Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, đây đáng lý là thời điểm để Việt Nam tỏa sáng. Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, sẽ phải mất nhiều năm để quốc gia Đông Nam Á này và các khu vực sản xuất khác đủ khả năng thay thế Trung Quốc.

Báo này chỉ rõ các chuỗi cung ứng được chuyên môn hóa giúp Trung Quốc trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực sản xuất từ điện thoại thông minh, thang nhôm, máy hút bụi đến bàn ăn. Trong khi đó, hiện tại, không sản phẩm nào kể trên được phát triển tại Việt Nam. Cũng không có nhiều nhà máy tại Việt Nam sở hữu chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn Mỹ và hệ thống máy móc đắt tiền.

Hơn nữa, dân số Việt Nam chưa bằng 1/10 dân số Trung Quốc. Điều đó dẫn tới nguy cơ rơi vào tình trạng thiếu lao động khi các nhà sản xuất trên thế giới đổ xô đến Việt Nam để tránh thuế trừng phạt từ Mỹ.

"Sau 15 năm khởi động, Trung Quốc đã có thể cung cấp bất cứ thứ gì bạn muốn", bà Wing Xu, Giám đốc Omnidex Group, công ty chuyên cung cấp máy bơm cho tập đoàn McLanahan, nhận định.

Công ty Omnidex đã chuyển một phần chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Tuy nhiên, trong số 80 bộ phận cần thiết để sản xuất máy bơm, các nhà máy tại Việt Nam hiện chỉ sản xuất được 20 bộ phận.

"Bạn không thể chuyển doanh nghiệp sang Việt Nam và ngay lập tức tìm thấy thứ bạn đang tìm kiếm", Wall Street Journal dẫn lời Wing Xu.

Trung Quốc vẫn giữ "miếng bánh" lớn

Các chủ doanh nghiệp đang "lên dây cót" để ứng biến với những biến động do căng thẳng thương mại leo thang. Một số công ty đã rời hoàn toàn chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Trong khi đó, các nhà sản xuất lớn tại đất nước tỷ dân khẩn trương thúc đẩy chiến lược đa dạng hóa.

Theo chiến lược "Trung Quốc cộng 1", các công ty sẽ chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang Đông Nam Á và một số quốc gia khác, đồng thời vẫn tiếp tục sản xuất tại Trung Quốc để phục vụ thị trường Trung Quốc và các thị trường bên ngoài Mỹ. 

{keywords}
Hình ảnh một khu công nghiệp tại Bình Dương, Việt Nam. Ảnh: Wall Street Journal.

Kết quả là, một cục diện mới của bức tranh sản xuất toàn cầu đang được định hình. Các nhà máy rời khỏi Trung Quốc sang các quốc gia đang phát triển, chỉ một số nhỏ quay trở lại Mỹ. "Miếng bánh" của Trung Quốc đã thu hẹp nhưng vẫn chiếm một phần đáng kể trên cuộc đua toàn cầu.

Trong khi đó, một công xưởng sản xuất toàn cầu mới không thể được tạo ra chỉ sau một đêm. Việt Nam cung cấp lao động giá rẻ, nhưng dân số 100 triệu người của quốc gia này là quá nhỏ so với 1,3 tỷ dân ở Trung Quốc. Thêm vào đó, hệ thống đường xá và cầu cảng tại Việt Nam khá chật chội.

Ấn Độ, quốc gia 1,3 tỷ dân, lại sở hữu ít thợ lành nghề và các chính sách của chính phủ không mấy cởi mở.

"Câu hỏi đặt ra là: 'Chúng ta nên đi đâu?'. Câu trả lời vẫn còn rất mơ hồ", Giang Lê, chuyên viên phân tích tại công ty tư vấn chiến lược Control Risks, nhận định.

GoPro, nhà sản xuất máy ảnh có trụ sở tại California (Mỹ), đang chuyển hoạt động sản xuất từ Mỹ sang Guadalajara (Mexico) trong khi vẫn duy trì hoạt động tại Trung Quốc để phục vụ các thị trường khác.

Universal Electronics, công ty sản xuất công nghệ cho nhà thông minh có trụ sở tại Arizona (Mỹ), vừa hợp tác với một đối tác ở Philippines và mở rộng hoạt động sang Monterrey (Mexico).

