- Một khi TPP có hiệu lực, nguy cơ các doanh nghiệp Việt vướng vào các vụ kiện liên quan tới bản quyền và sở hữu trí tuệ (SHTT) dẫn tới phá sản là hiện hữu. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp dường như vẫn chưa nhận thức được điều này.

Phát biểu tại một buổi tọa đàm mới đây về một số vấn đề thực thi quyền SHTT trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP, ông John Hill, Tham tán Kinh tế, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần phải “lùi một bước để tiến 3 bước”, “chấp nhận thách thức để tìm cơ hội”.

{keywords}

Ông John Hill, Tham tán Kinh tế, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội. Ảnh: Lê Văn.

Theo ông John Hill, một khi gia nhập TPP, Việt Nam sẽ nhận được những "lợi ích hữu hình" từ mức thuế xuất nhập khẩu giảm. "TPP hướng tới giảm 18 ngàn loại thuế khác nhau về 0 và đây là con số khổng lồ".

Vị tham tán Kinh tế của ĐSQ Hoa Kỳ dẫn số liệu từ Viện Peterson và Ngân hàng Thế giới khẳng định, Việt Nam sẽ là nước có được mức hiệu quả tăng cao nhất với GNP tăng 8,1-9,8 (so với mức tăng 0,4 – 0,5% của Mỹ), xuất khẩu tăng 30% (so với 8 – 9% của Mỹ), thu nhập tăng 13%.

Tuy nhiên, theo ông, điều còn quan trọng hơn cả những lợi ích thương mại trực tiếp mà TPP mang lại, đó là khuôn khổ những chuẩn mực, hành vi mà về lâu dài sẽ định hình quỹ đạo kinh tế cho Việt Nam.

"Tôi nhận thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ coi Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn, cả về sản xuất, phân phối và thị trường", ông nói.

Bên cạnh những lý do để lạc quan, ông John Hill cũng cho rằng, khó khăn nhất vẫn nằm ở khâu thực hiện các cam kết khi vào TPP, đặc biệt là đối với các cam kết về sở hữu trí tuệ (SHTT).

Ông John Hill cho biết, TPP yêu cầu rất cao về bảo hộ SHTT. Những tiêu chuẩn này còn chặt chẽ hơn cả quy định của WTO, mà nếu không tuân thủ thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Theo đó, TPP là hiệp định đầu tiên áp dụng chế tài hình sự đối với hành vi đánh cắp bí mật thương mại. TPP cũng quy định chế tài hình sự đối với các hành vi giả mạo nhãn hiệu, vi phạm bản quyền.

TPP cũng là hiệp định thương mại đầu tiên có quy định về thực thi QSHTT áp dụng cho các doanh nghiệp nhà nước và đây cũng là hiệp định đầu tiên mở rộng áp dụng vấn đề thực thi quyền SHTT vào lĩnh vực kỹ thuật số chứ không chỉ sản phẩm vật thể.

Ông Joh Hill cho rằng, việc xây dựng các điều luật, quy định, thủ tục về SHTT là cần thiết, song khó khăn hơn chính là thực thi các quy định đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Ngoài ra, ở cấp độ trung ương, các chính phủ cũng có thể bị doanh nghiệp kiện nếu như bị ảnh hưởng tới quyền SHTT.

"Khi đó Việt Nam rất có thể sẽ ở vào tình thế khó", ông John Hill nói. "Và trong ngắn hạn, một số đổ vỡ sẽ không tránh khỏi".

Theo ông John Hill, tỉ lệ cài đặt phần mềm không phép của Việt Nam trên thị trường hiện là 81% - một trong những mức cao nhất trên thế giới và hiện đang là mức cao nhất trong số các nước thành viên TPP.

Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ không tận dụng được những lợi thế từ TPP mà còn dễ vướng vào các vấn đề pháp lý. “Số vụ kiện vi phạm bản quyền có thể tăng cao khi TPP có hiệu lực", ông John Hill cảnh báo.

Trong khi nguy cơ vướng vào các vụ kiện liên quan tới bản quyền dẫn tới nguy cơ phá sản là hiện hữu thì hiện nay các doanh nghiệp dường như vẫn chưa nhận thức được điều này.

Vấn đề vi phạm quyền SHTT tại Việt Nam trong những năm qua đang diễn ra khá nghiêm trọng. Theo thống kế của Bộ KH&CN, trong giai đoạn 2012-2015, các cơ quan thực thi đã xử lý 26.004 vụ việc với tổng số tiền phạt trên 68 tỷ đồng.

Riêng về vi phạm bản quyền phần mềm máy tính, theo Bộ VHTT-DL, từ năm 2006-2015, thanh tra 541 cơ sở thì chỉ có 41 cơ sở chấp hành đúng quy định về SHTT. Bộ này cũng đã ban hành 499 quyết định xử phạt với số tiền lên tới 8,6 tỉ đồng.

Theo đại diện Cục SHTT (Bộ KHCN) thì mặc dù số tiền phạt vi phạm bản quyền từng năm rất lớn nhưng tình hình xâm phạm bản quyền nhiều năm qua không có thay đổi đáng kể, vẫn là nỗi lo của xã hội và trăn trở của nhà nước.

Vấn đề SHTT càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi Việt Nam gia nhập Hiệp định TPP, trong đó có những yêu cầu khắt khe về thực thi quyền SHTT.

Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân từng khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản hàng loạt vì các vụ kiện liên quan tới SHTT một khi TPP có hiệu lực.

Bên cạnh đó, theo Liên minh Phần mềm BSA, việc vi phạm SHTT với phần mềm máy tính còn gây ra nhiều mối đe dọa về an ninh mạng bên cạnh các vấn đề pháp lý.

Theo ông John Hill, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ cần phải "lùi 1 bước để tiến 3 bước", trải qua những thử thách để nhận ra những cơ hội nhưng là những cơ hội lớn.

"Khi TPP có hiệu lực Việt Nam có thể sẽ có nhiều biến động. Tuy nhiên, Việt Nam sau khi kinh qua quá trình đó sẽ càng vững mạnh hơn và trở thành một nền kinh tế có sức cạnh tranh cao hơn nhiều", ông John Hill khẳng định.

Lê Văn