đưa 100% dịch vụ công lên trực tuyến mức độ 3, 4

Nhận thấy tầm quan trọng của CNTT trong việc phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Hậu Giang đã xác định 3 nhiệm vụ cần tập trung nguồn lực để đẩy mạnh, nổi bật trong số đó là thực hiện cải cách hành chính (CCHC) mạnh mẽ, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số... từ đó, phát triển đô thị thông minh kinh tế số.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hậu Giang đặt mục tiêu hoàn thiện Chính quyền điện tử, phát triển Chính quyền số, chuyển đổi hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường số.

Cụ thể, Hậu Giang hướng đến đưa 100% dịch vụ công lên trực tuyến mức độ 3, 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 100% phần mềm quản lý văn bản được triển khai cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh và được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử có ký số được luân chuyển trên phần mềm Quản lý văn bản của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh cũng hướng đến đưa 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp cơ sở được xử lý trên môi trường mạng. 100% báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thường trực tỉnh ủy, UBND tỉnh được thực hiện qua hệ thống báo cáo của tỉnh. 100% báo cáo Chính phủ định kỳ được gửi, nhận qua Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

{keywords}

Hậu Giang tập trung CCHC, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử

Việc đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp trực tuyến các dịch vụ công của tỉnh sẽ giúp người dân và doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các thông tin hoạt động của tỉnh, đồng thời có thể tương tác thuận tiện, dễ dàng và theo dõi quá trình xử lý hồ sơ của mình mọi lúc, mọi nơi.

Khi các ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đổi số, môi trường kinh doanh của tỉnh sẽ được cải thiện, thủ tục hành chính tiếp tục được đơn giản hóa, cắt giảm quy trình thực hiện, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh, cung cấp dịch vụ tại tỉnh.

Tỉnh đầu tiên sử dụng công nghệ AI phục vụ người dân, doanh nghiệp

Ông Lã Hoàng Trung - Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông Hậu Giang cho biết: “Lý do để Hậu Giang chọn chìa khóa phát triển là xây dựng thành công chính quyền điện tử là vì Hậu Giang không có nhiều lợi thế cạnh tranh về điều kiện tự nhiên so với các địa phương khác, tỉnh còn nghèo, nguồn lực của tỉnh còn hạn chế. Vì vậy, việc lựa chọn lĩnh vực ưu tiên để đầu tư là rất quan trọng.

Xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và sắp tới là thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh là sự lựa chọn phù hợp, là giải pháp cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân trên địa bàn tỉnh”.

Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước, triển khai nhiều hoạt động xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và đạt được những kết quả tích cực.

Đáng chú ý, Hậu Giang là tỉnh đầu tiên ứng dụng công nghệ AI vào phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua Tổng đài giải đáp tự động dịch vụ công, được thành lập ngày 8/4/2021. Đây sẽ là kênh thông tin hữu ích để cung cấp, giải đáp cho người dân, doanh nghiệp các thông tin cần thiết trước khi thực hiện dịch vụ công truyền thống, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp

{keywords}

Lễ công bố Tổng đài giải đáp tự động dịch vụ công 1900 86 68 95

Ngoài ra, Phần mềm Quản lý văn bản được triển khai đến tất cả các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố và UBND xã, phường, thị trấn với hơn 300 cơ quan, đơn vị sử dụng. Số lượng người sử dụng khoảng 3.000 tài khoản.

Cổng dịch vụ công trực tuyến đã cập nhật 1.937 thủ tục hành chính thuộc danh mục thủ tục hành chính của các đơn vị trong tỉnh. Hệ thống đã liên thông và cập nhật 1.681 thủ tục hành chính lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tổng số hồ sơ tiếp nhận trên Cổng dịch vụ công (mới) đến hết tháng 12 /2020 là 87.669 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn là 99,1%.

Đến nay, 100% các sở, ban, ngành tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố đã có Cổng/Trang Thông tin điện tử.

Cùng với quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số toàn diện các ngành, lĩnh vực, tỉnh Hậu Giang đã chạm đến nhiều thành công trong hiện đại hóa và cải cách nền hành chính. Việc đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cao của tỉnh trong việc xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, hiệu quả, hướng đến xây dựng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.

Ngô Linh