Trong khi đó, Công ty TNHH Techtronic Industries đang lên kế hoạch thành lập nhà máy mới tại Việt Nam và thúc đẩy các hoạt động ở Mississippi (Mỹ). Công ty tiết lộ sẽ duy trì hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trong thời gian tối thiểu 10 năm.

Hơn 20 năm qua, Trung Quốc đã phát triển mô hình thu hẹp khoảng cách giữa các nhà cung cấp nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và đạt hiệu quả cao. Hiện tại, hoạt động sản xuất trở nên rời rạc hơn khiến các công ty phải đối mặt với nguy cơ chi phí tăng cao, kéo dài thời gian giao hàng, chịu thêm các khoản thuế và chế độ lao động.

"Các công ty đang bắt đầu tập trung vào những nguyên tắc khắt khe, quy định một sản phẩm phải được sản xuất với tỷ lệ bao nhiêu tại một quốc gia để được coi là sản xuất ở quốc gia đó. Ví dụ các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam gắn mác 'Made in Vietnam'. Thời đại của giao thương ôn hòa đã qua", Wall Street Journal dẫn lời ông Willy C. Shih, chuyên gia kinh tế tại Harvard Business School.

Cơ hội gõ cửa Việt Nam

Cú chuyển mình của sản xuất toàn cầu là cơ hội mà Việt Nam vẫn chờ đợi. Một số ngành sản xuất các sản phẩm cần nhiều lao động như giày thể thao và áo len đã chuyển sang Việt Nam vài năm gần đây, do chi phí lao động tại Trung Quốc tăng cao. Gã khổng lồ điện tử Samsung cũng rót hàng tỷ USD vào Việt Nam. Hà Nội đang mong muốn mở rộng ngành công nghiệp điện tử và kỹ thuật.

Các đề nghị hợp tác ồ ạt gửi đến những khu công nghiệp tại Việt Nam. Công ty cho thuê nhà máy BW Industrial Development tiết lộ các cơ sở đều kín chỗ đến tháng 12. Giám đốc tiếp thị Michael Chan cho biết một số đối tác gấp rút ký kết hợp đồng chỉ trong vòng 1 tuần tính từ lúc liên hệ với trang web công ty.

{keywords}
Công ty cho thuê nhà máy BW Industrial Development tại Bình Dương (Việt Nam) không còn chỗ trống. Ảnh: Wall Street Journal.

Hanel PT, công ty Việt Nam chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho các thiết bị báo cháy và cảm biến chuyển động, tiết lộ đang đàm phán một thỏa thuận lớn nhất từ trước đến nay. Theo bà Trần Thu Trang, công ty đã hợp tác với nhiều đối tác Nhật Bản trong 20 năm hoạt động, nhưng đây là lần đầu hợp tác với doanh nghiệp Mỹ. 

Công ty TNHH có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh Seditex, đơn vị chuyên kết nối các doanh nghiệp nước ngoài với nhà máy địa phương, đã nhận được 20 yêu cầu mỗi tuần kể từ khi thuế tăng lên hồi tháng 9/2018.

Trước đó, công ty chỉ nhận được 20 yêu cầu mỗi tháng. Các doanh nghiệp nước ngoài thường dò hỏi về quy trình sản xuất balô, kìm, tai nghe Bluetooth, bánh xe vali và giá treo quần áo.

Doanh nghiệp nước ngoài vật lộn tại Việt Nam

"Các công ty quen với hoạt động tại Trung Quốc đang phải vật lộn để thích nghi. Thực tế cho thấy không có giải pháp sẵn tại Việt Nam", nhà sáng lập Frank Vossen nhận định.

Lực lượng lao động ngày càng khan hiếm. Một công ty xuất khẩu đường ống và vòi tiết lộ nhận được số lượng lớn đơn đặt hàng cho các sản phẩm bị đánh thuế. Tuy nhiên, họ chỉ thuê được 30% số nhân công cần thiết.

Một đơn vị gia công đồ nội thất cho hãng Muji cũng cho biết công việc sản xuất đã bị trì hoãn từ tháng 1 vì thiếu lao động.

{keywords}
Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động. Ảnh: Wall Street Journal.

"Tôi rất ngạc nhiên vì Ấn Độ không nắm bắt cơ hội này. Họ có cảng trên hai bờ biển, chi phí lao động thấp, trong khi chi phí lao động và điều tiết ở Trung Quốc đang tăng mạnh", Yotaro Kanamori, Giám đốc kế hoạch tại công ty Generation Pass cho biết.

Sự chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam đã bắt đầu từ lâu. Tập đoàn Nike mua giày từ các nhà máy Việt Nam vào giữa thập niên 90. Khi mức lương tối thiểu ở Trung Quốc tăng lên, nhiều đơn đặt hàng quần áo, đồ chơi và giày dép chuyển sang các "công xưởng" bớt tốn kém hơn như Bangladesh, Myanmar và Việt Nam.

Canon, tập đoàn đa quốc gia Nhật Bản bắt đầu sản xuất máy in ở miền Bắc Việt Nam vào năm 2012. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng cho các sản phẩm như máy in và máy ảnh rất lớn và khó thiết lập lại.

Theo quản lý cấp cao Đào Thị Thu Huyền, chỉ có 20 trên tổng số 175 nhà cung cấp tại Việt Nam là các công ty địa phương. Họ chủ yếu sản xuất bao bì và bộ phận nhựa, còn các linh kiện điện tử đến từ Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan.

Sự chuyển dịch dây chuyền sản xuất sang Việt Nam bắt đầu tăng tốc vào năm ngoái. Christopher Devereux, nhà sáng lập công ty ChinaSavvy, tức tốc rời khỏi Trung Quốc sau khi Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc. Ông tiến hành khảo sát hàng chục nhà máy tại Việt Nam và đổi tên doanh nghiệp thành Omnidex.

{keywords}
Việt Nam chưa có chuỗi cung ứng được tinh chỉnh tối đa như Trung Quốc. Ảnh: Wall Street Journal.

Một trường hợp khác là Peter Zhao - nhà sản xuất các sản phẩm điện tử cho ECM Industries. Ông sớm từ bỏ hy vọng chấm dứt cuộc chiến thương mại và bắt đầu tìm kiếm các đại lý ở Đông Nam Á, liên hệ với đơn vị trung gian Seditex tại Việt Nam.

Ông Zhao yêu cầu Seditex tìm kiếm các nhà máy có kinh nghiệm chế tạo đồng hồ vạn năng đang được sản xuất tại Trung Quốc. Sau một thời gian dài lùng sục, lựa chọn khả thi nhất là công ty Viettronics chuyên sản xuất TV và các thiết bị điện tử khác.

Các chuyên gia R&D của Viettronics sau đó đã tháo dỡ mẫu đồng hồ vạn năng được ông Zhao gửi đến. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia kết luận các nhà máy địa phương chỉ cung cấp được vỏ nhựa, dây cáp và lắp ráp đồng hồ vạn năng. Các bộ phận chính như mạch tích hợp sẽ cần nhập khẩu.

Đó là vấn đề lớn đối với ông Zhao. Ông đã quen với việc mua mọi thứ ở Trung Quốc. Các nhà máy tại đây đã tạo ra mô hình tinh chỉnh dựa trên thế mạnh của mạng lưới cung ứng phát triển mạnh mẽ.

Ông không cần bận tâm đến thiết kế hay thành phần mà chỉ cần quan tâm sản phẩm hoàn chỉnh và giá thành cuối cùng.

"Để chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam, tôi sẽ phải phát triển chuỗi cung ứng xuyên biên giới lại từ đầu, tìm kiếm nơi sản xuất các bộ phận người Việt không làm được tại Trung Quốc, đàm phán về tiêu chuẩn chất lượng và giá cá. Tôi không đủ nhân lực và ngân sách cho quá trình đó", ông Zhao tiết lộ.

Ông cũng nghĩ đến việc trở thành trung gian giữa một đối tác Trung Quốc, đảm nhận các bộ phận chính, và một đối tác Việt Nam, phụ trách vỏ nhựa và lắp ráp. "Tuy nhiên, họ sẽ đổ lỗi cho nhau nếu có sự cố xảy ra. Cách làm đó rất rủi ro và tốn kém", ông kết luận.

(Theo Zing)